Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự lo lắng khi an ninh nguồn nước chưa được quản lý, kiểm soát tốt sau vụ đổ trộm dầu thải xuống sông Đà.

Chiều qua, bên hành lang QH, liên quan vụ đổ trộm dầu thải vào sông Đà gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước cấp cho hàng trăm nghìn hộ dân Hà Nội, các ĐBQH đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm quản lý nguồn nước tốt hơn.

An ninh nguồn nước chưa được chú trọng

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhận định, vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay chưa được quản lý được, đặc biệt là nguồn nước mặt được sử dụng sản xuất nước sạch. ĐB nêu thực tế nguồn ô nhiễm từ hệ thống nước thải của các hộ gia đình, chất thải trâu bò, động vật có nhiều cơ hội xâm nhập vào hệ thống nước mặt nếu như không được kiểm soát tốt.

Theo ông, vấn đề vi phạm nước sạch, vệ sinh môi trường trong thời gian qua, nguyên nhân cơ bản đó là các doanh nghiệp quản lý nước thiếu chặt chẽ, thiếu cụ thể. Người dân ở từng khu vực thiếu phát huy vai trò của mình trong việc phát hiện, tố cáo, báo cáo các cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt, ý thức trách nhiệm của một số người dân quá kém.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Ông Phương đề xuất cần có nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ, đúng quy trình thì mới hạn chế được những sự cố đáng tiếc như vừa qua. Nguồn nước thuộc phạm vi cung cấp nước sạch cho người dân thì phải có hàng rào che chắn, có khu vực quản lý, bảo vệ chặt chẽ.

Ông Phương cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của doanh nghiệp được cấp phép cung cấp nước sạch cho người dân phải phát huy hết vai trò, trách nhiệm, đồng thời có giải pháp tích cực để đảm bảo tuyệt đối an toàn nguồn nước.

Các đơn vị kinh doanh cung cấp nước sạch phải xây dựng được hệ thống lọc nước đảm bảo đúng quy trình chặt chẽ, nước thành phẩm đạt chuẩn chất lượng thì mới được cung cấp cho người dân.

Ngoài việc kiểm soát tốt chặt chẽ chất lượng nguồn nước đầu vào và đầu ra, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng cần thường xuyên tuyên truyền cho người dân xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Từng ngành, lĩnh vực, địa phương phải có cam kết giữa cá nhân với tổ chức trong việc thực hiện nước sạch và vệ sinh môi trường. Đồng thời người dân phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện thấy cá nhân, tổ chức nào xả thải vào nguồn nước cần báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý.

Xử lý nghiêm sau vụ xả thải trộm ở Hòa Bình

“Từ vụ việc nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm cho thấy trình độ nhận thức của các đối tượng có liên quan rất kém; việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng người dân chưa được chu đáo, điều đó cũng cho thấy luật chưa thực sự đi vào cuộc sống", ĐB Phương nói.

Sau khi vụ việc được phát hiện, cần phải xử lý các đối tượng này nghiêm khắc, đúng pháp luật. Qua vụ việc cũng cần phải xem xét, nếu luật pháp chưa nghiêm thì phải sửa đổi luật, làm sao xử lý nghiêm thì mới cảnh tỉnh, răn đe những đối tượng khác.

Đại biểu Phạm Văn Hỏa. Ảnh: VOV

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc quản lý nguồn nước vẫn còn những bất cập trong thời gian qua. Từ vụ việc ở Hòa Bình đặt ra câu hỏi đối với nguồn nước mặt trên cả nước, liệu rằng an ninh nguồn nước có được đảm bảo khi ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa sức khỏe của hàng triệu người dân.

Trong khi đó, việc xử lý vụ việc của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn chậm trễ.

Ông mong rằng sự cố vừa qua là bài học kinh nghiệm chung cho những cá nhân, tổ chức. Ông Hòa nói: “Cơ quan các cấp, chính quyền địa phương từ Trung ương đến cơ sở phải quan tâm nhiều hơn đối với sức khỏe người dân trên tất cả các lĩnh vực. Như thế thì người dân mới yên tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền”.

Cung đường lắt léo xe đổ trộm dầu thải, ai nấy hãi hùng
Bất ngờ quy trình công ty gốm sứ tuồn dầu thải gây ô nhiễm nước sông Đà
Vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà: An ninh nguồn nước chưa quản lý tốt

Ngày đăng: 08:40 | 22/10/2019

/ vietnamnet.vn