Chỉ số hạnh phúc là khái niệm được đề cập trong thế giới hội nhập, bởi hạnh phúc là đích phấn đấu trong cuộc đời của mỗi người.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện nay, các nhà nghiên cứu, các quốc gia (phát triển hoặc đang phát triển) vẫn đang miệt mài tìm công thức đo đếm mức độ hạnh phúc của người dân. Thế nhưng, thế nào là hạnh phúc, công thức chung của hạnh phúc là gì… là những câu hỏi không dễ trả lời ở cả cấp độ cá nhân và quốc gia.
PGS.TS Ngô Trí Long. |
Năm 2014, Việt Nam lần đầu tiên hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Chính phủ trước đó đã phê duyệt đề án tổ chức các hoạt động nhân ngày này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện. Tuy nhiên, sau nhiều năm, hiện người dân Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều vấn nạn về xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hóa, môi trường…
“Dù đất nước có phát triển, vị thế được nâng lên, song chúng ta sẽ khó trở thành quốc gia thành công, người dân khó có thể hạnh phúc nếu sự vô cảm, thờ ơ, giả dối vẫn lấn át sự tử tế, ngụy giá trị vẫn chiếm chỗ chân, thiện, mỹ”, ông Long nói.
Vậy, có nên đo chỉ số hạnh phúc bằng kinh tế? Theo ông Long, phát triển kinh tế luôn là một thước đo của sự thành công. Kinh tế là yếu tố hàng đầu mà mỗi cá nhân, gia đình và cả quốc gia phải xem xét tính đến.
Con người, dù ở giai đoạn lịch sử nào cũng luôn đi tìm hạnh phúc, đều ước muốn mình được hạnh phúc. Một xã hội chỉ hạnh phúc khi mỗi người dân hạnh phúc. Nhưng, để cân đong hạnh phúc đích thực vẫn còn nhiều tranh cãi.
PGS.TS Ngô Trí Long
Mỗi cá nhân luôn nỗ lực hơn trong công việc để có thêm thu nhập trang trải cho mọi nhu cầu, và kinh tế quyết định tới lối sống, chất lượng cuộc sống. Người có thu nhập thấp chỉ đi du lịch tại những địa điểm gần nơi cư trú. Người có thu nhập cao sẽ đi máy bay tới các tỉnh thành xa xôi, thậm chí du lịch nước ngoài. Người có thu nhập thấp xếp hàng khám bệnh tại các bệnh viện công, trong khi người giàu hơn sẽ chọn bệnh viện quốc tế. Người có thu nhập thấp chỉ dám dùng quần áo không nhãn mác, trong khi người thu nhập cao sẽ mua sắm hàng của những thương hiệu nổi tiếng, đắt tiền…
Còn xét ở góc độ lớn hơn là một quốc gia. Nếu một đất nước đủ tiềm lực, đất nước đó sẽ đầu tư nhiều hơn cho hệ thống giao thông, từ đó giảm thiểu cảnh tắc đường, tiết kiệm thời gian đi lại, giảm stress cho những người tham gia giao thông. Và rõ ràng, mức độ hài lòng của người dân sẽ tăng lên. Nói cách khác, người dân sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Một vài ví dụ kể trên đã cho thấy phát triển kinh tế thực sự đóng góp rất lớn vào cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhưng, có thật là càng giàu có thì con người ta càng hạnh phúc hay không? Chỉ số GDP bình quân đầu người và danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lại không cho thấy điều đó.
Báo cáo mới nhất cho thấy người dân Qatar được coi là giàu nhất thế giới, với thu nhập bình quân đầu người là 132.890 USD. GDP (tổng sản phẩm quốc nội) lên đến 191,85 tỷ USD. Không chỉ giàu nhất thế giới, Qatar còn có tốc độ phát triển kinh tế “siêu tốc”. Chỉ trong hơn 50 năm, từ làng chài nghèo khó, Qatar đã vươn mình thành đại gia dầu khí.
Thế nhưng, sự giàu có không được phân chia đồng đều. Của cải của quốc gia giàu có này tập trung vào tay hơn 300.000 công dân. Sự phân biệt, đối xử là rất lớn. Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế thậm chí từng yêu cầu FIFA tước quyền đăng cai World Cup của Qatar vì không đảm bảo điều kiện cho những người công nhân tham gia chuẩn bị cho sự kiện.
Pháp luật Qatar không cho phép thành lập các thể chế chính trị hoặc công đoàn. Những tội như tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc quan hệ tình dục bất hợp pháp bị phạt bằng cách đánh roi. Đồng tính luyến ái là một tội có thể bị tử hình,… Những luật lệ hà khắc đó khiến người dân Qatar dù giàu nhất thế giới nhưng lại không hạnh phúc như nhiều quốc gia khác.
Liên Hợp Quốc đã tiến hành khảo sát và đưa ra Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2019. Trong danh sách này không có tên Qatar. Đất nước đứng đầu danh sách Hạnh phúc là Phần Lan. Đáng nói, Phần Lan lại không được “điểm danh” trong Top 10 nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. GDP bình quân đầu người của Phần Lan năm 2019 đạt khoảng 53.620 USD/người, thấp hơn nhiều so với 132.890 USD của Qatar.
VisitFinland - Uỷ ban Du lịch Phần Lan đã có lý giải: Sống hoà mình với thiên nhiên là bí quyết hạnh phúc của người dân đất nước Bắc Âu này, vì đó là cách giúp con người ta sống chậm, đầu óc thư giãn.
Đan Mạch là đất nước hạnh phúc thứ hai trên thế giới, chỉ sau Phần Lan. Cũng như Phần Lan, Đan Mạch không nằm trong Top 10 đất nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Chỉ số này tại Đan Mạch năm 2019 khoảng 64.370 USD/người, cao hơn Phần Lan và thấp hơn nhiều so với Qatar. Mô hình thị trường lao động "linh hoạt và an toàn" của Đan Mạch là một trong những nguyên nhân chính giúp người dân Đan Mạch hạnh phúc. Người lao động không phải làm thêm giờ, có thể nghỉ liền 5 tuần để đi du lịch, được trợ cấp tới 2 năm nếu thất nghiệp…
Ngoài Na Uy và Thụy Sĩ, 6 nước còn lại trong danh sách Top 10 quốc gia hạnh phúc nhất đều không là các nước có GDP bình quân đầu người cao nhất. Đó là Iceland, Hà Lan, Thụy Điển, New Zealand, Canada, Australia. Bhutan không còn trong Top 10.
Tại Việt Nam, ngày nay, nhiều người trong lúc trà dư tửu hậu thường thở dài than vãn, “mong kinh tế như hôm nay, còn đạo đức trở lại như ngày xưa”. Một câu nói nghe có vẻ nghịch lý song lại phản ánh đúng thực tế. Khi xưa còn nghèo, thiếu thốn trăm bề thì con người sống ấm áp, chân tình với nhau. Nay giàu có hơn, không lo miếng cơm manh áo thì nhiều người lại nảy sinh tị hiềm, cố chấp, thậm chí tìm mọi cách “dìm” nhau. Có thể thấy, sự xuống cấp về đạo đức thể hiện rất rõ trong các hành vi bạo lực từ gia đình đến học đường; có những người sẵn sàng dùng vũ khí “nóng”, vũ khí “lạnh” để giải quyết các mâu thuẫn trong mọi quan hệ giữa cha mẹ và con, anh chị em, vợ chồng, hàng xóm láng giềng, bạn bè…; hay những đại án hình sự và nhiều vụ án kinh tế mà nhiều người chịu sự trừng phạt của pháp luật đều là người có chức vụ, thậm chí từng “vào sinh ra tử”.
Điều đó cho thấy, muốn hạnh phúc, con người ta phải phát triển kinh tế, nhưng giàu có vật chất chỉ là một trong số các tiêu chí để đạt được hạnh phúc. “Nhiều người có xu hướng đặt nặng vấn đề giá trị tài sản cá nhân. Nhưng thực tế thì tiền bạc chỉ thể hiện một phần rất nhỏ hạnh phúc. Trên phương diện quốc gia, nhà nước ngoài tạo ra sự ổn định về kinh tế còn cần chăm lo đến điều kiện sống, sức khỏe thể chất, giá trị văn hóa đạo đức, xây dựng nền tảng xã hội để người dân cảm thấy vui vẻ, hài lòng với cuộc sống hiện tại”, ông Long nhấn mạnh.
Trên thế giới, hiện Bhutan là quốc gia đầu tiên đề ra chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH). Quốc gia này coi trọng chỉ số GNH hơn là GDP (Tổng sản phẩm nội địa). Cụ thể, người Bhutan không phát triển kinh tế bằng mọi giá, họ coi trọng phát triển kinh tế bền vững, quan tâm đến môi trường, phát triển văn hóa và chính phủ tốt.
Tại Việt Nam, năm 2012, tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội New Economics Foundation (Anh) công bố Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI). Đáng chú ý, Việt Nam đạt vị trí rất cao, xếp thứ 2 trong số những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chỉ số HPI chưa phản ánh chính xác thực tế tại Việt Nam.
HÒA BÌNH
Ngày đăng: 08:42 | 10/02/2021
/ vtc.vn