Dù Đồng Tháp triển khai can thiệp giảm tác hại nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone muộn hơn so với một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chương trình này đang giúp nhiều người nghiện ma túy ở Đồng Tháp từ bỏ “cái chết trắng”, ổn định cuộc sống, hướng thiện, giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, giảm tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, còn tình trạng một số người vừa sử dụng heroin vừa sử dụng ma túy tổng hợp, gây khó khăn cho điều trị.

Giảm nguy cơ lây truyền HIV, giảm tệ nạn xã hội

Đến uống thuốc Methadone tại Phòng Tư vấn và điều trị nghiện chất - Trung tâm Y tế TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, anh Nguyễn Thuận Tuấn (41 tuổi, trú tại phường 2, TP Sa Đéc) cho biết, anh bắt đầu điều trị Methadone từ năm 2015. Anh Tuấn nghiện ma tuý từ năm 2001, ban đầu anh chích từ 1-2 liều/ngày, sau cơn nghiện ngày một nặng hơn, mỗi ngày phải chích từ 3-4 liều, buộc phải có từ 500.000 đến 1.000.000 đồng mới đủ.

Tiền trong nhà đội nón ra đi, không việc làm, cả ngày vật vờ với cơn nghiện, để có tiền mua ma tuý, anh đi trộm cắp vặt. Từng có 1 tiền án về tội sử dụng trái phép chất ma tuý, từng cai nghiện không thành công, lao vào ma tuý “đốt” số tiền quá lớn mỗi ngày, anh Tuấn muốn làm lại cuộc đời. Anh tìm hiểu và biết đến chương trình điều trị Methadone đang triển khai ở một số TP lớn, khi Đồng Tháp triển khai, anh Tuấn đến xin đăng ký tham gia.

Điều trị Methadone giúp nhiều người từ bỏ “cái chết trắng” -0
Dược sĩ làm việc cấp phát thuốc Methadone không có ngày nghỉ.

“Uống thuốc vào thấy hiệu quả, đỡ thèm ma túy hơn, uống thời gian dài hết cơn thèm và không sử dụng ma tuý nữa”, anh Tuấn cho biết. Từ một người trượt dốc vì ma tuý, cả ngày dật dờ với thân hình ốm nhếch, anh Tuấn đã tăng gần 10kg, sức khoẻ cải thiện rõ rệt, anh xin được việc làm lái xe chở hàng thuê. Đôi lúc bạn nghiện rủ rê chơi lại ma tuý, nhưng chứng kiến họ lần lượt ra đi, anh Tuấn càng quyết tâm điều trị. “Cuộc sống của tôi đã thay đổi tốt hơn. Thu nhập từ 5-7 triệu/tháng cũng đủ trang trải vì có một mình”, anh Tuấn cho biết và thông tin thêm, anh có hiểu biết về đường lây nhiễm của HIV, nên anh đều sử dụng bơm kim tiêm riêng để không lây nhiễm căn bệnh này.

Đến đăng ký uống thuốc Methadone sau một thời gian dài bỏ điều trị, anh Trần Minh Hiền (SN 1994, trú tại xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) cho biết, anh nghiện ma tuý từ năm 2012, năm 2015 uống Methadone. Nhưng 2 năm sau, bạn bè rủ rê, anh lại tái nghiện. Mỗi ngày sử dụng ma túy với số tiền lớn, lên tới 700.000-800.000 đồng, tối ngày quay cuồng với cơn nghiện, anh đã nhanh chóng trượt dốc. Bị bắt vì vận chuyển ma tuý, ra trại, để làm lại cuộc đời, anh xin điều trị lại bằng Methadone. Nhưng biến cố gia đình ập đến, anh phải tạm thời chuyển đi nơi khác, bỏ điều trị. “Lần này quay về tôi quyết tâm điều trị. Giờ chỉ còn hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, tôi phải làm lại cuộc đời, nhà có vườn đất rộng, trồng cây gì mà không đủ sống”, anh Hiền quyết tâm cho biết.

Theo BS Nguyễn Tấn Minh, Trưởng khoa Tư vấn và điều trị nghiện chất, Trung tâm Y tế TP Sa Đéc, chương trình điều trị Methadone thay thế các dạng thuốc phiện của TP Sa Đéc triển khai từ năm 2015. Tại đây đang điều trị cho 84 bệnh nhân, trong đó, một số bệnh nhân ở huyện, thị khác như Lai Vung, Lắp Vò, Châu Thành, Cao Lãnh. Hiện đa số bệnh nhân điều trị duy trì, có 1-2 bệnh nhân uống liều thấp nhất, trung tâm đang tư vấn cho 2 người nhưng tư tưởng chưa vững, sợ tái nghiện lại.

“Nhiều bệnh nhân có nhu cầu muốn ra khỏi chương trình để đi làm, vì vậy chúng tôi phải chuyển gửi bệnh nhân nếu nơi họ đến có chương trình điều trị Methadone. Tuy nhiên, tỉnh phải có phần mềm mới làm được, đây là khó khăn cho công tác điều trị bệnh nhân”, BS Minh cho hay.

Cần có chính sách gỡ khó

BS Nguyễn Ngọc Quý, Phó trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo số liệu tính đến cuối năm 2023 của Công an tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có trên 2.500 người nghiện các chất gây nghiện quản lý được (chủ yếu là ma tuý tổng hợp, số sử dụng heroin rất thấp). Đồng Tháp có 3 cơ sở điều trị Methadone gồm: TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh và huyện Thanh Bình, hiện có 149 người điều trị, vượt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Đồng Tháp (vượt 49 người); tỷ lệ đáp ứng điều trị là 100% trên tổng số bệnh nhân tham gia điều trị.

Triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone từ năm 2015, đến nay, tại Đồng Tháp có nhiều người ra khỏi chương trình do đi làm ăn xa, bị bắt, tái nghiện. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng sợ bị lộ diện nên không dám đến; đa số chưa có công việc, họ phải làm kinh tế nên không có thời gian hàng ngày đến uống thuốc; nhiều người ở xa, đi lại khó khăn, tốn kém nên ngại đến… Bên cạnh đó, một số ít bệnh nhân không thực sự mong muốn từ bỏ con đường ma túy, thậm chí chuyển sang sử dụng loại ma túy khác, họ tham gia vào chương trình điều trị Methadone nhằm né tránh lực lượng chức năng…

Chính vì vậy, CDC tỉnh Đồng Tháp đang kiến nghị mở rộng và phát triển thêm các cơ sở điều trị Methadone rộng khắp trong tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng được uống thuốc điều trị hàng ngày; đồng thời hỗ trợ kinh phí sửa chữa, mua sắm trang thiết bị tại các cơ sở điều trị Methadone đang xuống cấp; bổ sung thêm nhân lực vừa điều trị Methadone, các cơ sở này còn điều trị thuốc Prep (thuốc chống phơi nhiễm HIV) cho đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trong khi bác sĩ, nhân viên y tế thiếu. Để người uống Methadone không tái nghiện, CDC Đồng Tháp cũng kiến nghị, khi khách hàng hết thời gian nghiện, thích nghi được thuốc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần có chính sách tạo điều kiện cho họ có công việc phù hợp với sức khoẻ và nghề nghiệp, để họ ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, một trong những chính sách quan trọng mà CDC tỉnh Đồng Tháp kiến nghị là Bộ Y tế có công văn chỉ đạo hướng dẫn địa phương xem xét về chế độ phụ cấp ưu đãi riêng cho cán bộ y tế làm việc tại các cơ sở điều trị Methadone. Bởi đây là cơ sở đặc thù, môi trường độc hại, một năm 365 ngày làm việc không có ngày nghỉ, kể cả ngày lễ, Tết khách hàng cũng không được ngừng uống thuốc.

Dược sĩ Hồ Vũ Linh, Phòng Tư vấn và điều trị nghiện chất, Trung tâm Y tế TP Sa Đéc cho biết: “Theo Nghị định 90/2016/NĐ-CP, bác sĩ điều trị tư vấn, xét nghiệm, được hưởng 70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, nhưng nhân viên dược chỉ được hưởng 30%. Chúng tôi đều làm công tác chuyên môn trong môi trường độc hại như nhau, vì vậy rất thiệt thòi. Chúng tôi mong Bộ Y tế có đề xuất, điều chỉnh cho chúng tôi được hưởng chế độ xứng đáng với vị trí việc làm, để chúng tôi yên tâm làm việc”.

https://cand.com.vn/doi-song/dieu-tri-methadone-giup-nhieu-nguoi-tu-bo-cai-chet-trang-i733105/

Ngày đăng: 08:10 | 03/06/2024

Trần Hằng / cand.com.vn