Một ủy ban độc lập kết luận WHO và Trung Quốc lẽ ra có thể hành động nhanh hơn để ngăn thảm họa Covid-19 trong giai đoạn đầu bùng phát.

Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch do cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu, hôm 18/1 công bố đánh giá về sự khởi đầu khủng hoảng ở Trung Quốc, cho thấy lẽ ra có thể hành động nhanh chóng hơn để ngăn chặn đại dịch ngay từ đầu.

"Điều rõ ràng với ủy ban là các biện pháp y tế công cộng lẽ ra có thể được cơ quan y tế địa phương và quốc gia ở Trung Quốc áp dụng mạnh mẽ hơn vào tháng 1/2020", báo cáo cho biết, đề cập đợt bùng phát ban đầu ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

2857 vu han 4076 1611015639
Lối vào chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán bị chặn hôm 30/3/2020 sau khi nơi này ghi nhận đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Reuters.

Khi có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người, "tín hiệu này đã bị bỏ qua ở quá nhiều quốc gia", báo cáo nêu thêm.

Cụ thể, hội đồng đặt câu hỏi tại sao Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không họp trước tuần thứ ba của tháng 1 và không ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu trước ngày 30/1.

"Dù thuật ngữ đại dịch không được sử dụng cũng như không được định nghĩa trong Quy định Y tế Quốc tế (2005), việc sử dụng nó sẽ thu hút sự chú ý vào mức độ nghiêm trọng của một sự kiện y tế", báo cáo nêu, nhấn mạnh rằng phải đến ngày 11/3, WHO mới sử dụng thuật ngữ này. "Hệ thống cảnh báo đại dịch toàn cầu không phù hợp với mục đích. WHO không đủ năng lực để thực hiện công việc này".

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cáo buộc WHO "là con rối của Trung Quốc", dù cơ quan này bác bỏ. Các nước châu Âu do Pháp và Đức dẫn đầu đã thúc đẩy giải quyết những thiếu sót của WHO về tài trợ, điều hành và quyền hạn pháp lý.

Chỉ hơn một năm sau khi những ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc, các chuyên gia thống nhất rằng con số chính thức gần 100 triệu ca nhiễm và hơn hai triệu ca tử vong là đánh giá chưa đầy đủ. Theo báo cáo của ủy ban, việc thống kê đã thiếu hụt ngay từ đầu.

"Nhìn lại, rõ ràng ca nhiễm trong thời kỳ đầu đại dịch ở tất cả quốc gia đều cao hơn báo cáo. Một đại dịch ẩn ở quy mô lớn đã góp phần vào sự lây lan toàn cầu", ủy ban cho hay.

Ủy ban độc lập bắt đầu công việc vào tháng 7/2020 sau khi các quốc gia thành viên WHO kêu gọi "đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện" phản ứng của WHO với đại dịch. Ủy ban kêu gọi "thiết lập lại toàn cầu" và nói sẽ đưa ra các khuyến nghị trong báo cáo cuối cùng cho các bộ trưởng y tế 194 quốc gia thành viên WHO vào tháng 5.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Gần 96 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO cảnh báo người chết mỗi tuần vượt 100.000 Gần 96 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO cảnh báo người chết mỗi tuần vượt 100.000

Thế giới xuất hiện gần 96 triệu người nhiễm và WHO nói xu hướng tăng ca tử vong cho thấy thế giới sớm ghi nhận ...

Đội điều tra COVID-19 WHO phải đối mặt với những thách thức nào ở Trung Quốc? Đội điều tra COVID-19 WHO phải đối mặt với những thách thức nào ở Trung Quốc?

Hôm 14/1, nhóm chuyên gia của tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới Trung Quốc để truy tìm nguồn gốc đại dịch COVID-19, nhưng ...

Ngày đăng: 07:35 | 19/01/2021

/ vnexpress.net