Những tiêu cực trong phòng thi Chứng chỉ Tin học tại Học viện Quản lý Giáo dục diễn ra đúng như những gì các "cò" chứng chỉ cam kết với thí sinh đã đóng tiền để được "bao đậu".
Trong những bài viết trước, chúng tôi đã phản ánh về một đường dây gian lận thi chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học đang vươn vòi đến nhiều tỉnh thành từ Hà Nội, Bắc Ninh cho đến Hải Phòng, Thái Nguyên.
Những hình ảnh cận cảnh trong phòng thi được chúng tôi ghi nhận lại đã chứng tỏ sự móc nối giữa các cty đào tạo với các trường thi tại Đại học quốc tế Bắc Hà, Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Cao đẳng Thương mại Du lịch Thái Nguyên để tạo ra những kỳ thi cấp chứng chỉ dối trá.
Thí sinh di chuyển từ Bắc Ninh về Hà Nội để thi Chứng chỉ Tin học trưa 28.7. |
Lần theo đường dây này, chúng tôi tiếp tục phát hiện Học viện Quản lý Giáo dục (số 31 Phan Đình Giót, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tổ chức những kỳ thi cấp chứng chỉ dối trá như vậy. Thông qua "cò" Sĩ (trung tâm đào tạo số 3 chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội), chúng tôi được cam kết "bao đậu" khi thi chứng chỉ Tin học tại trường này với số tiền 800 nghìn đồng.
Ngày 28.7, sau khi kết thúc phần thi chứng chỉ Ngoại ngữ ở Đại học Quốc tế Bắc Hà (Bắc Ninh), chúng tôi được đưa lên xe cùng đoàn về Hà Nội để thi chứng chỉ Tin học tại Học viện Quản lý Giáo dục (31 Phan Đình Giót, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội).
Thí sinh đợi vào phòng thi chứng chỉ Tin học của Học viện Quản lý Giáo dục trưa 28.7. |
Về đến Học viện Quản lý Giáo dục thì đã quá trưa, lúc này trong phòng chờ vào thi Tin học cũng có hàng chục thí sinh khác đã chờ từ trước đó. Nhiều thí sinh tỏ ra mệt mỏi do phải di chuyển liên tục giữa trời nắng nóng, chưa được ăn uống gì.
Bất ngờ giáp mặt "cò" quen
Trong phòng chờ vào thi, chúng tôi bất ngờ chạm mặt "cò" Nam và một số nhân viên của Cty Cổ phần tư vấn và đào tạo giáo dục (91 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân) (đơn vị, cá nhân liên quan đến kỳ thi gian lận ở Thái Nguyên phản ánh ở bài trước - PV) đang hướng dẫn thí sinh làm thủ tục dự thi.
Thấy tôi, "cò" Nam tỏ ra hốt hoảng, sau đó nam thanh niên ghé tai nữ cán bộ đang làm thủ tục dự thi cho thí sinh nói điều gì không rõ. Vị này sau đó tiến lại chỗ tôi hỏi lý do tại sao lại thi chứng chỉ đến 2 lần cùng một loạt câu hỏi để kiểm tra thông tin cá nhân. Chỉ đến khi chắc chắn tôi không phải công an hay nhà báo, vị nữ cán bộ mới tỏ ra yên tâm và trở về chỗ ngồi của mình tiếp tục công việc.
Giám thị phát tờ đáp án cho thí sinh rất nhanh nhưng camera của chúng tôi đã ghi lại được. |
Thí sinh được chia thành nhiều lượt thi khác nhau, mỗi lượt khoảng 10 người. Một số thí sinh vừa bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng vui vẻ nói với tôi: "Giám thị sẽ hỗ trợ cho đỗ thì thôi. Yên tâm vào thi".
16h, tôi bước vào phòng thi trên tầng 3 cùng khoảng 10 thí sinh khác. Trong phòng thi có 2 giám thị nam.
Sau khi kết thúc phần thi thực hành, chúng tôi bước vào phần thi trắc nghiệm với thời gian 30 phút với 30 câu hỏi. Một lúc sau, bất ngờ một nam giám thị nói: "Chúng tôi hỗ trợ đáp án cho các bạn. Nhưng phải điền nhanh trong 3 phút, sau 3 phút tôi sẽ thu lại", rồi đến từng bàn phát phần đáp án cho mỗi thí sinh. Thao tác diễn ra vô cùng nhanh gọn.
Các phần đáp án đã được ghi rõ theo các mã đề. |
Với phần hỗ trợ này hầu hết thí sinh trong phòng đều được 8 điểm phần thi trắc nghiệm và coi như cầm chắc chứng chỉ Tin học trong tay.
Thi ở Hà Nội cấp bằng ở... Đà Nẵng?
Cũng từ đầu mối của "cò" Sĩ chúng tôi nắm được thông tin cùng ngày 28.7, tại trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội (số 73 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) cũng diễn ra một kỳ thi cấp chứng chỉ Ngoại ngữ được cam kết "bao đậu". Tuy vậy, đơn vị tổ chức thi lại là trường Trung cấp nghề Đông Nam Á, có trụ sở ở Đà Nẵng.
Để xác thực thông tin, PV Lao Động đã có mặt tại điểm thi này. 8h sáng 28.7, tại tầng 6 của trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội có một phòng thi chứng chỉ ngoại ngữ với khoảng 50 người thi. Tất cả các thí sinh được ngồi ở vị trí tùy thích không có sự sắp xếp hay số báo danh nào.
Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội - nơi diễn ra kỳ thi chứng chỉ vô cùng bất thường. |
PV Lao Động hỏi ngẫu nhiên 6 thí sinh, tất cả đều cho biết đăng ký qua một trung tâm đào tạo ở Hà Nội và đã được khẳng định "bao đậu" với số tiền từ 900 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng.
Chị P. (Hà Nội), một thí sinh dự thi cho biết, bên trung tâm đào tạo nhắn chị cứ đến địa điểm thi trên và có mặt thi là được. Đáp án chị làm sai đúng không quan trọng, bên trung tâm sẽ tự xử lí bài thi của chị để đậu chứng chỉ.
Mẫu chứng chỉ Ngoại ngữ "cò" Sĩ gửi cho tôi xem để mời chào thi. |
Một thí sinh khác thi chứng chỉ tiếng Pháp cho biết, chị phải nộp 2 triệu cho chứng chỉ này. Trung tâm cam kết bao đậu bằng cách trước ngày thi họ gửi đề thi và đáp án cho chị xem và học thuộc trước. Vừa nói chị vừa đem tờ đề thi và đáp án được gửi trước và in ra để cho mọi người xem.
Điều lạ là tất cả các thí sinh cũng đều không biết kỳ thi mà mình sắp tham dự do trường nào tổ chức...
Cựu giảng viên lừa gần 150 người làm chứng chỉ tiếng Anh giả |
Những sai phạm của Đại học Đông Đô trước khi hiệu trưởng bị khởi tố |
Chứng chỉ an toàn xe hơi NCAP có ý nghĩa gì tại Việt Nam? |
Ngày đăng: 15:51 | 15/08/2019
/ laodong.vn