Anh, Pháp và Đức đều có kế hoạch điều tàu chiến tới Biển Đông và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, động thái này mở ra phương thức mới trong việc đối phó Trung Quốc.

Khi một quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế, các cường quốc trên thế giới sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương đương.

Trước hết, hành động vi phạm sẽ bị lên án trong các cuộc họp báo và tuyên bố chung. Nếu chỉ trích không có tác dụng, nước vi phạm sẽ phải nhận các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tiếp đến là áp lực quân sự, trong trường hợp cần thiết, bao gồm việc sử dụng tàu chiến.

Đối với Trung Quốc, đa phần các nước lớn ở châu Âu đều áp dụng phương án thứ ba. Hôm 19/2, Pháp điều một tàu khu trục đến vùng biển gần Nhật Bản để tiến hành tập trận quân sự chung với các lực lượng Nhật Bản và Mỹ.

Những động thái tương tự diễn ra trong bối cảnh việc Bắc Kinh mạnh tay ở Hong Kong và Tân Cương, cũng như các động thái bành trướng ở Biển Đông, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ ở châu Âu.

Điều tàu chiến tới Biển Đông: Cách châu Âu đối phó Trung Quốc? - 1
Khi một quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế, các cường quốc trên thế giới sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương đương. (Ảnh: Kyodo)

Tàu chiến châu Âu ở Thái Bình Dương

Theo kết quả khảo sát công bố hồi tháng 10/2020 của trung tâm nghiên cứu Pew, hơn 70% số người được hỏi ở Anh, Pháp và Đức có ấn tượng xấu về Trung Quốc. Ác cảm của công chúng ở ba quốc gia hàng đầu châu Âu với Trung Quốc được thể hiện qua hình thức ngoại giao pháo hạm đối với nước này.

Đây có thể nói là một thay đổi lớn trong vấn đề địa chính trị ở châu Âu. Trước đây, đa phần sự chú ý ở khu vực này đều tập trung vào Nga.

Trong đó, đáng chú ý nhất là động thái của Pháp, do nước này có Nouvelle - Calédonie và các vùng lãnh thổ khác ở Nam Thái Bình Dương. Pháp cũng bố trí hàng nghìn binh sĩ, tàu chiến và máy bay tại khu vực này.

Hôm 8/2, Pháp tiết lộ về việc gửi một tàu ngầm hạt nhân đến Biển Đông. Nhận xét về tuyên bố này, một quan chức an ninh châu Á cho biết: "Việc công khai các hoạt động bí mật của tàu ngầm hạt nhân là rất bất thường”.

Nhiệm vụ chính của tàu ngầm Pháp là tìm và đánh chìm tàu ngầm của nước đối địch. Động thái điều tàu đến Biển Đông của Pháp là lời cảnh báo rõ ràng dành cho Trung Quốc - đất nước bị nghi ngờ triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân khu vực này.

Pháp dự kiến sẽ điều thêm tàu đổ bộ ra Biển Đông vào mùa hè và tổ chức cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên với Nhật Bản và Mỹ.

Trong khi đó, kế hoạch của Anh là đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào cuối năm nay. Tuy HMS Queen Elizabeth sẽ chỉ ở lại khu vực này trong vài tháng, nhưng Anh có dự định triển khai một tàu sân bay đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gần một năm trong tương lai.

Phía Đức cũng dự kiến sẽ gửi một tàu khu trục đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay.

Theo nguồn tin của tờ Nikkei Asia, những động thái này phản ánh thái độ cảnh giác ngày càng cao của các nước châu Âu đối với Trung Quốc. Ấn tượng của các thủ đô châu Âu về chính quyền Bắc Kinh trở nên xấu hơn vì đại dịch COVID-19 cũng như các cuộc đàn áp ở Hong Kong và Tân Cương.

Điều tàu chiến tới Biển Đông: Cách châu Âu đối phó Trung Quốc? - 2
Anh sẽ đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào cuối năm nay. (Ảnh: Reuters)

Cách mới chống lại Trung Quốc

Việc Trung Quốc đầu tư phát triển quân sự là một nguy cơ đối với lợi ích kinh tế của châu Âu, đặc biệt là ở Biển Đông. Đây là tuyến hàng hải quan trọng mang lại khoảng 10% giá trị thương mại cho Anh, Pháp và Đức.

Hiện hải quân Trung Quốc sở hữu khoảng 350 tàu chiến, nhiều hơn Mỹ. Việc bổ sung một số tàu châu Âu chưa thể thay đổi lợi thế về mặt cơ sở vật chất của Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức Á - Âu nói rằng hành động của Anh, Pháp và Đức có khả năng mở ra ít nhất hai cách chống lại quân đội Trung Quốc.

Theo cách thứ nhất, nếu châu Âu thể hiện sức mạnh và sự sẵn sàng đầu tư vào hải quân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ buộc phải thay đổi những dự định liên quan đến Đài Loan và Biển Đông. Quân đội Trung Quốc sẽ phải giả định rằng Anh, Pháp và Đức, cũng như Nhật Bản và Úc, sẽ hỗ trợ cho các lực lượng Mỹ trong trường hợp xung đột Mỹ - Trung nổ ra. Giả định này sẽ khiến Trung Quốc thận trọng hơn trước khi quyết định hành động quân sự.

Nicolas Regaud, chuyên gia từng tham gia chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Bộ Quốc phòng Pháp, cho biết dù Anh, Pháp và Đức không trực tiếp tham gia cuộc chiến, họ có thể gián tiếp hỗ trợ cho các lực lượng Mỹ.

"Về mặt chính trị, người châu Âu sẽ có nghĩa vụ đứng về phía nhau để duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Làm vậy, họ sẽ chấp nhận trả giá, bởi Trung Quốc sẽ trả đũa trong việc vũ khí hóa thương mại, tài chính, không gian mạng,... Về mặt quân sự, Pháp, Anh và Đức có thể lấp đầy khoảng trống của hải quân Mỹ ở Đại Tây Dương, Địa Trung Hải hoặc Vùng Vịnh", ông Regaud nói.

Ông Regaud cho biết thêm, châu Âu cũng có thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ bằng cách cung cấp thông tin tình báo và giúp sơ tán người dân.

Điều tàu chiến tới Biển Đông: Cách châu Âu đối phó Trung Quốc? - 3
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Reuters)

Theo cách thứ hai, việc Anh và Pháp tiếp tục gửi tàu đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể tạo ra một khối hợp tác hải quân mới do Mỹ lãnh đạo trong khu vực. Vương quốc Anh và Pháp có thể thắt chặt quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Úc và những nước khác bằng cách liên tục tổ chức các cuộc tập trận hàng hải chung trong khu vực.

Tàu HMS Queen Elizabeth là một ví dụ về hoạt động chung của quân đội Anh và Mỹ. Con tàu này chở cả máy bay của Thủy quân lục chiến Mỹ và máy bay Anh. Các tàu khu trục Mỹ cũng tham gia cùng tàu chiến Anh trong đoàn hộ tống HMS Queen Elizabeth.

Việc Anh, Pháp và Đức gửi tàu chiến đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội. Nhưng lợi ích hành động này đem lại cho việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông được cho là vượt xa các tác động tiêu cực.

Hiện các nước châu Âu vẫn chưa xây dựng được mặt trận thống nhất chống Trung Quốc. Hungary và Ba Lan giữ mối quan hệ xa cách với Pháp và Đức. Cuối năm ngoái, Liên minh châu Âu đã đạt được một thỏa thuận kinh tế với Trung và không có ý định từ bỏ việc kinh doanh tại nước này.

Nhưng trong dài hạn, châu Âu có thể sẽ xây dựng lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Một báo cáo của NATO được công bố vào ngày 1/12/2020 đã xác định Trung Quốc và Nga là mối đe dọa với các nước châu Âu.

Pháp tiếp tục điều chiến hạm tới Biển Đông Pháp tiếp tục điều chiến hạm tới Biển Đông

Tàu sân bay trực thăng cùng hộ vệ hạm của hải quân Pháp sẽ tới Biển Đông vào tháng 5 và tham gia diễn tập ...

Trung Quốc tố Mỹ đang phá vỡ an ninh ở Biển Đông Trung Quốc tố Mỹ đang phá vỡ an ninh ở Biển Đông

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đang phá vỡ sự ổn định khu vực ở ...

Ngày đăng: 08:20 | 10/03/2021

/ vtc.vn