Thương vụ Uber sáp nhập vào Grab bị cảnh báo nguy cơ độc quyền và khiến giá cước tăng, tài xế cùng người tiêu dùng cũng có ít sự lựa chọn

Ngày 27-3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương có văn bản gửi Công ty TNHH Grab Taxi về việc yêu cầu cung cấp trước ngày 3-4 các thông tin, tài liệu liên quan đến việc công ty này mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Lo độc quyền

Grab đã khẳng định việc sáp nhập Uber sẽ tạo nhiều thuận lợi cho tài xế và khách hàng, mở ra một giai đoạn phát triển tiếp theo với dịch vụ GrabFood (giao nhận thức ăn) số 1 trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều người lo khi hết song song tồn tại với Uber, Grab sẽ tạo độc quyền bởi sự lựa chọn của cả lái xe và khách hàng sẽ bị hạn chế, các khuyến mãi "khủng" không còn, trong khi giá cước sẽ tăng.

Theo Hiệp hội Taxi TP HCM, sau 2 năm thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử như của Grab, Uber đã bộc lộ nhiều bất cập bởi bản chất hoạt động như taxi nhưng lại có sân chơi riêng và như "một cơ chế thương mại độc quyền". Vì vậy, khi Uber sáp nhập Grab thì nguy cơ độc quyền càng tăng bởi sự lựa chọn bị hạn chế.

Trong khi đó, đại diện taxi Mai Linh nhìn nhận đây là một thuận lợi trước mắt cho hãng. Thời gian qua, rất nhiều tài xế trước đây thuộc Mai Linh sau khi chuyển qua Uber, Grab hoạt động thì hiện đang quay về đăng ký lại, đặc biệt là sau thông tin Uber sáp nhập vào Grab. Đại diện Tập đoàn Mai Linh cũng nói để cạnh tranh với Grab, đơn vị này áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho tài xế cũng như khách hàng. Trong đó, với taxi, áp dụng chi phí quản lý là 12% doanh thu kinh doanh với 1 năm đầu của những hợp đồng hợp tác 3 năm, 2 năm đầu cho hợp đồng hợp tác 5 năm và 14,9% doanh thu kinh doanh với thời gian xe còn lại của hợp đồng. Còn với dịch vụ Mai Linh Bike, đơn vị này khẳng định sẽ không tăng mức chiết khấu vốn đang áp dụng là 15% của tài xế; mua bảo hiểm nhân thọ cho tài xế hoạt động từ 6 tháng trở lên, giảm 50% tiền đồng phục khi đăng ký hoặc 100% nếu tài xế Mai Linh Bike có thu nhập từ 3 triệu đồng trong tháng đầu tiên...

dieu gi xay ra sau khi uber ve tay grab
Ô tô loại hình xe hợp đồng điện tử đang đón khách. Ảnh: Gia Minh

Băn khoăn về pháp lý

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico, lúc này chưa thể khẳng định gì vì việc sáp nhập nói trên là giữa 2 doanh nghiệp ở nước ngoài, còn Grab Việt Nam là pháp nhân Việt Nam độc lập, chỉ có 49% vốn của Grab nước ngoài. Do đó, việc xem xét xác định thị phần thế nào là chưa rõ. Hơn nữa, cơ quan chức năng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay công nghệ nên chưa đủ cơ sở khẳng định thị phần thế nào. Ít nhất cũng phải tách bạch được phần liên kết với các hãng taxi và phần còn lại. Ngoài ra, kể cả trường hợp đã xác định rõ 2 hãng này là kinh doanh taxi và chiếm thị phần nào đó thì cũng còn phải xác định tiếp là tính trên toàn bộ 100% doanh thu hay chỉ 20% là phần mà họ được hưởng (tài xế hưởng 80% còn lại).

Còn ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết trước khi thương vụ Grab thâu tóm Uber ở Đông Nam Á hoàn tất, cục này không nhận được hồ sơ thông báo về tập trung kinh tế. "Cục vừa yêu cầu Grab cung cấp hồ sơ liên quan để xem xét về tính pháp lý. Trong trường hợp có vi phạm về Luật Cạnh tranh thì sẽ buộc Grab không được hoạt động tại Việt Nam" - ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng thương vụ này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á thì theo quy định Grab và Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán để xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.

"Nếu thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ thì thương vụ mới được phép tiến hành. Để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép tất cả các cơ quan cạnh tranh của tất cả các nước Đông Nam Á có quy định này" - ông Đức nêu quan điểm.

Quan trọng là cách quản lý

Theo ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, vấn đề cần đặt ra lúc này chưa phải là loại hình vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử thông qua các phần mềm thông minh này có trở nên độc quyền, cạnh tranh với taxi truyền thống hay vi phạm Luật Cạnh tranh hay không mà là sau 2 năm thí điểm, Chính phủ có cho phép Grab chính thức hoạt động tại Việt Nam hay không, nếu cho thì kiểm soát thế nào.

Loại hình này phát triển nhanh nghĩa là được người tiêu dùng hưởng ứng nên nhà nước cần xem xét để có quyết định phù hợp. Quan trọng bây giờ là Bộ Giao thông Vận tải tính toán cơ chế nào để quản lý nhằm không bị mang tiếng là quản không được thì cấm. Tuy nhiên, cũng cần cảnh báo tình trạng biến tướng của Uber, Grab khi vào Việt Nam. Nhiều người đổ xô mua hoặc thuê xe để chạy Uber, Grab theo hội chứng đám đông làm tăng lượng xe tham gia lưu thông và nhiều người đã ôm nợ vì đầu tư xe chạy Uber, Grab.

dieu gi xay ra sau khi uber ve tay grab

Lo chuyện Uber sáp nhập Grab, tài xế tìm đến văn phòng

Nhiều tài xế Uber tìm đến trụ sở Uber tại Hà Nội để hỏi về cách thức chuyển đổi sang Grab, cũng như các điều ...

dieu gi xay ra sau khi uber ve tay grab

Bài học từ sự thất bại của Uber ở Đông Nam Á

Sự thất thế của Uber trong khu vực để lại bài học đắt giá về thấu hiểu bản địa trong môi trường toàn cầu hóa ...

Gia Minh - Thành Đồng - Văn Duẩn

Ngày đăng: 07:04 | 28/03/2018

/ nld.com.vn