Vào những năm 70 của thế kỷ trước, các cú sốc năng lượng bắt nguồn từ lạm phát đã dẫn đến tình trạng lãi suất tăng, suy thoái và vỡ nợ ở một số nước đang phát triển. Bối cảnh hiện nay của kinh tế thế giới cũng tương tự như vậy.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine và những hậu quả đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và giá lương thực tăng cao đang làm thui chột những hy vọng phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tâm lý bi quan ngày càng phổ biến và trở nên nặng nề hơn do áp lực lạm phát được dự báo là sẽ kéo dài và cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu, kéo theo nhiều hệ lụy...

12-1.jpg -0
Bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới nói rằng: “rất có thể chúng ta sẽ thấy, tất cả chỉ số đều hướng tới con số giảm”.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/dieu-gi-dang-de-doa-kinh-te-the-gioi--i672406/Tại cuộc họp thường niên năm 2022 của Diễn đàn kinh tế thế giới vừa được tổ chức tại Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh, thời gian gần đây, tương lai kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm, có thể phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ sau Thế Chiến 2.

6 rủi ro

Theo IMF, có 6 rủi ro lớn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Một là xung đột Nga-Ukraine và tác động của giá năng lượng. Hai là giá năng lượng tăng cộng với tình trạng thiếu lương thực làm gia tăng lạm phát. Nếu lạm phát tiếp tục tăng trong một thời gian dài, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái kết hợp với lạm phát phi mã có thể xảy ra. Các chính sách sẽ hướng đến việc ổn định chính trị nhiều hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ba là, để kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất, giới hoạch định chính sách phải đối mặt với nguy cơ tạo ra giảm phát. IMF cảnh báo các nhà hoạch định chính sách về việc đánh giá sai lập trường chính sách và đợt điều chỉnh giảm phát sắp tới có thể gây rối loạn hơn so với dự kiến.

Bốn là nguy cơ nợ nần do điều kiện tài chính thắt chặt hơn ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế tiên tiến (trừ Nhật Bản) đang dẫn đầu xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu. Ngoài việc tăng chi phí kinh doanh, điều này có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại hối và khiến đồng nội tệ mất giá so với đồng USD, gây ra tổn thất cho các nền kinh tế có nợ tính bằng USD. Năm là, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. IMF lo ngại chiến lược “Không COVID” của Bắc Kinh và các đợt phong tỏa kết hợp với sự bùng phát quy mô lớn hơn của nhiều loại virus dễ lây lan hơn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của nước này.

Thêm vào đó, các rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản cũng làm trầm trọng hơn tình hình và tác động của kinh tế Trung Quốc có sự lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu. Sáu là, sự phân mảnh hơn nữa của nền kinh tế thế giới. Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ chia thế giới thành “khối địa chính trị với các tiêu chuẩn công nghệ riêng biệt, hệ thống thanh toán xuyên biên giới và tiền tệ dự trữ”.

12-2.jpg -0
Giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh ảnh hưởng đến hàng hóa và dịch vụ cốt lõi tại nhiều quốc gia.

3 thách thức

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vương Nghĩa Ngôi - Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết nền kinh tế thế giới hiện nay đang đối mặt với 3 thách thức lớn: Thứ nhất, mô hình toàn cầu hóa đang có sự điều chỉnh về cơ cấu, chuyển từ toàn cầu hóa theo chủ nghĩa tự do mới trước đây sang toàn cầu hóa theo hướng cục bộ và khu vực hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu chú trọng nhiều hơn đến an ninh, tự chủ, khả năng kiểm soát và khả năng chống chịu.

Thứ hai, sự phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu chưa hình thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng ứng dụng công nghệ đang đứng trước thách thức tái điều chỉnh chuỗi cung ứng, xu hướng cạnh tranh khu vực hóa, tập đoàn hóa và ưu việt hóa ngày càng rõ rệt. Thứ ba, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và giá năng lượng tăng cao khiến lạm phát tăng cao, tác động đến toàn bộ hệ thống kinh tế quốc tế như kinh tế, thương mại, đầu tư... thông qua chuỗi sản xuất, gây ra các vấn đề xã hội và dân sinh, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách kinh tế của các nước.

12-3.jpg -0
Một phụ nữ người Kenya giương biểu ngữ phản đối tình trạng giá tăng cao và đòi quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm.

Đi tìm lối thoát

Trương Mạc Nam, nghiên cứu viên cấp cao của Viện nghiên cứu Mỹ và châu Âu thuộc Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc, phân tích rằng lạm phát là áp lực chủ yếu nhất mà các nước phát triển như Mỹ và châu Âu phải đối mặt. Lạm phát đã không còn là vấn đề tiền tệ mà là vấn đề mang tính kết cấu mà kinh tế các nước phương Tây phải đối mặt. Những lý do đằng sau vấn đề này tương đối phức tạp: Thứ nhất, trong thời kỳ đại dịch, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã đưa ra các chính sách nới lỏng định lượng quy mô lớn và các kế hoạch kích thích tài khóa. Thứ hai, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã thúc đẩy quá trình “tách rời” và “phá vỡ liên kết” để cắt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu vốn có, điều này cũng làm tăng thêm tình trạng rối loạn của chuỗi cung ứng trong nước Mỹ và làm tăng đáng kể chi phí sản xuất và cung ứng.

Thứ ba, vấn đề khó tuyển dụng nhân công, chi phí sử dụng nhân công đắt đỏ ở Mỹ ngày càng gia tăng, tình trạng thất thoát nguồn lao động trong nhiều ngành ngày càng nghiêm trọng và chi phí lao động tăng cao đã hình thành lạm phát do tiền lương. Điều này hiện không chỉ là thực tế ở riêng nước Mỹ. Thứ tư, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu đối với Nga đã đẩy giá năng lượng và hàng hóa chủ lực lên cao hơn nữa, từ đó gây áp lực mới do lạm phát từ nước ngoài đưa vào.

Hiện tại, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu là biểu hiện tập trung của những rủi ro khó đoán định trong ngắn hạn và các vấn đề mang tính kết cấu dài hạn trong nền kinh tế toàn cầu. Rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn bắt nguồn từ các xung đột địa chính trị và sự bất ổn kinh tế mang tính toàn cầu do các biện pháp trừng phạt liên quan, điều này đã tác động tiêu cực đến chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu của các lĩnh vực khác như tài chính, kinh tế và thương mại, lương thực, năng lượng. Các vấn đề mang tính kết cấu dài hạn thể hiện ở sự gián đoạn của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu vốn có, từ đó dẫn đến các vấn đề về sản xuất, thương mại, đầu tư và xuất khẩu của các nước, gây ra những tác động toàn diện, mang tính hệ thống và mang tính kết cấu cho nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm chao đảo các thị trường năng lượng toàn cầu và gây ra tình trạng thiếu lương thực ở một số nơi trên thế giới. Chi phí năng lượng tăng cao sẽ kéo theo suy thoái ở châu Âu và làm suy yếu nền kinh tế của Mỹ cùng nhiều quốc gia khác. Một mối liên kết xuyên biên giới, xuyên lĩnh vực, tác động qua lại lẫn nhau đã thể hiện rõ ngay cả trong giai đoạn thuận lợi hay trong thời khắc khó khăn.

Làm thế nào để đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại đúng quỹ đạo phục hồi? Theo giới phân tích, chìa khóa để giải quyết vấn đề này nằm ở lựa chọn của các nước lớn. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải có sự phối hợp nhiều hơn giữa các nước lớn để tạo ra một môi trường quốc tế lành mạnh, hòa bình và ổn định, chứ không phải là các chính sách và cơ chế làm suy yếu hợp tác quốc tế.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế đã có nhiều tiếng nói kêu gọi đoàn kết và hợp tác toàn cầu để cùng thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết trước tiên cần phải duy trì thị trường mở. Thứ hai, việc giải quyết một vấn đề không thể trả giá bằng việc tạo ra một vấn đề khác. Thứ ba, từ bỏ toàn cầu hóa là một tiến trình sai lầm, phải nên tiếp tục đoàn kết và hợp tác.

Ngày đăng: 08:34 | 29/10/2022

Vũ Dương / cand.com.vn