Với phương án điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần hoặc 15 ngày/lần, các chuyên gia cho rằng - thời gian điều chỉnh như vậy quá dài, phù hợp nhất nên để thị trường tự điều tiết theo biến động giá xăng dầu thế giới.
Điều chỉnh xăng dầu: 10 ngày hay 15 ngày?
Bộ Công Thương mới đây trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3.9.2014 về kinh doanh xăng dầu.
Tại dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án về thời gian điều chỉnh giá. Phương án 1 là giữ nguyên quy định 15 ngày điều chỉnh 1 lần. Phương án 2 là 10 ngày điều chỉnh 1 lần. Đại diện Bộ Công Thương cho biết Bộ nghiêng về phương án 10 ngày điều chỉnh 1 lần.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đề xuất điều chỉnh giá xăng 10 ngày/lần là để sát hơn với giá biến động của thế giới.
Nếu trong 15 ngày mà giá thế giới có sự biến đổi rõ nét thì độ trễ điều hành trong nước chưa sát với tình hình thế giới và xét trong một số hiện tượng, nếu doanh nghiệp họ kỳ vọng giá tăng, sẽ có thể xẩy ra hiện tượng găm hàng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Bộ Công Thương đề xuất hai phương án điều chỉnh giá xăng dầu. Ảnh: Petrolimex |
Do đó, để khắc phục, lần này Bộ Công thương đã đề xuất sửa theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng về 10 ngày/lần và có thêm biện pháp để trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường quá lớn, chẳng hạn như 3-4 ngày mà ảnh hưởng tới kinh tế xã hội và nguồn cung thì liên Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhằm điều hành hợp lý chứ không nhất thiết khiên cưỡng tối thiểu 15 ngày trong trường hợp tăng giá và tối đa 15 ngày trong trường hợp giảm giá.
Nên để thị trường tự điều tiết
Trao đổi với Lao Động về phương án sửa đổi nêu trên, một thương nhân kinh doanh đầu mối (đề nghị giấu tên) cho biết, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp xăng dầu nhập nguyên liệu với giá thành cao, nhưng giá bán trong nước lại thấp. Do đó, họ đều muốn chờ xăng tăng giá mới bung hàng.
Thực tế này cho thấy bất cập về việc điều chỉnh xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, chu kỳ này quá dài, cho nên tốt nhất là hãy để thị trường tự điều tiết. Theo đó nhập tăng thì bán tăng, nhập giảm thì bán giảm. Còn nếu không được như vậy thì càng ngắn ngày càng tốt. "10 ngày điều chỉnh đã là dài", vị này khẳng định.
Theo thương nhân này, khi xăng dầu giảm mà không kịp thời điều chỉnh thì gây thiệt hại người tiêu dùng, còn khi tăng mà không kịp thời điều chỉnh thì làm khó cho doanh nghiệp. Thực tế, cách đây 2 tháng, trước tình trạng thị trường xăng dầu xuất hiện nhiều bất cập trong vấn đề nguồn cung, nhiều cây xăng đã đóng cửa, găm hàng, chờ đến ngày điều chỉnh xăng dầu để tăng giá bán.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, xăng dầu thế giới biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ, cho nên không nên để thời gian quá dài cho một chu kỳ điều chỉnh.
"Phù hợp nhất là điều chỉnh hàng ngày khi có biến động giá. Còn khi thị trường xăng dầu đã cạnh tranh thực sự, không còn doanh nghiệp nào giữ vị trí thống lĩnh thị trường, giá hoàn toàn do thị trường quyết định. Theo tôi, nên sửa lại theo hướng càng ngắn ngày càng tốt, đảm bảo sát giá thế giới”, ông Long cho hay.
Sẽ thay đổi cách tính giá xăng dầu?
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đã đưa ra ... |
Giá xăng giữ nguyên sau 4 lần tăng giá
Giá xăng được giữ nguyên so với kỳ điều chỉnh trước đó. Cụ thể, xăng E5RON92 là 14.258 đồng/lít; Xăng RON95-III là 14.973 đồng/lít. |
Ngày đăng: 12:30 | 19/07/2020
/ laodong.vn