Trong loạt bài “Đường hầm bí mật gián điệp Đông Berlin“ có nhắc đến George Blake, điệp viên cao cấp của Anh đồng thời làm việc cho tình báo Liên Xô. Chính nhờ George Blake mà phía Liên Xô đã biết về đường hầm này từ khi nó còn là bản vẽ chuẩn bị được triển khai thi công.

George Blake là một trong những điệp viên cao cấp nước ngoài nặng "duyên nợ" với ngành tình báo Xô viết từ giai đoạn khởi điểm của Chiến tranh Lạnh cho đến thời gian gần đây, ông vẫn có những đóng góp tích cực cho ngành tình báo đối ngoại Nga, nhất là trong lĩnh vực huấn luyện điệp viên.

Thăm dò bằng bộ sách "Tư bản luận"

George Blake sinh ngày 11.11.1922 tại Rotterdam, Hà Lan. Mẹ ông là người thuộc dòng dõi quý tộc Hà Lan; cha ông là một doanh nhân người Ai Cập mang quốc tịch Anh, sinh trưởng ở vùng Constantinoble. Năm 1940, khi Đức Quốc xã xâm chiếm Hà Lan, George Blake đã làm liên lạc viên cho một nhóm kháng chiến chống phát xít.

Năm 1942, khi phong trào kháng chiến ở Hà Lan bị đàn áp dữ dội, George Blake tìm cách đến Anh rồi chẳng bao lâu sau được Cục Các hành động đặc biệt (SOE) tuyển mộ. Sau khi được huấn luyện, ông được tung về hoạt động trong lãnh thổ Hà Lan bị chiếm đóng để móc nối, xây dựng các tổ chức du kích và cả tổ chức phá hoại nhắm vào các căn cứ quân sự của Đức Quốc xã.

Cũng giống như nhiều điệp viên SOE khác, sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, theo nguyện vọng và khả năng, George Blake được nhận vào làm việc cho MI-6. Địa bàn hoạt động của ông là ở Hamburg, Đức, chuyên theo dõi nắm tin tức những khu vực do Liên Xô kiểm soát. Năm 1948, George Blake được phái sang Seoul, bán đảo Triều Tiên, làm nhiệm vụ dưới vỏ bọc một nhà ngoại giao.

diep vien george blake ky 1 nguoi giang luoi

George Blake được Bình Nhưỡng trao trả cho phía Anh tháng 4.1953.

Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1951, ông đã tận mắt chứng kiến cuộc chiến tranh và những cảnh tàn phá khủng khiếp do bom đạn Mỹ gây ra tại đây đã khiến quan điểm của ông dần thay đổi. Cho đến một lần, ông bị một toán đặc vụ của Bắc Triều Tiên bắt cóc đưa về giam giữ ở Bình Nhưỡng.

Đây là lúc George Blake được Cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô để ý đến. Vasili Dozhdalev, một người có khả năng nói tiếng Anh thông thạo sau vài dịp tiếp xúc với George Blake đã viết một bản báo cáo đánh giá về "nhân vật tiềm năng" này vì là nhân viên ngoại giao Anh nhưng sử dụng tiếng Nga thành thạo (do George Blake có thời gian nghiên cứu tiếng Nga khi theo học tại Đại học Cambridge).

Dựa trên bản đánh giá ấy, Nikolai Borisovich Rodin, biệt danh Korovin, liền được cử sang Triều Tiên "đặt vấn đề" với George Blake. Cơ duyên của George Blake bắt đầu từ đây khi nhân viên tình báo cao cấp của MI-6 cũng đang tìm cách liên lạc với Liên Xô: ông đã bí mật viết một lá thư bằng tiếng Nga gửi cho Đại sứ quán Liên Xô tại Bình Nhưỡng với đề nghị xem xét tình trạng giam giữ đối với các nhân viên ngoại giao nước ngoài tại đây.

Tuy chưa trả lời những nội dung trong thư của George Blake nhưng Đại sứ quán Liên Xô, theo đề nghị của Korovin, đã gửi cho George Blake bộ sách "Tư bản luận" của Karl Marx bằng tiếng Nga, đồng thời, quan hệ thư từ giữa George Blake với Đại sứ quán Liên Xô cũng được thúc đẩy hơn nhờ có sự trợ giúp bí mật của người lính gác.

Sau thời gian một vài tháng trao đổi thư từ "tranh luận về quan điểm" trong bộ sách "Tư bản luận" với phía Liên Xô, một hôm George Blake được người lính gác đưa đến một ngôi nhà tách biệt với khu giam giữ để gặp gỡ một người Nga- Korovin.

Với kinh nghiệm của một nhân viên MI-6, George Blake nói thẳng với người tiếp xúc rằng, nếu phía Liên Xô muốn duy trì quan hệ với ông thì phải triệu tập lần lượt những nhà ngoại giao khác đang trong tình trạng bị giam giữ như ông, bởi vì sẽ là điều không bình thường nếu như chỉ có ông bị "đưa đi" như thế này. Korovin đồng ý và thực hiện theo sự gợi ý của George Blake.

Trong những lần sau đó, giữa George Blake và Korovin (một đại tá KGB - điều mà mãi sau này George Blake mới biết) đã có những cuộc trao đổi, tranh luận thoải mái hơn về những vấn đề quốc tế đương đại như: cuộc chiến tranh Triều Tiên, Liên Xô có nên ký Hiệp ước Stockholm hay không...

George Blake kể lại: Ngày đó có thể người của KGB đã hoài nghi về lập trường, quan điểm đến mức "tiến bộ" như thế này của một nhân viên MI-6 như ông, đặc biệt với vị trí của ông trong cơ quan ngoại giao Anh ở Triều Tiên.

Năm 2008, trong lần trả lời phỏng vấn với hãng tin AP, George Blake đã được hỏi rằng, những lần tiếp xúc đầu tiên đó có phải là cách KGB thăm dò tư tưởng và "định hướng lý tưởng" cho ông như các cơ quan tình báo trên thế giới thường làm với những người dự tuyển hay không, Blake đã trả lời: "Người ta chỉ có thể tạo ra những tác động như vậy với những thanh niên mới lớn. Với các điệp viên như tôi, điều này khó lắm!".

Khi được một cơ quan tình báo tuyển mộ, hầu hết điệp viên mới đều đặt ra điều kiện với nơi mà họ sẽ trao gửi tính mạng, sinh mệnh chính trị trong suốt quãng đời còn lại của mình. George Blake cũng thế, tuy nhiên, những điều kiện của ông đặt ra với KGB không giống như những điệp viên khác: ông tuyên bố với đại diện của KGB tại Bắc Triều Tiên rằng, mình không cộng tác với KGB vì tiền cũng như sẽ không bao giờ nhận một khoản thù lao nào từ phía Liên Xô.

Ngoài ra, George Blake cũng yêu cầu phía KGB: ông phải được đối xử bình thường như những người đang bị giam giữ khác, không cần được trả tự do trước những người này và KGB phải đảm bảo an ninh cho tất cả những người đang ở cùng ông. KGB đã nhanh chóng thỏa mãn tất cả những đề nghị này và cũng không đưa ra bất kỳ hứa hẹn gì với điệp viên mới kể từ khi ấy mang mật danh "Diomid".

Tương kế tựu kế

Tháng 4.1953, George Blake là một trong số những tù binh người Anh được Bình Nhưỡng trao trả cho phía Anh cùng với những người bị giam giữ khác. Sau khi quay trở về London, George Blake đến Hà Lan "nghỉ ngơi tịnh dưỡng", nhưng thực chất ông nhân cơ hội này gặp gỡ với người của KGB.

diep vien george blake ky 1 nguoi giang luoi

Sergei Aleksandrovich Kondrashov.

Tại đó, hai người đã thỏa thuận về những cuộc gặp gỡ tiếp theo ở Anh. Tháng 10.1953, sau lần liên lạc đầu tiên tại Hà Lan, George Blake đã nhận được chỉ đạo "tìm cách leo cao, chui sâu" vào nội bộ MI-6 để phục vụ những chiến lược của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh bắt đầu hình thành.

Cũng vừa may là khi trở lại London, căn cứ vào những đóng góp trong quá trình hoạt động trước đây, đặc biệt là trong thời kỳ ở bán đảo Triều Tiên, George Blake đã được lãnh đạo MI-6 bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Y, bộ phận tình báo kỹ thuật chuyên đảm trách các điệp vụ nghe lén của MI-6 và theo lời của George Blake, là nơi "có thể tiếp cận được với những chiến dịch mật mang tính kỹ thuật chống lại người Nga".

Trong khi đó, KGB phải lựa chọn người sẽ chịu trách nhiệm phụ trách George Blake. Xét đến tầm quan trọng của điệp vụ này, người đó phải là người không bị Cơ quan phản gián Anh biết mặt; người ấy cũng phải có những kiến thức cơ bản để có thể thực hiện công việc dưới vỏ bọc công khai ở Đại sứ quán Liên Xô.

Đồng thời, người này phải có kinh nghiệm hoạt động chiến dịch, nắm vững các kỹ năng giám sát và chống giám sát. Cuối cùng, người được chọn là Sergei Aleksandrovich Kondrashov, một sĩ quan tình báo trẻ. Để chuẩn bị cho sứ mệnh của mình ở London, Sergei Kondrashov phải đọc kỹ các hồ sơ của "Diomid", nghiên cứu tỉ mỉ bản đồ thành phố London, xem xét các báo cáo giám sát tại Anh.

Công việc của Sergei Kondrashov trong việc giám sát Sứ quán Mỹ tại Moscow rất có ích trong trường hợp này, bởi vì cũng như người Mỹ, Sergei Kondrashov buộc phải tìm mọi cách để thoát khỏi sự giám sát của đối phương.

Cũng trong tháng 10.1953, Sergei Kondrashov tới London dưới vỏ bọc Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên Xô phụ trách quan hệ văn hóa. Ở vị trí này, Sergei Kondrashov bù đầu với đủ việc lớn nhỏ, từ sắp xếp lịch biểu diễn cho các nghệ sĩ nổi tiếng của Liên Xô ở London cho tới việc mua vé dự các trận thi đấu thể thao mang tính chất giao hữu cho các cán bộ sứ quán hay những nhân vật VIP.

Vẻ ngoài tất bật với những công việc tưởng chừng vô thưởng vô phạt rất phù hợp cho hoạt động chính của Sergei Kondrashov là người "chỉ huy địa bàn" tạm thời cho đến khi Sergei Tikhvinski tới đảm nhiệm cương vị "sếp" của KGB ở Anh thay thế cho Nikolai Rodin. Nhưng nhiệm vụ chính của Sergei Kondrashov là các hoạt động liên quan đến điệp viên vừa tuyển dụng "Diomid"- chỉ duy nhất Sergei Kondrashov biết tên thật cũng như vị trí công tác của "nguồn tin" quý giá này.

Cuộc gặp đầu tiên của Sergei Kondrashov với "Diomid" diễn ra vào cuối tháng 10.1953. Đây là cuộc gặp gỡ để hai người làm quen với nhau, thỏa thuận về những cuộc gặp tiếp theo cũng như bàn cách đáp ứng nhu cầu của George Blake muốn có một chiếc máy ảnh để chụp lại những tài liệu mật qua tay ông.

Trong cuộc gặp này, George Blake đã chuyển cho Sergei Kondrashov bản sơ thảo những chiến dịch cài đặt máy nghe trộm mà Bộ phận tình báo Anh ở Châu Âu (SIS) đang tiến hành chống lại Liên Xô. Trong tài liệu này có nhắc đến "Chiến dịch Bạc", liên quan đến một đường hầm mà SIS đã tiến hành xây dựng ở Vienna, thủ đô nước Áo.

Trung tâm tình báo đầu não ở Moscow kiểm soát mọi cuộc tiếp xúc với "nguồn tin" mới, không cho phép nhân viên KGB "nằm vùng" có những sáng kiến hoặc hành động có thể dẫn tới việc cả hai phía để lộ hành tung. Một lần, George Blake không xuất hiện tại cuộc gặp gỡ thường kỳ. Khi việc này được báo về trung tâm, Moscow chỉ thị là hãy chờ cho đến buổi gặp định kỳ tiếp theo như "phương án B" đã vạch ra.

Nhưng George Blake vẫn không xuất hiện, Kondrashov liền đề nghị cho phép được gặp "Diomid" trên đường đi tới chỗ làm. Trung tâm Moscow vẫn không chấp thuận kiểu tiếp xúc đường đột này và chỉ thị… tiếp tục chờ cho tới lần gặp gỡ sau đó. Lần này, George Blake chủ động hẹn gặp tại một rạp chiếu phim ở tây London và giải thích cho Sergei Kondrashov lý do ông vắng mặt trong mấy buổi gặp trước.

Hóa ra, George Blake lo ngại về việc Petrov, một điệp viên của KGB khi đó vừa mới đào thoát sang Australia, là người biết về mối liên hệ giữa ông với KGB. George Blake muốn biết chắc chắn rằng SIS không tiến hành các hoạt động giám sát mình. Ngoại trừ các lần trục trặc này, còn lại Sergei Kondrashov đã thường xuyên gặp gỡ với "Diomid" mà không có bất kỳ một sơ suất nào cho tới khi George Blake rời London vào năm 1955.

Trong những lần đi gặp George Blake, Sergei Kondrashov luôn tìm được một lý do hợp lý nào đấy để rời khỏi sứ quán nhằm thoát khỏi sự giám sát của SIS. Chẳng hạn để chuẩn bị cho một cuộc gặp quan trọng diễn ra vào một ngày tháng 1.1954, là người phụ trách các vấn đề văn hóa ở Đại sứ quán, với lý do tiễn một đoàn vận động viên cờ vua của Liên Xô, Sergei Kondrashov hộ tống đoàn vận động viên ra sân bay.

Thời gian còn lại trong ngày, Sergei Kondrashov đi mua sắm, xem phim. Trong suốt lộ trình này, Sergei Kondrashov hai lần liên lạc với một nhân viên KGB khác kiểm tra xem có sự theo dõi hay không ở những địa điểm đã định trước trên lộ trình của mình. Để rồi Sergei Kondrashov gặp "Diomid" ở… tầng trên của một chiếc xe buýt.

Khi "Chiến dịch Vàng" bắt đầu triển khai, người của CIA đã có cuộc họp bí mật chia sẻ kế hoạch với một nhóm sĩ quan MI-6 của Anh, và trong số đó có mặt George Blake! Không bỏ qua cơ hội có một không hai này, George Blake đã chuyển cho Sergei Kondrashov một bản sao chính xác biên bản cuộc họp diễn ra từ ngày 15 đến 18.12.1953 ở London bàn về dự án tuyệt mật đường hầm nghe lén ở Berlin.

Bản mã hóa tài liệu về cuộc họp ngay lập tức được chuyển về Moscow, nhưng mãi đến ngày 12.2.1954, toàn bộ tài liệu mới được đưa ra để xem xét. Đích thân Sergei Kondrashov soạn và chụp lại bản báo cáo rồi gửi về trung tâm theo đường thư tín ngoại giao dưới dạng phim âm bản, dưới các bản báo cáo đều có chữ ký "Rostov"- mật danh của Sergei Kondrashov.

(Còn nữa)

diep vien george blake ky 1 nguoi giang luoi Quyền lực của ông trùm xã hội đen (Kỳ 1): Biểu tượng lịch lãm

Luôn xuất hiện với những bộ vest đắt tiền và thời trang, John Gotti trở thành con cưng của giới truyền thông New York, biểu ...

diep vien george blake ky 1 nguoi giang luoi Nữ giang hồ khiếp đảm đất Hà thành (Kỳ 1): "Cọp cái" có biệt tài vẩy lưỡi lam

Lấy lòng người đẹp đến độ, chỉ một thời gian ngắn cặp kè, mọi lợi nhuận từ các hoạt động phi pháp, gã đã giao ...

diep vien george blake ky 1 nguoi giang luoi Phước “tám ngón” (Kỳ 1): Câu chuyện khởi đầu tội lỗi

Người ta kể rằng, khoảng 15-16 tuổi, giận cha mình, Phước đã trói ông ta thả xuống giếng, khiến ông sợ đến bất tỉnh mới ...

Ngày đăng: 10:00 | 28/01/2018

/ Dân Việt