Dự án nhiệt điện than thì bị các địa phương phản đối, phương án sử dụng thuỷ điện và điện nguyên tử không khả thi. Vậy nếu không dùng nhiệt điện than, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam nên phát triển nguồn điện nào?
Phát triển nhiệt điện than công nghệ mới hiện đại
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho biết: “Một đất nước mà không có điện thì không phát triển được. Muốn tồn tại phải có năng lượng”.
Kết thúc 2019, tổng sản lượng điện cả nước đạt 54.888 MW. Sản lượng điện được 231,1 tỉ kw giờ. Trong đó, nhiệt điện than chiếm 36,1% tương đương 20.000MW. Thuỷ điện chiếm 18%, nhiệt điện than 20%, điện khí chiếm 12%, điện dầu 6,5%, năng lượng tái tạo chiếm 7%.
Tuy nhiên, năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời vận hành không ổn định và chủ yếu chỉ bù được năng lượng vào giờ cao điểm trưa. Còn khoảng thời gian cao điểm sáng, tối, năng lượng điện tái tạo không bù được vì không có ánh sáng mặt trời. Vào thời điểm này, chỉ có than, khí, thuỷ điện là năng lượng truyền thống mới bù được.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương ngày 27.12, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho hay, các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng điện đến năm 2030. Nhưng việc cung cấp than, khí cho phát điện gặp nhiều khó khăn.
“Trong đề xuất mà Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất với Thủ tướng, tôi nói rằng nhiệt điện than chiếm tỉ trọng thấp có 36,1% của 54.888MW. Trên thế giới, tại Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh, có nước sử dụng lên tới 700.000MW nhiệt điện than. Như vậy, con số điện từ nguồn nhiệt điện than ở Việt Nam sử dụng còn rất thấp” - ông Trần Viết Ngãi cho biết.
Trước tình trạng các địa phương phản đối dự án nhiệt điện than tại địa phương mình, ông Trần Viết Ngãi cho rằng: “Việc các địa phương lo ngại ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than gây ra là dùng công nghệ ở giai đoạn thấp. Hiện nay, thế giới sử dụng công nghệ hiện đại, lò hơi hiện đại, siêu tới hạn và trên siêu tới hạn đòi hỏi than cám đưa vào có nhiệt khí cao từ 7.000 Kilo calo trở lên. Nếu sử dụng công nghệ đó, hầu như không còn khí than, khói bụi, CO2, SO2, NO. Các nước phát triển hiện nay vẫn duy trì sử dụng nhiệt điện than công nghệ mới, còn Việt Nam từ trước đến giờ dùng công nghệ lạc hậu”.
Điện gió sẽ là phương án thay thế?
Vậy, nếu không sử dụng nhiệt điện than, Việt Nam có thể dùng nguồn điện nào thay thế? Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguồn điện từ nhiệt điện than chỉ nên chiếm khoảng 45% là hợp lý. Việc sử dụng thuỷ điện ngày càng khó khăn, công suất nhỏ, việc khai thác phải chặt nhiều cây. Đối với điện nguyên tử, xu hướng trên thế giới như Pháp, Đức, Anh đều đã hạn chế. Thêm vào đó, công nghệ dự trữ nguyên liệu nguyên tử rất khó.
Việt Nam đang có dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà của Cty Enterprise Enegry Group. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ khởi công vào năm 2020, dự kiến năm 2030 sẽ ra sản phẩm, cho công suất 20 tỉ KW/giờ, bằng hai nhà máy nhiệt điện than. Lượng điện phát ra quanh năm là tối đa. Đây là nguồn năng lượng tái tạo to lớn thay nguồn điện truyền thống. Việt Nam có lợi thế 3.200km bờ biển, có nhiều bãi ngăn. Vì vậy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất nên tập trung phát triển điện gió ngoài khơi.
Ngày đăng: 11:03 | 07/01/2020
/ laodong.vn