Những tranh cãi liên quan đến cải thiện chế độ đãi ngộ cũng như những lo ngại sẽ bị thay thế bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến hơn 160.000 diễn viên tại Hollywood cùng các nhà biên kịch tham gia vào đợt đình công quy mô kỷ lục kể từ năm 1960. Cuộc đình công "kép" này được cho là có thể làm đình trệ gần như tất cả hoạt động sản xuất điện ảnh không chỉ tại Xứ Cờ hoa mà trên toàn cầu.
Theo Hiệp hội Diễn viên màn ảnh (SAG-AFTRA), công đoàn đại diện cho 160.000 nghệ sĩ biểu diễn bao gồm cả các ngôi sao hạng A, lo lắng xuất phát từ những lo ngại rằng, AI có thể làm thay công việc sáng tạo, thậm chí thay thế hình ảnh, sử dụng trái phép hình ảnh của các diễn viên. Mặt khác, tương tự như lao động trong nhiều ngành nghề khác, người lao động điện ảnh cũng chịu áp lực của lạm phát, cần thiết cải thiện chế độ đãi ngộ. Vì thế, SAG-AFTRA yêu cầu tăng thù lao cơ bản, kèm theo bổ sung các quyền lợi bảo đảm lợi ích người lao động trong kỷ nguyên truyền hình trực tuyến phát triển.
Thế nhưng, đàm phán thất bại, khiến Hội đồng Quốc gia của SAG-AFTRA đã nhất trí bỏ phiếu thông qua quyết định đình công nhằm phản đối các hãng phim và dịch vụ phát phim trực tuyến, kể từ nửa đêm 14-7 (giờ địa phương). Nhiều ngôi sao hạng A của Hollywood như Jennifer Lawrence hay Meryl Streep đều tuyên bố sẵn sàng từ bỏ công việc. Cùng với đó, hơn 11.500 nhà biên kịch thuộc Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) đã tiến hành đình công suốt 11 tuần sau khi những yêu cầu tương tự không được đáp ứng. Như vậy, đây là cuộc đình công "kép" đầu tiên mà Hollywood phải đối mặt kể từ năm 1960.
Trước diễn biến mới, Liên minh Các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP), hiệp hội thương mại đại diện cho Netflix, Walt Disney và một số công ty tham gia đàm phán, cho rằng quyết định đình công là “đáng thất vọng”, đồng thời nhấn mạnh cách tiếp cận này “đã đưa tất cả vào một lộ trình tăng nặng khó khăn tài chính cho hàng ngàn người đang kiếm sống nhờ vào ngành điện ảnh”. AMPTP bảo lưu quan điểm về việc đã đưa ra mức tăng phần trăm cao nhất cho mức thù lao tối thiểu trong 35 năm qua, mặt khác cũng đã tăng các đãi ngộ và đưa ra đề xuất AI mang tính đột phá nhằm bảo vệ chân dung kỹ thuật số của các diễn viên.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của SAG-AFTRA, câu trả lời mà các hãng phim đưa ra trước yêu cầu của phía diễn viên là “xúc phạm và thiếu tôn trọng”. Chủ tịch SAG-AFTRA Fran Drescher cho rằng, đại diện các hãng phim đã từ chối bàn luận thẳng vào các chủ đề, thay vào đó lại than vãn, cản trở cuộc đàm phán.
Khi tranh cãi vẫn tiếp diễn, giới quan sát nhận định việc lực lượng lao động tại Hollywood đình công sẽ giáng một đòn nặng nề vào ngành điện ảnh, truyền hình, vốn đã phải vật lộn với khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu u ám, nhất là khi mùa phim hè lâu nay là thời điểm để các tác phẩm lớn của Hollywood ra rạp thu lợi nhuận. Thực tế mùa hè năm nay đang chứng kiến phần lớn các phim đình đám không đạt doanh thu như kỳ vọng. Các “ông lớn” điện ảnh gồm Disney, NBCUniversal, Paramount Global cũng cho biết đã mất đi hàng trăm triệu USD do sự cạnh tranh của hoạt động phát hình trực tuyến trong quý vừa qua. Sự phổ biến của video trực tuyến cũng làm doanh thu quảng cáo truyền hình truyền thống lao dốc.
Trong bối cảnh đó, dễ thấy cuộc đình công đã “đổ dầu vào lửa”. Các thành viên WGA từ chối làm việc từ đầu tháng 5 đã khiến các chương trình trò chuyện đêm khuya trên truyền hình phải phát đi phát lại, đồng thời gián đoạn hầu hết hoạt động sản xuất cho các chương trình mùa thu và quay một số bộ phim kinh phí lớn. Giờ đây, khi các diễn viên SAG-AFTRA dừng công việc, quá trình sản xuất những bộ phim lớn chắc chắn phải trì hoãn, thậm chí gián đoạn dài hạn. Thực tế, đình công lúc này đã bắt đầu tác động nghiêm trọng đến việc quảng bá một số bộ phim điện ảnh lớn nhất của năm 2023, trong đó có “Oppenheimer”, một “bom tấn” được chờ đón không chỉ do kinh phí đầu tư lớn mà còn bởi đây là tác phẩm tiếp theo của đạo diễn lừng danh Christopher Nolan.
Có thể thấy, lối thoát cho bất đồng tại Hollywood không thể thuần túy chỉ là những hứa hẹn, mà cần một giải pháp căn cơ, thực chất và lâu dài, thậm chí là một cuộc cách mạng thực sự trong hệ thống đãi ngộ và cơ chế quản lý nội dung tại “kinh đô” điện ảnh thế giới. Cấp bách có được lời giải là không dễ, nhưng cần thiết, để những người say mê điện ảnh trên toàn cầu không phải trải qua một năm 2023 đầy thất vọng.
Ngày đăng: 09:35 | 16/07/2023
Hoàng Linh / HNM.com.vn