Với kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, có lẽ, kết quả môn Lịch sử không làm nhiều thầy cô và các nhà chuyên môn bất ngờ.
Theo dữ liệu chấm thi THPT Quốc gia năm 2018 từ các địa phương, điểm môn Lịch sử "rớt" một cách thê thảm. Nhiều người sốc, cảm giác lo lắng trước điểm thi môn Sử nhưng lại không hề bất ngờ. Chẳng có gì là lạ và cũng đừng ai vội giật mình, dường như đây là câu chuyện “đến hẹn lại lên” của mỗi mùa thi lớn. Nhưng vì đâu mà nên cơ sự này?
Lịch sử là một môn học cần có sự chăm chú và tư duy cao. Trước đây, đề thi không theo hình thức trắc nghiệm, thậm chí nhiều học sinh luồn lách giở tài liệu để quay cóp nên khá “ung dung”. Nhưng bây giờ thì khác, đề thi hiện nay đòi hỏi học sinh cần có cả nhận thức và kiến thức, trong khi môn Lịch sử vốn đã khó và thậm chí là cực khó khi đó là những kiến thức về lịch sử của cả dân tộc và nhân loại. Học vẹt, học tủ, học để chống đối cho qua điểm liệt đã không còn có tác dụng thậm chí là phản tác dụng.
Điểm thi THPT môn Lịch sử thấp kỷ lục.
Đã đến lúc cần thẳng thắn nói với nhau rằng, quan niệm về Lịch sử là môn học thuộc lòng, máy móc đã hoàn toàn sai lầm. Hơn thế, Lịch sử là một môn khoa học cần tư duy và lập luận logic. Nếu không thay đổi cách học, cứ để học sinh mãi “lơ tơ mơ” về môn này, thì không bao giờ có kết quả cao được. Thực tế, để nhận thức một vấn đề lịch sử đòi hỏi học sinh có nền tảng lý luận và nhận thức tổng hợp, phân tích chuyên sâu.
Ở một khía cạnh khác, do trình độ nhận thức về môn học này chưa được đúng đắn. Có thể thấy các em học sinh luôn xem Lịch sử là môn phụ và chỉ cần học thuộc lòng thì sẽ qua. Chính vì thế, thái độ học tập của các em chỉ là hình thức đối phó với thầy cô và góp phần "dung dưỡng" cho bệnh thành tích phát triển.
Bên cạnh đó, quan điểm tuyển sinh thực dụng, học thực dụng, thi thực dụng cũng khiến môn Sử "yếu thế" hơn. Thay vì trước đây học môn gì thi môn đó thì nay, thi môn gì học môn đó. Cách học thực dụng dẫn đến sự chủ quan trong việc dạy học, chủ quan trong tiếp nhận kiến thức và chủ quan cả hình thức ra đề - thi trắc nghiệm các môn trong đó có Lịch sử.
Hình thức thi trắc nghiệm trong môn thi Lịch sử khiến các em nhác học hơn so với cách thi tự luận trước đây. Vào phòng thi chủ yếu đoán mò là nhiều, làm theo kiểu “phủ xanh đất trống, đồi trọc”, chơi trò may rủi, thậm chí trả lời theo linh cảm.
Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên và cũng đừng đổ lỗi tại đề khó cho kết quả thấp, vì tư duy môn học vẹt nên nhận kết quả như vậy là điều tất nhiên. Rõ ràng, đó là kết quả buộc những người có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà không thể vô cảm.
Việc học và khai thác Lịch sử ở khía cạnh tư liệu về những điều đã diễn ra khiến Lịch sử trở thành một môn khoa học “chết”. Cần thổi một làn gió mới vào quá khứ đã qua, tôn trọng sự thật nhưng không có nghĩa là đóng khung tư duy trong những con số khô cứng. Lịch sử luôn cần là sự thật cũng như môn Lịch sử cần được học thật, thi thật, học bằng tất cả tình yêu với lịch sử nước nhà và sự phát triển của nhân loại từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
\'Thi cử như hiện nay thì chúng ta chỉ tạo ra một lối học đối phó\'
Nếu đề thi tư duy thì người dạy sẽ tư duy và sẽ có một thế hệ trò, thế hệ làm người tư duy đúng ... |
Bất thường điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang
Cụm thi Hà Giang xảy ra nghịch lý khi số thí sinh đạt điểm cao chiếm tỷ lệ lớn nhưng điểm trung bình tất cả ... |
Điểm thi Lịch sử thấp kỷ lục: Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp?!
Những thông tin mới về điểm thi Lịch sử năm 2018 khiến dư luận không khỏi băn khoăn nguyên nhân và cách giải quyết của ... |
Ngày đăng: 17:34 | 13/07/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn