Với các điều chỉnh như tăng tính phân hoá và độ khó của đề thi và đặc biệt là việc thay đổi cách tính điểm ưu tiên, điểm chuẩn trúng tuyển đại học theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã không còn hiện tượng “chạm trần” hoặc vượt “mốc” 30 điểm như các năm trước. Đặc biệt, năm nay điểm chuẩn khối ngành Y dược “hạ nhiệt” hơn trong khi ngành Sư phạm lại tăng mạnh so với năm 2022.
Tính đến chiều 23/8, đã có hơn 100 trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học năm 2023. Thống kê từ dữ liệu điểm chuẩn do các trường công bố cho thấy, ngành Khoa học máy tính của Bách khoa Hà Nội hiện vẫn đang là ngành học dẫn đầu khi có điểm chuẩn là 29,42. Với mức điểm này, 2 thủ khoa khối A00 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cũng đã bị trượt nguyện vọng 1.
Theo ĐH Bách khoa Hà Nội, từ nhiều năm nay, ngành Khoa học máy tính luôn là ngành hot nhất trường vào nhiều thí sinh đã trúng bằng phương thức khác như xét tuyển tài năng, xét tuyển thẳng hay xét bằng điểm thi đánh giá tư duy. Đó là lý do đẩy điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của ngành này năm nay lên cao. Tại khu vực phía Nam, ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM cũng lấy điểm chuẩn ngành này ở mức 28,05 điểm.
Ngành Quan hệ công chúng xét theo tổ hợp C00 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, năm nay có điểm chuẩn cao nhất với 28,75 điểm; ngành Đông phương học và Báo chí xét theo tổ hợp C00 lấy 28,5 điểm. Tương tự, ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm nay có điểm chuẩn cao nhất với 28,68 điểm tại tổ hợp A16 (Toán, Văn và Khoa học Tự nhiên)và C15 (Ngữ văn, Toán học và Khoa học xã hội). Với thang điểm 40 (môn Văn nhân hệ số 2), ngành Quan hệ công chúng cũng có điểm chuẩncao nhất với 38,02 điểm tại tổ hợp D78 (Văn, Khoa học xã hội và Tiếng Anh) và R26 (Văn, Khoa học xã hội, điểm quy đổi chứng chỉ Tiếng Anh). Cũng tại hai tổ hợp này, chuyên ngành Báo Truyền hình lấy 37,23 điểm. Ngành Ngôn ngữ Trung, tổ hợp D01 (Văn, Toán, tiếng Anh) của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cũng lấy điểm chuẩn cao nhất là 28,5 điểm, tức trung bình 9,5 điểm một môn mới đỗ. Mức này cao hơn năm ngoái 0,35 điểm trung bình một môn. Điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2023 là 27,36 điểm ở tổ hợp C00 xét tuyển vào ngành Luật kinh tế. Ngành Thương mại điện tử của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm nay có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất trường với 27,65 điểm; ngành Maketting có điểm chuẩn trúng tuyển cao thứ hai với 27,55 điểm; kế đến là ngành Kinh doanh quốc tế với 27,50 điểm…
Bất ngờ nhất năm nay có thể kể đến khối ngành Sư phạm khi điểm chuẩn trúng tuyển năm nay tăng mạnh ở tất cả các trường, đặc biệt là ở các nhóm ngành số lượng ít chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Đơn cử như điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cao nhất là 28,58 điểm; ngành Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Vinh cũng là ngành học có điểm chuẩn cao nhất với 28,12 điểm; điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đều ở mức 28 điểm. Ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN cũng có điểm chuẩn cao nhất là 37,21 trên thang 40 điểm; ngành Giáo dục tiểu học của Trường ĐH Đại học Giáo dục, ĐHQGHN có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là 27,47 điểm; Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Lịch sử và Địa lý có điểm chuẩn trúng tuyển là 27,17 điểm.
Trái ngược với sự bứt phá điểm chuẩn ngành Sư phạm, điểm chuẩn vào khối trường Y dược năm nay lại có xu hướng giảm. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có mức điểm chuẩn cao nhất là 26,31 cho ngành y khoa. Tương tự, điểm chuẩn hầu hết các ngành của Trường ĐH Dược Hà Nội đều giảm so với năm ngoái. Trong đó, ngành học có điểm chuẩn cao nhất là 25 điểm. Ngành Bác sỹ đa khoa của Học viện Quân Y có điểm chuẩn cao nhất là 27,17 điểm, các ngành còn lại dao động trong khoảng từ 23,19 đến 25,50 điểm. Ngành Răng-Hàm-Mặt của Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN có điểm chuẩn cao nhất là 26,8; ngành Y khoa là 26,75 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là Y khoa, chỉ ở mức 25,52 điểm. Ngành Răng-Hàm-Mặt của Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên năm nay lấy điểm cao nhất là 26,25; ngành Y khoa là 26 điểm. Điểm chuẩn vào ngành Y khoa của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm nay cũng chỉ nằm ở mức 25,52 điểm; ngành Răng-Hàm-Mặt của Trường Đại học Y Dược Hải Phòng có điểm chuẩn cao nhất ở mức 25,4 điểm; ngành Y khoa có điểm chuẩn là 25,35; điểm chuẩn ngành Y đa khoa của Trường ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng cao nhất là 25 điểm…
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, điểm chuẩn trúng tuyển đại học năm 2023 nhìn chung không có nhiều biến động so với năm 2022. Trong đó, điểm chuẩn trúng tuyển tăng nhẹ hoặc chỉ giảm nhẹ so với năm 2022 tuỳ theo từng ngành học, từng trường và đặc biệt là đã không còn xảy ra tình trạng điểm chuẩn “cán mốc” 30 như các năm trước.
Theo phân tích của GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN, năm nay đã không còn xảy ra tình trạng điểm chuẩn “chạm trần” đối với một số ngành hot. Lý do là Bộ GD&ĐT điều chỉnh tăng tính phân hoá trong đề thi tốt nghiệp THPT 2023 khiến cho số lượng thí sinh đạt điểm giỏi, điểm xuất sắc có giảm. Cùng với đó, năm nay là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng cách tính điểm ưu tiên mới theo hướng các thí sinh có điểm thi càng cao thì điểm cộng, điểm ưu tiên càng giảm. Mặc dù vậy, việc các trường đại học đa dạng phương thức tuyển sinh, tăng chỉ tiêu ở các phương thức khác và giảm chỉ tiêu ở phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT nên dù số lượng thí sinh đạt điểm giỏi, xuất sắc giảm song mức điểm chuẩn ở các trường top đầu vẫn giữ ổn định ở mức cao.
Đặc biệt, do có sự điều chỉnh về đề thi tốt nghiệp THPT nên số lượng thí sinh đạt điểm khá, cận giỏi cũng tăng lên khiến cho điểm chuẩn vào các trường top giữa, các ngành có điểm chuẩn từ 21-25 điểm có xu hướng tăng so với năm 2022.
Ngày đăng: 07:34 | 24/08/2023
Huyền Thanh / CAND