Sau khi thu mua dầu thải, thay vì đi 70km từ Phú Thọ lên Hòa Bình để đổ, 3 gã thanh niên lại chọn hành trình lắt léo với quãng đường dài gần 200km để đổ trộm.
Ngày 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình tạm giữ hình sự 2 nghi phạm liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến Nhà máy Nước sạch sông Đà, đồng thời, tạm giữ 2 xe ô tô liên quan.
Hai kẻ bị tạm giữ được xác định là Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).
Tại cơ quan điều tra, Đại và Thám khai, ngày 6/10, hai người được Lý Đình Vũ thuê lái xe ô tô tải đi từ Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa, tổng dung tích khoảng 10m3. Sau đó, chúng lái xe về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90 (ở xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) gửi xe và hàng.
Ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ lái xe tải và xe 4 chỗ, đưa chất thải từ Hưng Yên lên xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm rồi bỏ trốn.
Nguyễn Chương Đại (trái) và Hoàng Văn Thám tại cơ quan điều tra. |
Trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này có rất nhiều điều cơ quan điều tra cần phải làm rõ như: hành trình đổ chất thải, mục đích đổ chất thải và thái độ của các đối tượng sau khi đổ chất thải.
“Thông thường, chất thải nguy hại bị đổ trộm ra môi trường là của doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải hoặc hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo tiêu chuẩn, không tuân thủ quy định về thu gom chất thải. Doanh nghiệp thường đổ chất thải ra môi trường ngay gần khu vực đóng trụ sở.
Những người này bỏ tiền ra mua chất thải ở Phú Thọ rồi vận chuyển hơn 100km về Hưng Yên, sau đó lại đi khoảng 80km lên Hòa Bình đổ ra khu vực gần nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sông Đà là điều rất bất ngờ và khó giải thích.
Luật sư Đặng Văn Cường
Tuy nhiên, trong vụ việc này, các đối tượng không phải là người của doanh nghiệp có chất thải mà là đi mua, thu gom chất thải từ Phú Thọ mang về Hưng Yên rồi lại ngược đường lên Hòa Bình để đổ”, luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, với những doanh nghiệp thu gom chất thải thì sẽ biết rõ loại chất thải nào có thể mua được, loại nào không mua được, loại nào là chất thải nguy hại. Vì vậy, việc 3 người này đi mua dầu thải rồi lại đem đổ đi là điều khó hiểu.
Ngoài ra, luật sư cũng chỉ ra điểm bất thường về đường đi của những thùng dầu thải. Cụ thể, nếu nhóm nghi phạm trên nhận dầu thải từ Công ty CP gạch, gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) đi thẳng tới khu vực đổ dầu thải chỉ khoảng 71km, thời gian chạy xe khoảng 2 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, những kẻ này lại chọn hành trình khá lắt léo.
“Việc những người này bỏ tiền ra mua chất thải ở Phú Thọ rồi vận chuyển hơn 100km về Hưng Yên, sau đó lại đi khoảng 80km lên Hòa Bình đổ ra khu vực gần nguồn nước dẫn vào Nhà máy nước sông Đà là điều rất bất thường và khó giải thích.
Bởi vậy, cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích của việc mua chất thải và độ chất thải ở đây là gì?
Nếu hành vi gây ô nhiễm môi trường này là một thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi thì cũng cần có mức hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe”, luật sư Cường nói.
Ông Cường cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ những kẻ liên quan trong vụ việc này. Tất cả đối tượng chủ mưu, giúp sức, xúi giục và những người trực tiếp thực hiện hành vi đổ chất thải ra môi trường sẽ bị xử lý về tội gây ô nhiễm môi trường với vai trò đồng phạm.
Để khởi tố, xử lý những người trên về tội gây ô nhiễm môi trường thì trước tiên cơ quan điều tra cần thu mẫu chất thải và đối chiếu với Phụ lục A của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, đồng thời xác định số lượng chất thải đã thải ra môi trường là bao nhiêu để làm căn cứ xác định tội danh và mức hình phạt cụ thể.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, cá nhân và pháp nhân đều có thể bị xử lý hình sự về tội danh này với mức phạt cao nhất lên đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm tùy thuộc vào mức độ vi phạm và nhân thân của người phạm tội.
Ngoài ra, theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của cán bộ, cá nhân của Công ty cổ phần Nước sạch Sông Đà.
“Trong trường hợp cán bộ công ty này biết rõ là sự việc đã gây ô nhiễm môi trường nhưng không thực hiện việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật thì có thể xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo Điều 237 Bộ luật Hình sự.
Hoặc xem xét vai trò đồng phạm đối với tội gây ô nhiễm môi trường nếu chứng minh được những người trong công ty này có hành vi xúi giục hoặc giúp sức các đối tượng thực hiện gây ô nhiễm môi trường, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người, gây xáo trộn đời sống nhân dân, hoang mang trong dư luận”, luật sư Cường cho hay.
Theo quy định tại Điều 237 Bộ luật Hình sự năm 2015 tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường có thể bị phạt tiền đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngày đăng: 20:21 | 19/10/2019
/ vtc.vn