Sang năm 2018, mặc dù giá dầu đã quay lại mức trên 70USD/thùng, tuy nhiên thị trường dầu khí thế giới vẫn được dự báo là bất ổn, thậm chí khó khăn hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn giai đoạn trước.

Bảo vệ doanh nghiệp nội

Ngành Dầu khí Việt Nam, đặc biệt là khu vực dịch vụ dầu khí, thời gian qua bị tác động mạnh vì thị trường cạnh tranh gay gắt, cung lớn hơn cầu. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ dầu khí nước ngoài có tiềm lực vượt trội về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, kinh nghiệm, tài chính… sẵn sàng chào giá cung cấp dịch vụ thấp hơn so với chi phí sản xuất vận hành thực tế.

Các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên tục phải đối mặt với sức ép giảm giá dịch vụ, khó giữ vững thị phần, càng khó tìm kiếm các hợp đồng mới trong và ngoài nước.

dich vu dau khi khong the thua tren chinh san nha
Tàu dịch vụ Bình An của PTSC

Được biết, doanh thu dịch vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong những năm qua đã tăng lên hơn 30% tổng doanh thu toàn Tập đoàn, năm 2017 đạt 167,2 nghìn tỉ đồng. Các doanh nghiệp dịch vụ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nỗ lực chủ động cân đối và tập trung đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, khẳng định năng lực, chất lượng dịch vụ cung cấp cho các nhà thầu dầu khí tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Những doanh nghiệp có đội ngũ chuyên gia lành nghề giàu kinh nghiệm, thay thế được nhiều chức danh phải thuê chuyên gia nước ngoài, đủ khả năng làm tổng thầu thực hiện các công trình, dự án phức tạp như: Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) cung cấp dịch vụ khoan và các dịch vụ đi kèm; Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) cung cấp dịch vụ xây lắp các công trình dầu khí biển; Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) cung cấp dịch vụ xây lắp các công trình dầu khí, vận hành các công trình khai thác; Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí - CTCP (PVE) cung cấp dịch vụ thiết kế các công trình dầu khí trong và ngoài nước...

Mặc dù năng lực, kinh nghiệm, cũng như thương hiệu và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ngày càng được nâng cao, tính chuyên nghiệp và khả năng cạnh tranh tốt hơn, song trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm phát huy được nội lực, phát triển lĩnh vực dịch vụ dầu khí theo mục tiêu của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015, rất cần có sự đổi mới kịp thời về cơ chế quản lý, chính sách pháp luật đối với lĩnh vực này.

Khi tham gia WTO và ký kết các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam phải cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan, giảm bảo hộ, giảm hỗ trợ doanh nghiệp có vốn Nhà nước, chấp nhận áp lực cạnh tranh khắc nghiệt. Tuy nhiên, trên thực tế, do thành quả của toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực và các nền kinh tế khiến xu hướng phản đối tự do hóa thương mại gia tăng mạnh mẽ ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu. Nguy cơ trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ cùng những thay đổi về chính trị, chính sách thương mại của một số nước lớn đang là những thách thức đối với kinh tế nước ta.

Công cụ truyền thống các nước thường áp dụng trong khung khổ quy định của WTO là biện pháp thuế quan. Ngoài ra còn có các biện pháp hữu hiệu khác là lập hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ thương mại gồm: tự vệ, chống trợ cấp, chống bán phá giá...

Nếu chúng ta không kịp thời có chính sách cụ thể, rõ ràng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời thích ứng với xu hướng mới của thế giới thì sẽ thua... ngay trên chính sân nhà.

Ví dụ, ở lĩnh vực dịch vụ dầu khí, các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia đã và đang có các chính sách nhằm ưu đãi cho các nhà thầu của họ và hạn chế các nhà thầu nước ngoài cung cấp dịch vụ trong nước. Các rào cản, chính sách này rất cụ thể, thuận tiện cho áp dụng nhằm bảo hộ các doanh nghiệp trong nước như: Yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa của nhà thầu; yêu cầu giấy phép được cấp bởi Công ty Dầu khí quốc gia; yêu cầu tạm nộp trước thuế nhà thầu phụ nước ngoài...

Tháo gỡ vướng mắc về chính sách

Tháng 4-2018, tại Hội nghị triển khai công tác dịch vụ năm 2018 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức, những điểm sáng nhất trong bức tranh, bất ngờ lại là sự vượt trội về doanh thu dịch vụ từ nước ngoài. Một số doanh nghiệp đã phát huy năng lực cạnh tranh, vượt qua các rào cản bảo hộ của các nước để chủ động tìm kiếm đối tác, khách hàng ở thị trường ngoại, cung ứng dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho CBCNV. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí mặc dù năm 2017 đã có nhiều nỗ lực hoàn thành kế hoạch, song những khó khăn ở phía trước còn vô cùng nan giải.

Những giải pháp, đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí được đưa ra tại hội nghị này tập trung vào hai nhóm: Một là các giải pháp tái cấu trúc, phát huy nội lực. Hai là các đề xuất tháo gỡ những vấn đề về cơ chế chính sách.

Về các giải pháp phát huy nội lực, nâng cao sức cạnh tranh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và hướng tới các sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế; tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao, cải tiến phương pháp quản lý, đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó định hướng, phân chia rõ ràng, chuyên biệt hóa từng lĩnh vực hoạt động cho từng doanh nghiệp dịch vụ thuộc Tập đoàn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung phát triển tối đa thế mạnh riêng, tránh sự chồng chéo, cạnh tranh khốc liệt trong việc cung cấp dịch vụ trong ngành. Xây dựng và ban hành các văn bản về quy trình, quy chế và hướng dẫn để thúc đẩy sử dụng các dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước có đủ khả năng cạnh tranh, có đủ năng lực cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế. Phối hợp, trao đổi thông tin thị trường và hợp tác về năng lực, kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong Tập đoàn, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư.

Về đề xuất tháo gỡ cơ chế chính sách, vấn đề vướng mắc cơ bản hiện nay đối với khối doanh nghiệp dịch vụ dầu khí là hệ thống định mức trong lĩnh vực dịch vụ còn thiếu, danh mục các dịch vụ được áp dụng hình thức đàm phán trực tiếp chưa được phê duyệt. Luật Dầu khí cũng như Hợp đồng dầu khí chưa có quy định cụ thể việc ưu đãi khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Dầu khí là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho chuyên ngành Dầu khí là những sản phẩm, dịch vụ duy nhất trên thị trường, do đó cần một hành lang pháp lý về ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành. Khoản 5, Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP có nội dung: “Trường hợp sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong Tập đoàn và duy nhất trên thị trường thì thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.

Tuy nhiên, đến nay sau gần 4 năm Nghị định 63 có hiệu lực các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí vẫn đang phải chờ đợi Chính phủ xem xét, sớm ban hành quy định về vấn đề này để làm cơ sở thực hiện.

Dầu khí là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho chuyên ngành dầu khí là những sản phẩm, dịch vụ duy nhất trên thị trường, do đó cần một hành lang pháp lý về ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành Dầu khí.

dich vu dau khi khong the thua tren chinh san nha

4 nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, HOSE: OIL) cho biết hiện có 4 nhà đầu tư (SK, Idemitsu, HD Bank và Sovico) muốn trở ...

dich vu dau khi khong the thua tren chinh san nha

VPI tổ chức hội nghị khoa học về khai thác, sử dụng tài nguyên dầu khí

Ngày 22/5/2018, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) - đơn vị nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ ...

http://www.pvn.vn/Pages/Tin-dau-khi/Dich-vu-dau-khi-Khong-the-thua-tren-chinh-san-nha/99ee559a-17a5-4e38-9314-cfdf1414306f

Ngày đăng: 19:11 | 23/05/2018

/ Cổng Thông tin Tập đoàn Dàu khí VN