Trong dòng lịch sử phát triển của công nghiệp đã sinh ra một số định danh như “động cơ vĩnh cửu”, “thiết bị trăm năm vẫn chạy tốt”,... Thực tế, ai cũng hiểu đó là những chuyện không tưởng nhưng cũng đủ để nói lên vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo dưỡng, sửa chữa.
Trong gần 60 năm hình thành và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, từ những bước đầu chập chững khoan những mũi khoan thăm dò đầu tiên đến nay, hàng chục mỏ dầu, khí được khai thác, hàng chục nhà máy sản xuất điện, phân đạm, khí đốt được phân bố khắp cả nước. Các công trình dầu khí đó đang ngày đêm hoạt động ổn định, tạo ra nền tảng góp phần cung cấp năng lượng cho nền kinh tế nước ta. Là người có nhiều dịp được chứng kiến quá trình xây dựng một số công trình dầu khí lớn như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy xơ sợi Việt Nam… Tôi cảm nhận được phần nào tâm trạng của đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Việt Nam khi tiếp nhận các thiết bị siêu trường, siêu trọng, khát khao làm chủ công nghệ vận hành, gìn giữ máy móc của người Dầu khí.
Bảo dưỡng đuốc đốt Flare trong Bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4 NMLHD Dung Quất. |
Nếu nói về khía cạnh kỹ thuật, Bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) là việc đảm bảo thiết bị, móc máy tiếp tục thực hiện tốt chức năng mà người sử dụng muốn chúng thực hiện, bao gồm việc duy trì chức năng theo thiết kế của thiết bị máy móc. Quản lý các hư hỏng đang hình thành và giảm thiểu hậu quả của hư hỏng có thể xảy ra. Đồng thời, BDSC tạo điều kiện duy trì hay khôi phục khả năng hoạt động của máy móc thiết bị nhằm tạo ra sản phẩm với chi phí thấp nhất.
Công tác BDSC đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì tuổi thọ, đảm bảo sự hoạt động tin cậy của thiết bị và có vai trò trực tiếp trong việc đảm bảo an toàn, duy trì năng lực, hiệu quả sản xuất của các Nhà máy. Với chế độ vận hành liên tục 24/24 và đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn, công tác BDSC phải được thực hiện theo đúng theo yêu cầu kỹ thuật, khuyến cáo của nhà sản xuất, nhà bản quyền công nghệ và quy định của pháp luật Việt Nam.
Ở đây phải nói thêm rằng, mỗi một thiết bị công nghiệp đều có các nhà bản quyền, thiết kế. Bởi vậy không có chuyện thích vận hành thế nào, bấm nút thế ấy, thích để máy chạy công suất ra sao, đặt chế độ kiểu đó. Để có thể vận hành Nhà máy Lọc hóa dầu như Dung Quất với 115% công suất, đòi hỏi trí tuệ của hàng trăm cán bộ vận hành, sự chu đáo, cẩn trọng của hàng ngàn lượt công bảo dưỡng, bảo trì, để hiểu thấu, hiểu rõ từng chi tiết nhà máy như cơ thể của chính bản thân họ. Không những thế, để tăng công suất vượt thiết kế, đội ngũ cán bộ kỹ thuật vận hành phải vượt qua hàng loạt kiểm tra đến từ nhà thiết kế bản quyền, thuyết phục họ bằng đủ các loại giả thuyết, mô hình để chốt lại được phương án vận hành tối ưu cho thiết bị, hệ thống công nghệ.
Giàn Đại Hùng 01 trên đường lai dắt về DQS để bảo dưỡng ngay trong đại dịch Covid-19. |
Hiện nay, có một hiểu lầm nho nhỏ khi coi việc “bảo dưỡng, sửa chữa” chỉ là phụ, một nhánh trong nghề cơ khí. Trong thực tế để có thể làm được công tác BDSC, cán bộ kỹ thuật, công nhân phải là người cực giỏi về cơ khí, có kiến thức chuyên sâu về vật lý...
Ý thức được vấn đề đó, ngay từ khi đầu tư xây dựng dự án, việc xây dựng, hình thành đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất phục vụ BDSC để đảm bảo nhà máy vận hành trơn tru ngay khi đưa vào sử dụng đã được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên đặc biệt coi trọng. Các nhân sự được tuyển mộ và đào tạo đều là những cá nhân có kiến thức nền tốt, được đào tạo chuyên sâu theo một quy trình chặt chẽ, nhiều năm trước khi nhà máy được đưa vào hoạt động. Đã có lần chúng tôi tính toán, để đào tạo ban đầu cho một vị trí thực hiện công tác BDCS chuyên nghiệp, chi phí có thể lên đến cả trăm ngàn USD (đào tạo công nghệ tại nước ngoài, đào tạo tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh chuyên sâu, chi phí ăn ở đi lại…). Đây là những viên gạch đầu tiên để từng bước, dần hình thành nên đội ngũ BDSC để có thể làm chủ công tác BDSC các công trình dầu khí hiện nay.
Tại buổi Tọa đàm “Sáng tạo, làm chủ công nghệ trong hoạt động bảo dưỡng các công trình dầu khí”, ông Nguyễn Thế Hoành – Phó Giám đốc chi nhánh Dịch vụ Kỹ thuật Công nghiệp (PVChem) đã chia sẻ rất sinh động về sự trưởng thành của cán bộ BDSC. Những ngày đầu tham gia công tác này, cán bộ công nhân viên của PVChem (tham gia 4 đợt bảo dưỡng sửa chữa Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất và đợt đầu tiên của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn) chỉ như những sinh viên học việc. Sau mỗi đợt BDSC lớn, vừa học, vừa "hành", đến nay, PVChem đã xây dựng được một đội ngũ chuyên nghiệp, có khả năng đảm nhận được các gói thầu kỹ thuật với 100% cán bộ công, chuyên gia là người Việt Nam.
Toàn cảnh Tọa đàm sáng tạo, làm chủ công nghệ bảo dưỡng sửa chữa công trình dầu khí. |
Các đại biểu tham gia tọa đàm đã khá kinh ngạc trước hàng loạt kỷ lục mà các đơn vị dầu khí đưa ra, những kỷ lục thời gian hoạt động liên tục được phá vỡ, chẳng hạn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã duy trì hoạt động liên tục 1.800 ngày, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành liên tục 330 ngày, chi phí BDSC tiết kiệm cho mỗi nhà máy hàng triệu USD/năm… Tất cả các con số trên thể hiện việc vận hành và BDSC đã được thực hiện rất tốt, sự khẳng định đối với năng lực, sự trưởng thành của đội ngũ nhân sự vận hành và BDSC của ngành Dầu khí.
Có thể khẳng định, công tác BDSC đã có đóng góp quan trọng vào việc hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường các sản phẩm lọc hóa dầu cạnh tranh khốc liệt, nhiều biến động thời gian gần đây. Với đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, làm chủ công nghệ BDSC các nhà máy lớn có công nghệ tiên tiến về lọc hóa dầu, chế biến khí, điện, đạm, Petrovietnam đã làm chủ kỹ thuật, công nghệ mà trước kia phải thuê chuyên gia nước ngoài; đồng thời đặt mục tiêu không chỉ làm tốt công tác BDSC trong ngành mà nâng tầm thành dịch vụ BDSC các công trình công nghiệp lớn trong nước cũng như vươn tầm trong khu vực và quốc tế.
Ngày đăng: 10:00 | 25/11/2020
/ pvn.vn