Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, mỗi ngày ghi nhận trên 30.000 F0, trong đó có 99% điều trị tại nhà. Áp lực dồn nén lên vai hệ thống y tế cơ sở khi cả trạm y tế chỉ có 8-10 nhân viên y tế, trong khi họ phải phụ trách tới cả nghìn F0. Trong những ngày qua, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã nhiễm SARS-CoV-2, có nơi cả trạm y tế đều là F0, khó khăn lại thêm chồng chất.

Bài 1: Khi cả trạm y tế phường là F0

Đợt dịch thứ 4 kéo dài trên cả nước đã gây khó khăn, quá tải cho hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Từ Tết ra đến nay, số ca mắc COVID-19 tăng rất mạnh, lây lan nhanh trên cả nước bởi biến chủng Omicron. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, mỗi ngày ghi nhận trên 30.000 F0, trong đó có 99% điều trị tại nhà. Áp lực dồn nén lên vai hệ thống y tế cơ sở khi cả trạm y tế chỉ có 8-10 nhân viên y tế, trong khi họ phải phụ trách tới cả nghìn F0. Trong những ngày qua, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã nhiễm SARS-CoV-2, có nơi cả trạm y tế đều là F0, khó khăn lại thêm chồng chất.

Không có ngày nghỉ

Chúng tôi tới Trạm Y tế phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng vào những ngày dịch COVID-19 ở Hà Nội diễn ra căng thẳng. Mỗi ngày tại đây có hơn 100-200 bệnh nhân dương tính mới. Gần nửa năm qua, công việc của các nhân viên y tế cơ sở đã quá bận rộn, mệt mỏi và càng quá tải hơn khi các ca F0 bắt đầu tăng mạnh ở Thủ đô sau Tết Nguyên đán.

benh-vien-hoi-suc-thanh-nguyen-2142-4978-1628942744.jpg -0

Các bác sĩ Bệnh viện hồi sức COVID-19 đang điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Ảnh: CTV

Gọi điện cho BS Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế, trong điện thoại là tiếng ho sù sụ của chị. Tôi hỏi thăm, chị nói: “Hôm nay là ngày thứ 7 bị nhiễm SARS-CoV-2”. Vào giữa lúc dịch diễn biến căng thẳng nhất thì cả trạm y tế có 10 người (1 bác sĩ là trạm trưởng và 9 y tá, điều dưỡng) đều nhiễm COVID-19. “Vô cùng khó khăn khi cả trạm đều là F0. Trong tình thế đó, tôi động viên các chị em phải cố gắng, vẫn tiếp nhận tư vấn cho các F0 qua Zalo, ai không sốt thì lên trạm làm việc”, BS Huệ chia sẻ.

BS Huệ cho biết, chị mắc COVID-19 có đầy đủ triệu chứng, ho, sốt rét, đau rát họng… nhưng vẫn chỉ đạo từ xa. Những lúc dứt cơn sốt, có điện thoại chị bắt máy trả lời tư vấn cho bệnh nhân. “Có những đêm mệt rũ, đang ngủ nhận được tin báo vẫn bật dậy để tư vấn, chỉ đạo. Có buổi trưa ngủ mê mệt, người cứ chìm đi. Nhưng rồi lại nghĩ, phải làm việc để quên đi mình là F0. Bận rộn làm việc từ sáng tới khuya, không còn thời gian nghĩ đến bệnh nữa, lại thấy khỏe ra. Tôi động viên các chị em F0 cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tình yêu nghề đã chiến thắng tất cả, chúng tôi làm việc suốt trong thời gian là F0, quên đi triệu chứng của bệnh”, BS Huệ tâm sự.

Ngoài BS Huệ con đã lớn, 9 y tá, điều dưỡng của Trạm Y tế phường Đồng Tâm nhiều người con còn nhỏ. Nhân viên y tế nào sốt, con nhỏ thì không đến trạm nhưng đều làm việc tại nhà, tiếp nhận tư vấn qua Zalo. Những người khỏe hơn thì đến trạm làm việc ở tầng 2 để giải quyết các công việc hành chính, hỗ trợ các F1 ở tầng dưới (F1 là Đoàn Thanh niên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế).

“Mỗi nhân viên y tế phụ trách một khu dân cư, ai mệt quá thì người khỏe hơn làm thay, san sẻ công việc cho nhau. Tôi soạn sẵn 1 tin nhắn hướng dẫn các bước điều trị, sử dụng thuốc cho F0 tại nhà. Tin nhắn này được nhân viên chuyển tới từng bệnh nhân F0, vì thế trong thời gian qua, không có trường hợp nào chuyển nặng mà phải chuyển viện muộn”, BS Huệ cho biết.

Y tế cơ sở tại Hà Nội bước vào khủng hoảng nhân lực do mỗi trạm y tế chỉ có từ 8-10 nhân viên, dịch bệnh kéo dài đã khiến lượng công việc của họ quá tải, ngày nào họ cũng trong guồng quay công việc tất bật, không có ngày nghỉ. Nhiều người không có thời gian lo cho gia đình, trong nhà có người ốm, con nhỏ, nhiễm COVID-19 cũng không có nhiều thời gian quan tăm, chăm sóc. Chưa kể, đợt dịch bùng phát sau Tết Nguyên đán tới nay, số nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 rất cao.

Không chỉ Trạm Y tế phường Đồng Tâm, Hà Nội có nhiều nơi cả trạm y tế đều là F0 như phường Thanh Xuân Bắc, Trung Văn… Ngoài ra, rất nhiều trạm y tế khác đều có nhân viên y tế nhiễm COVID-19, nhiều trạm tỷ lệ nhiễm chiếm đến 50-60%, thậm chí 90% như phường Mai Động. Tại Trạm Y tế phường Bưởi, khi nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 quá nhiều, hết nhân lực đã phải huy động và tập huấn cho cán bộ UBND phường lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại trạm y tế lưu động.

Những ca cấp cứu xuyên đêm

“Alo! Chị ơi xuống giúp gia đình em với, mẹ em nhất quyết không chịu đi viện”. Cuộc điện thoại của con gái cụ bà hơn 80 tuổi cầu cứu bác sĩ Huệ. Qua điện thoại, chị thuyết phục một hồi, nhưng cụ bà vẫn nhất quyết: “Tôi là bác sĩ, nhà tôi có bình oxy, không cần đi viện”… Đây là những cuộc điện thoại lúc nửa đêm mà BS Huệ thường nhận, đặc biệt nhiều trong thời điểm “cam go” khi cả trạm y tế là F0. Cụ bà bị ung thư, bệnh chuyển biến nặng nhưng gia đình thuyết phục thế nào cũng không đi viện. Với trường hợp này, chị Huệ phải xuống tận nơi thuyết phục, phân tích phải trái không được, thậm chí phải “dọa” cuối cùng cụ mới đi viện.

Dịch lên đỉnh, bác sĩ F0 điều trị bệnh nhân F0 -0

Những ca cấp cứu xuyên đêm của nhân viên y tế phường Đồng Tâm.

Mới đây thôi, có hai ông bà cao tuổi sống một mình, sau khi nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà, bà có bệnh nền, hàng ngày con đưa cơm chỉ treo ở cửa. Đến ngày thứ 4, hai ông bà bị mệt, hạ đường xuyết, bà ngất xỉu trong nhà vệ sinh, ông gọi điện đến y tế phường. Bác sĩ Huệ và 1 nhân viên y tế vội vàng đến nơi, “phá cửa” để vào nhà, cho bà thở oxy, ăn cháo, uống sữa, một lát sau bà mới tỉnh lại.

BS Huệ cho biết, trong quá trình tiếp nhận, tư vấn, điều trị cho F0, có nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười”. Có cụ cao tuổi, bệnh nền nặng, xét nghiệm dương tính nhất quyết không đi viện. Ngày đầu phát hiện dương tính, cấp thuốc kháng virus, cụ uống vào rất khỏe. Nhưng đến ngày thứ 3, bệnh nặng lên và nhập viện, 1 tuần sau thì cụ mất. Có cụ không chịu uống thuốc, không chịu ăn, con của cụ gọi điện cho nhân viên y tế, phải “dỗ dành”, thậm chí “dọa” cụ mới ăn. Có cụ nhân viên y tế ngày nào cũng phải điện thoại dỗ “bà đã ăn chưa, bà uống sữa vào nhé, ăn nhiều cơm vào mới mau khỏe” như dỗ… trẻ con.

Hay có cuộc điện thoại các chị nhận được vừa alo, bên kia gắt “tại sao các cô không qua nhà test cho tôi”. “Những lúc ấy chúng tôi đều phải giải thích, dân họ hiểu và đều thương nhân viên y tế. Có cụ 90 tuổi được cấp cứu chuyển viện kịp thời, khi khỏi bệnh, con của cụ đã điện thoại đến trạm cảm ơn: “Chị Huệ ơi em cảm ơn chị, bố em đã từ cõi chết trở về”. Khi biết cả Trạm Y tế phường là F0, người dân ra cho chuối, bánh, lạc… Chúng tôi cảm động lắm”, BS Huệ kể lại.

Theo thống kê, từ tháng 1 đến nay, phường Đồng Tâm ghi nhận 2.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó đã có 900 người khỏi bệnh, số còn lại đang điều trị tại nhà. Thời gian qua, có nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng tại phường nhờ chuyển tuyến kịp thời đã được cứu sống, thoát khỏi nguy hiểm, xuất viện về với gia đình. Nhưng bên cạnh đó, cũng có 6 trường hợp tử vong (từ tháng 1 đến nay) đều là người cao tuổi, có bệnh nền, có người chưa tiêm vaccine. Bên cạnh người dân có ý thức, vẫn còn một số trường hợp test dương tính nhưng không khai báo. Có người cao tuổi khi tử vong mới biết mắc COVID-19. Hoặc cũng có người không khai báo, đến khi bệnh nặng mới báo thì đã nguy kịch.

Cảnh báo F0 thiếu oxy “thầm lặng” Cảnh báo F0 thiếu oxy “thầm lặng”

Thiếu oxy thầm lặng ở bệnh nhân COVID-19 khiến bệnh nhân nhanh chóng suy hô hấp, nếu không được phát hiện kịp thời người bệnh ...

Ngày đăng: 14:58 | 16/03/2022

/ cand.com.vn