Gần 40 nước gia tăng kỷ lục số ca nhiễm COVID-19 trong tuần qua, tăng gần gấp đôi con số trong tuần trước - thống kê của Reuters cho thấy sự gia tăng đại dịch ở mọi khu vực trên thế giới.
Gia tăng kỷ lục số ca nhiễm mới
Tỷ lệ các ca nhiễm đang gia tăng không chỉ ở các quốc gia như Mỹ, Brazil và Ấn Độ - nơi chiếm phần lớn số ca COVID-19 trên toàn cầu với các ổ dịch lớn - mà còn ở Australia, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Bolivia, Sudan, Ethiopia, Bulgaria, Bỉ, Uzbekistan và Israel, cùng nhiều nước khác.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia nơi giới chức nới lỏng các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội sớm hơn, đang trải qua đỉnh dịch thứ hai, chỉ hơn một tháng sau khi ghi nhận đỉnh dịch đầu tiên.
“Chúng ta sẽ không trở lại với tình trạng “bình thường cũ”. Đại dịch đã thay đổi cách chúng ta sống. Chúng tôi yêu cầu tất cả mọi người quyết định về nơi họ đi, những gì họ làm và những người họ gặp như những quyết định sinh tử - bởi vì thực tế đúng là như vậy” - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong tuần trước.
Dữ liệu của Reuters, được tổng hợp từ các báo cáo chính thức, cho thấy sự gia tăng ổn định số lượng quốc gia báo cáo mức tăng kỷ lục hàng ngày về số ca COVID-19 trong tháng qua: 3 tuần trước có ít nhất 7 quốc gia đã ghi nhận mức tăng như vậy; 2 tuần trước tăng lên ít nhất 13 quốc gia; 1 tuần trước chạm mức 20 quốc gia; và trong tuần qua lên tới 37 nước.
Các chuyên gia y tế và các quan chức cho biết, con số thực sự của cả số ca nhiễm và số ca tử vong gần như chắc chắn thấp hơn số liệu được báo cáo, đặc biệt là ở các nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe kém hơn. Sự gia tăng số ca nhiễm thường đi trước sự gia tăng số ca tử vong trong một vài tuần.
Mỹ vẫn đứng đầu danh sách số ca nhiễm, tuần qua đã vượt hơn 4,3 triệu ca và ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong hàng ngày trong 4 ngày liên tiếp, nâng tổng số ca tử vong lên tới gần 150.000 ca.
"Chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy tình hình gia tăng COVID-19 đáng lo ngại trong 4 tuần qua ở 4 tiểu bang Texas, California, Arizona và Florida, cùng những thành phố lớn và khắp các quận của họ", bác sĩ Deborah Birx, điều phối viên về ứng phó COVID-19 trong nhóm chuyên trách đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng, cho biết.
Trong khi đó, Brazil và Ấn Độ - 2 nước mà các nhà dịch tễ học cho biết vẫn còn nhiều tháng nữa mới đạt đến đỉnh dịch - cũng đã vượt quá 1 triệu ca mắc COVID-19
Làn sóng COVID-19 thứ hai
Dữ liệu cho thấy số lượng các trường hợp nhiễm COVID-19 ngày càng tăng ở các quốc gia tại tất cả các khu vực.
Australia đã trải qua ngày chết chóc nhất do COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát, với 10 ca tử vong trong ngày 26.7, trong khi số ca nhiễm mới vẫn tăng cao bất chấp nỗ lực hạn chế. Theo nguồn tin từ AFP, tổng số người chết do mắc COVID-19 ở Australia đã tăng lên 155 người. Tại tiểu bang Victoria, hơn 450 ca nhiễm mới đã được báo cáo trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn Australia lên hơn 14.400 ca.
Australia đã tránh được những hậu quả nặng nề và đáng tiếc do COVID-19 so với nhiều nước trên thế giới, với tổng cộng chỉ 14.000 ca mắc COVID-19. Nhưng làn sóng bùng phát thứ hai đang tiếp tục diễn ra ở nước này. Hiện số ca mắc mới COVID-19 ở Australia vẫn duy trì ở mức cao trong những ngày gần đây, mặc dù 5 triệu người dân ở thành phố Melbourne, điểm nóng COVID-19 ở nước này, đã trải qua 2 tuần phong tỏa.
Cùng với Australia, Nhật Bản cũng gia tăng đáng ngại số ca nhiễm trong tuần qua. Cả hai nước đều cảnh báo sự gia tăng các ca nhiễm ở những người trẻ tuổi, do nhiều người đã ăn mừng việc chấm dứt các hạn chế xã hội tại các quán bar và tham gia các buổi tiệc tùng.
Tại Mexico, nơi trải qua kỷ lục số ca nhiễm hàng ngày trong tuần qua và có số người chết cao thứ tư thế giới, các quan chức cảnh báo rằng, xu hướng giảm số ca nhiễm bắt đầu vào giữa tháng 6 - khoảng thời gian bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội - có thể bị đảo ngược.
Dựa trên tỷ lệ nhập viện trong tuần qua, Thị trưởng thành phố Mexico, bà Claudia Sheinbaum, cho biết, số người nhập viện vào tháng 10 có thể vượt quá con số trong tháng 6 - thời điểm đỉnh dịch. “Một điều quan trọng là phải nhận ra rằng, nếu chúng ta không thay đổi xu hướng, có thể số ca nhiễm sẽ gia tăng theo cấp số nhân” - bà Sheinbaum nói.
Ở Châu Âu, nơi kỳ nghỉ hè đang diễn ra sôi nổi, một con số kỷ lục mới hàng ngày ở Tây Ban Nha có khả năng ngăn cản khách du lịch lui tới một trong những điểm đến phổ biến nhất của lục địa già.
Tại Châu Phi, Kenya ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục, chưa đầy 2 tuần sau khi mở cửa trở lại, bao gồm cả các chuyến bay chở khách nội địa. Tổng thống Uhuru Kenyatta, người tuyên bố nối lại các chuyến bay quốc tế vào ngày 1.8, đã triệu tập các quan chức họp khẩn cấp vào ngày 27.7.
Tại Trung Đông, Oman áp đặt các hạn chế mới vào ngày 25.7, bên cạnh việc phong toả 2 tuần sau khi tăng mạnh các ca nhiễm mới.
Triều Tiên xuất hiện ca nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên là một người trở về từ Hàn Quốc. Ngày 25.7, nhà lãnh đạo Kim Jong-un triệu tập khẩn cuộc họp của Bộ Chính trị và ban bố "hệ thống khẩn cấp tối đa" chống COVID-19.
Tính đến 7h sáng 27.7 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới có hơn 16,39 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 651.000 ca tử vong, số ca hồi phục là hơn 10 triệu.
Ngọc Vân
Diễn biến dịch Covid-19 tại Nhật Bản diễn biến hết sức phức tạp
Việc một số địa phương ngoài Tokyo có số ca mới tăng đột biến khiến các chuyên gia lo ngại dịch Covid-19 sẽ tăng nhanh ... |
Dịch Covid-19 tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, số ca mới tăng mạnh
Đặc khu hành chính Hồng Kông, thành phố Đại Liên và Khu tự trị Tân Cương - 3 ổ dịch Covid-19 trong đợt bùng phát ... |
California vượt New York thành tâm dịch COVID-19 lớn nhất nước Mỹ
Số liệu thống kê của Reuters cho thấy California trong ngày 22/7 đã vượt qua New York để trở thành bang có số ca mắc ... |
Ngày đăng: 08:04 | 27/07/2020
/ laodong.vn