Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (COVID-19) đang ảnh hưởng tới cả thế giới. Đời sống chính trị xã hội ở Mỹ cũng không tránh khỏi bị tác động.
Ở nước Mỹ năm nay, chuyện chính trị xã hội nổi bật nhất là bầu cử tổng thống và quốc hội, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3.11 tới. Cuộc vận động tranh cử đang diễn ra rất sôi động. Người Mỹ và bên ngoài nước Mỹ để ý đến cuộc bầu cử tổng thống nhiều hơn cả.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump thuộc phe Đảng Cộng hoà chắc chắn sẽ được đảng này đề cử làm ứng cử viên chính thức và mấy ứng cử viên khác không có chút cơ may nào. Ở phía Đảng Dân chủ, hiện còn lại hai ứng cử viên là cựu Phó Tổng thống Joe Biden thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama, và thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Hai người này đang tranh giành đại biểu đi dự đại hội đảng Dân chủ đề cử ứng cử viên tổng thống cho đảng. Dịch bệnh mới làm đảo lộn kế hoạch và nội dung vận động tranh cử của họ và cũng còn đặt cả ông Donald Trump trước thách thức mới, nếu như không muốn nói là trước rủi ro lớn đối với triển vọng được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới. Cho nên cả ba người này bây giờ đều buộc phải thay đổi sách lược và buộc phải dành ưu tiên cao nhất cho chủ đề nội dung đối phó với dịch bệnh.
Dịch bệnh buộc họ phải huỷ bỏ nhiều hoạt động tranh cử trực tiếp và chuyển sang tăng cường vận động tranh cử trực tuyến. Sự khác biệt cơ bản giữa hai phe trên phương diện này là ông Donald Trump phải hành động cụ thể vì đang cầm quyền, trong khi hai người kia chỉ cần đưa ra ý tưởng giải pháp. Họ chỉ cần thuyết phục cử tri Mỹ tin vào tính khả thi và hiệu ứng thực tế của những ý tưởng đối phó với dịch bệnh của họ. Trong khi đó, ông Donald Trump lại phải có được kết quả cụ thể mà cử tri Mỹ có thể định tính và định lượng hoá được ở chỗ: Các biện pháp chính sách của ông Donald Trump và cộng sự có đẩy lùi được sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh hay không, có chấm dứt được dịch bệnh hay không, và lại còn đạt được cả hai kết quả này nhanh chóng hay chậm trễ trong thời gian tới.
Ấy là còn chưa kể đến việc ông Donald Trump sẽ thành công hay thất bại đến đâu trong việc xoay chuyển tình thế hiện tại đối với tăng trưởng kinh tế và thương mại ở Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Dịch bệnh đã tạo ra điểm dễ bị tổn thương mới ở nơi ông Donald Trump mà hai ứng cử viên tổng thống của phe Đảng Dân chủ giờ có thể nhằm vào để tấn công.
Hiện tại, họ có lý do để phê trách ông Donald Trump đã quá coi thường dịch bệnh, đã và đang xử lý chuyện này trong lúng túng, bị động và hỗn loạn. Họ luận giải ra từ đó là ông Donald Trump không chỉ sai lầm trong biện pháp chính sách mà còn không có đủ năng lực thực tế để xử lý khủng hoảng. Dịch bệnh này đã ít nhiều thu hẹp khoảng cách về khác biệt quan điểm giữa ông Biden và ông Sanders. Trên phương diện này, hai người kia vừa có sự đồng thuận quan điểm khá sâu rộng, lại vừa ý thức được rằng chỉ như thế mới đáp ứng được mong muốn của phe Đảng Dân chủ và mong đợi chung của cử tri Mỹ.
Đối với ông Donald Trump, dịch bệnh này là cơ hội để bứt phá cho bền vững thêm cơ may được tái đắc cử tổng thống, nhưng cũng đồng thời là mối nguy hiểm lớn nhất cho cơ may ấy. Ông Donald Trump lại còn phải chạy đua với thời gian trên thực tế. Nếu từ nay cho tới ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ mà ông Donald Trump không xử lý được ổn thoả cuộc khủng hoảng dịch bệnh này, và đồng thời không tạo ra được chiều hướng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ được phục hồi, thì việc bị thất cử hoàn toàn có khả năng sẽ xảy ra.
Trong xử lý khủng hoảng quốc gia, người cầm quyền có nhiều lợi thế đặc biệt, nhưng nếu không xử lý được khủng hoảng thì tai hại cũng sẽ vô cùng lớn và chẳng khác gì giúp cho đối thủ chính trị của ông Donald Trump ghi bàn giành về phần thắng.
Ngạc Ngư
62 người chết, hơn 3.200 người nhiễm SARS-CoV-2 ở Mỹ
Tính tới 15/3 (giờ Mỹ) Mỹ đã có 62 trường hợp tử vong và hơn 3.200 người nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch ... |
Việt Nam không bao giờ ‘thả nổi’ dịch Covid-19
Dịch có chiều hướng diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam không thả nổi, quan điểm là phát hiện dịch đến đâu, quây gọn đến ... |
Chính sách nhập xuất cảnh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19
Việt Nam tạm thời chưa cho nhập cảnh người nước ngoài đến từ hoặc đã đi qua các nước Schengen, Anh và Bắc Ireland trong ... |
Ngày đăng: 08:03 | 16/03/2020
/ laodong.vn