Ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các sự cố liên quan đến voi tại khu định cư dành cho người tị nạn Kutupalong-Balukhali ở Bangladesh, theo Cơ quan Người tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) hôm 6-3.
UNHCR cho biết vụ việc mới nhất xảy ra hồi tuần trước, nạn nhân là một cậu bé 12 tuổi.
Kể từ khi người tị nạn Rohingya từ Myanmar đổ vào Bangladesh cách đây hơn 6 tháng, đã có ít nhất 10 người bị voi giết chết ở Kutupalong-Balukhali.
Khu vực chứa khoảng 560.000 người tị nạn này nằm dọc tuyến đường di chuyển thường xuyên của những con voi châu Á, giữa Myanmar và Bangladesh. Đây là loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Bangladesh với số lượng chỉ còn 268 con.
Một con voi đi qua khu định cư Kutupalong-Balukhali hôm 22-2. Ảnh: Dhaka Tribune
"Về mặt hành vi, voi luôn di chuyển theo các tuyến đường và hành lang định sẵn. Nếu gặp bất kỳ trở ngại nào, chúng sẽ tìm cách ‘dọn dẹp’ nó" – Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ở Bangladesh cho biết và ước tính có tới 45 con voi đang lảng vảng xung quanh khu định cư Kutupalong-Balukhali.
Tổ chức này cũng cảnh báo số lượng voi xuất hiện trong những ngày tới sẽ tăng lên vì chúng phải tìm thức ăn vào mùa khô.
Hiện IUCN và UNHCR đang hợp tác để giảm thiểu các sự cố liên quan đến voi trong khu vực người tị nạn sinh sống ở Bangladesh.
Họ sẽ làm việc với cộng đồng địa phương và người tị nạn cùng sự hỗ trợ của Cục Lâm nghiệp Bangladesh và Văn phòng Cứu trợ Người tị nạn (RRRC).
Hai mẹ con cô Rehang Khatun tại Kutupalong-Balukhali. Ảnh: Reuters
Các biện pháp trước mắt bao gồm đặt trạm gác ở những địa điểm quan trọng và thành lập Nhóm Phản ứng các sự cố liên quan đến voi, trong đó đào tạo 10 tình nguyện viên là người tị nạn để bảo vệ khu vực.
Ngoài ra, các tuyến đường và hành lang mà voi thường xuyên qua lại cũng được đánh dấu rõ ràng để mọi người phòng tránh.
IUCN còn làm việc với các chuyên gia về voi để tạo ra một hành lang cho loài động vật này có thể di chuyển an toàn, tránh đụng độ con người.
Trong khi đó, Myanmar và Bangladesh vừa công bố một kế hoạch tạm thời cho người Hồi giáo Rohingya, cho phép họ trở về nhà ở bang Rakhine, phía Bắc Myanmar. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền và LHQ cảnh báo những điều kiện trong kế hoạch này vẫn gây tranh cãi.
Cuộc sống đầy nguy cơ của người tị nạn Rohingya ở biên giới Bangladesh
Hàng trăm nghìn người Rohingya đang sống thiếu thốn trong các trại tị nạn có nguy cơ bị lũ lụt ở biên giới Bangladesh. |
Ấn Độ thắt chặt an ninh tại khu vực biên giới với Bangladesh
Nhà chức trách tại bang Assam thuộc miền Đông Bắc Ấn Độ đã thắt chặt an ninh dọc biên giới với Bangladesh nhằm ngăn chặn ... |
Ngày đăng: 14:47 | 07/03/2018
/ http://nld.com.vn