Tháng 9/2020, Trump tuyên bố về "buổi bình minh của một Trung Đông mới" sau lễ ký Hiệp ước Abraham, nhưng viễn cảnh này giờ đã tan biến.
"Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng tôi đã đánh dấu buổi bình minh của một Trung Đông mới. Cùng nhau, các thỏa thuận này sẽ đóng vai trò là nền tảng cho nền hòa bình toàn diện trên cả khu vực", Donald Trump, tổng thống thứ 45 của Mỹ, phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15/9/2020.
Thỏa thuận mà Trump đề cập chính là Hiệp ước Abraham được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ký với Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed al-Nahyan và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Al Zayani, giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel với hai nước này.
Dưới vai trò trung gian của Trump, UAE và Bahrain lần lượt trở thành quốc gia Arab thứ ba và thứ tư bình thường hóa quan hệ với Israel, sau khi quốc gia Do Thái ký hiệp ước hòa bình với Ai Cập vào năm 1979 và Jordan năm 1994. Đây được cho là thành tựu đối ngoại nổi bật nhất của Trump trong một nhiệm kỳ đầy tranh cãi.
Từ trái sang: Thủ tướng Israel Netanyahu, tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Bahrain Al Zayani và Ngoại trưởng UAE al-Nahyan tại Nhà Trắng sau lễ ký các Hiệp định Abraham hồi tháng 9/2020. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, 8 tháng sau, những cuộc đụng độ dữ dội giữa người Israel và Palestine khiến thực tế trở nên rõ ràng về di sản đối ngoại của Trump, rằng không có "hòa bình", cũng không có "Trung Đông mới" nào, bình luận viên Max Boot của Washington Post nhận định.
"Trung Đông vẫn là một khu vực đầy biến động và đẫm máu như ngày nào. Hiệp ước Abraham là điều tốt đẹp, nhưng chúng không giúp ích gì trong việc giải quyết những xung đột tiềm ẩn ở Yemen, Syria, Libya, hay Bờ Tây và Dải Gaza", Boot nêu ý kiến.
Căng thẳng giữa Israel và Palestine gần đây lại bùng phát thành bạo lực, khi phong trào Hồi giáo Hamas phóng hàng loạt rocket từ Dải Gaza về phía lãnh thổ Israel, dẫn đến việc nước này đáp trả bằng cách tiến hành hàng loạt vụ không kích nhằm vào lực lượng Hamas. Đây được cho là cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất giữa Hamas và Israel kể từ năm 2014, khiến hàng trăm người từ hai phía thương vong.
Theo Boot, nguyên nhân trực tiếp nhất làm bùng phát xung đột hiện nay là việc Israel tiếp tục nỗ lực giành đất của người Palestine tại Đông Jerusalem và Bờ Tây. "Trump đã khuyến khích hành động này, với sự ủng hộ hoàn toàn và vững chắc dành cho Thủ tướng Netanyahu, lãnh đạo cũng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu", bình luận viên đánh giá.
Hơn 9.200 ngôi nhà của người Israel đã được xây dựng ở Bờ Tây trong khoảng thời gian Trump đương nhiệm, khi Washington không đưa ra bất kỳ lời phản đối nào với hoạt động xây khu tái định cư của Israel. Khác với các tổng thống Mỹ trước đây, Trump không những không cố gắng kiềm chế Israel mở rộng đất, mà còn công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel, thậm chí cắt viện trợ cho người Palestine.
Trong Cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm được Đông Jerusalem, thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ thành phố, đồng thời chiếm cả Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Bán đảo Sinai. Bán đảo Sinai sau đó được trao trả cho Ai Cập vào năm 1979, nhưng Israel vẫn kiểm soát hoàn toàn Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan.
Vị trí của Jerusalem. Đồ họa: Straits Times. |
Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt của mình. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc coi Đông Jerusalem, Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Dải Gaza là những vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng bất hợp pháp. Với tình trạng này, người Palestine được hưởng quyền tự trị hạn chế tại Dải Gaza và vài phần Bờ Tây.
Mâu thuẫn gia tăng gần đây, khi Nahalat Shimon, tổ chức cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc tại Israel, tìm cách đẩy thêm nhiều gia đình Palestine khỏi nơi cư trú lâu dài của họ tại Đông Jerusalem, lấy chỗ định cư cho người Do Thái.
Người Palestine coi nỗ lực trục xuất này là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Israel nhằm thiết lập quyền kiểm soát vững chắc Đông Jerusalem, để vùng đất này không bao giờ có thể trở thành thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai.
Bình luận viên Boot cho rằng Trump đã khiến vấn đề trầm trọng hơn khi chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, động thái bị coi là ngầm thừa nhận chủ quyền của Israel với toàn bộ thành phố. Những động thái của Trump khiến người Palestine cảm thấy như bị gạt ra bên lề và triển vọng "hai nhà nước" để lập lại hòa bình ngày càng trở nên xa vời.
Cơn thịnh nộ của người Palestine, và cả những người Arab tại Israel, dẫn đến cuộc đụng độ với cảnh sát Israel tại Đông Jerusalem nhiều tuần qua. Các sĩ quan Israel tuần trước xông vào nhà thờ Al Aqsa, một trong những nơi linh thiêng nhất của đạo Hồi, bắn đạn cao su và ném lựu đạn choáng, trong khi các thanh niên Palestine ném đá vào họ. Diễn biến này được cho là đã tạo ra cái cớ hoàn hảo để phong trào Hồi giáo Hamas can thiệp, dưới danh nghĩa bảo vệ quyền lợi của người Palestine ở Jerusalem.
"Tuy nhiên, bất chấp tính chính đáng trong việc người Palestine kháng cáo về quyền sở hữu đất đai của mình ở Đông Jerusalem, không điều gì có thể biện minh cho hành vi phóng rocket bừa bãi vào các khu dân cư Israel của Hamas. Đây là một tội ác chiến tranh mà Israel hoàn toàn có lý do để đáp trả", Boot đánh giá.
Cũng theo bình luận viên này, cả ba bên là phong trào Hamas, Palestine và Israel, đều không chịu hy sinh bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhất, vì mục tiêu hòa bình. Bất chấp những cải tổ hồi năm 2017, Hamas vẫn thề xóa sổ Israel. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẵn sàng hợp tác với Israel, nhưng không đồng ý ký thỏa thuận từ bỏ các yêu sách của Palestine, như "quyền được quay trở lại".
"Trước cuộc xung đột không hồi kết này, điều tốt nhất mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể làm là cố gắng hạ nhiệt và làm trung gian để hai bên ngừng bắn. Washington có thể bắt đầu bằng việc nhanh chóng bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại Israel và tái mở cửa lãnh sự quán ở Đông Jerusalem, nhằm tiếp cận người Palestine", Boot cho biết.
Mặc dù vậy, bình luận viên này nhận định khả năng thành công của các cuộc đàm phán hòa bình vẫn xa vời, khi xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas vẫn tiềm ẩn nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)
Lực lượng Hamas đóng vai trò gì ở dải Gaza?
Nguy cơ chiến tranh toàn diện Israel - Palestine cận kề, trong khi Israel có khả năng đưa quân tới dải Gaza, Hamas là lực ... |
Đòn tập kích phơi bày lỗ hổng lá chắn "Vòm sắt" Israel
Hamas tấn công ồ ạt bằng rocket giá rẻ nhằm gây quá tải hệ thống Vòm sắt, gây tổn hại về tài chính cũng như ... |
Ngày đăng: 08:20 | 14/05/2021
/ vnexpress.net