Việt Nam được coi là “cường quốc” di sản. Mới đây, cùng với việc nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ, hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đã có 20 di sản thế giới tại Việt Nam. Cùng với đó, tính tới tháng 6 năm nay, cả nước có tới 221 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tự hào về di sản cha ông để lại, thiên nhiên ban tặng, tuy nhiên vấn đề đặt ra là phát huy giá trị di sản sau khi
Mùa xuân về trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), di sản thiên nhiên thế giớ. (Nguồn: Internet).
Di sản của Việt Nam được UNESCO tôn vinh bao gồm nhiều loại Di sản thiên nhiên, trong đó có vịnh Hạ Long, vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cao nguyên đá Đồng Văn. Di sản văn hóa vật thể gồm quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, khi di tích Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ. Di sản văn hóa phi vật thể gồm Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca Quan họ, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử, ví giặm Nghệ Tĩnh, Bài Chòi Trung bộ. Di sản tư liệu thế giới gồm Mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn. Di sản văn hóa hỗn hợp có quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).
Như vậy, việc UNESCO công nhận di tích tầm thế giới của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, cho thấy sự phong phú, đầy màu sắc của di sản Việt Nam. Còn đối với hơn 200 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận bởi Bộ VHTTDL, người ta cũng có thể thấy rất nhiều di sản, di tích mà tên tuổi được thừa nhận một cách rộng rãi.
Tự hào về một “cường quốc” di sản, lại càng thấy trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lõi, giá trị cổ điển tự thân của những di sản đó.
Về việc này, không thể không nói tới khía cạnh tôn tạo di sản. Việc bảo vệ và tôn tạo di tích, di sản là đương nhiên vì theo thời gian đã bị xuống cấp, trong đó không ít di tích sẽ biến mất nếu không được trung tu, tôn tạo. Nhưng, vấn đề là tôn tạo cách nào, tôn tạo như thế nào chứ không phải là sửa chữa, trùng tu một cách vội vã hấp tấp, bất chấp những giá trị cổ điển mà thay vào đó những giá trị mới của ngày hôm nay. Thực tế cho thấy, không ít di tích khi được tôn tạo đã bị “trẻ hóa”, đến độ không còn nhận ra được hình hài, dẫn tới sự phản cảm.
Còn nhớ, cách đây chưa lâu, việc người ta hạ giải để sửa chữa lại một phần của chùa Trăm Gian (Hà Nội), những người trong giới kiến trúc, nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã phải giật mình thảng thốt. Cũng chưa hẳn nhiều người đã quên việc UNESCO từng lên tiếng cảnh báo rằng nếu vịnh Hạ Long vẫn tiếp tục ô nhiễm, tiếp tục bị lấn thì sẽ tước danh hiệu. Nếu như vậy thì thật đáng buồn và thật đáng trách. Nhưng, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?
Những ai từng đến khi di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) thì đều hết sức khâm phục cách tôn tạo di tích ở đây. Nhiều chục năm qua, các chuyên gia trong lĩnh vực này của Ba Lan đã tỉ mỉ với từng viên gạch, từng miếng đá vỡ để phục dựng lại gần với nguyên gốc nhất. Đó chính là cách ứng xử hết sức cần thiết với di sản, nhưng tiếc thay điều đó còn quá ít.
Với những di sản văn hóa phi vật thể, người ta cũng không khỏi cảm thấy lo lắng. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hiện nay ra sao khi mà rừng bị mất, những mái nhà rông, nhà dài đang trôi chìm vào dĩ vãng; những chiếc cồng, chiếc chiêng quý giá bị đem bán như một vật phẩm thông thường. Rồi còn hát xoan, hát quan họ, ví giặm... có được diễn ra trong cuộc sống cộng đồng hay là đã và đang tiếp tục bị sân khấu hóa?
Một điều cũng khiến không ít người băn khoăn nữa là việc kết hợp du lịch với văn hóa di sản, khai thác di sản trong hoạt động du lịch. Đất nước của di sản, vì thế di sản phải được phát huy trong hoạt động du lịch. Nhưng không phải lúc nào, ở đâu việc đó cũng được làm tốt, làm đúng. Màn quan họ mời trầu có lúc đã bị lạm dụng, biến thành một màn tiêu khiển khiến những người có tâm với văn hóa, những cư dân của các làng quan họ hai bên bờ sông Đuống bất bình.
Nhân đây, cũng xin nói chút ít về phiên chợ tình Sa Pa (Lào Cai). Những ai từng chứng kiến phiên chợ này trước đây chừng hơn mười năm trở về trước đều cảm thấy hết sức thú vị. Trong đêm, sương giăng mù mịt, những cây sa mộc trầm tư. Đó đây văng vẳng tiếng khèn. Và những đôi trẻ người Mông, người Dao trao cho nhau những tình cảm tốt lành một cách tự nhiên. Nhưng rồi, theo thời gian, người ta đã biến phiên chợ tình Sa Pa nổi tiếng này thành một cái gì đó giống như một màn trình diễn vào đêm cuối tuần. Ở đó cũng có vài ba người đàn ông xoay mình trong tiếng khèn, và có rất nhiều hàng quán ăn uống, rất nhiều người mang thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ đi bán dạo. Nhưng chất lượng của những sản phẩm văn hóa ấy như thế nào mới là điều đáng bàn. Trong rất nhiều vật phẩm ấy thì “hàng nhái” chiếm đa số.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã từng lo ngại về việc phát triển du lịch nóng, phát triển thiều cân nhắc, hay nói đúng hơn là sai hướng nên đã làm sai lạc, làm hỏng giá trị văn hóa truyền thống. Ở ta, điều đó cũng có và nguy cơ còn lan rộng hơn. Đã đến lúc phải lên tiếng cảnh báo nghiêm túc về việc này. Phát triển du lịch trên cơ sở gắn kết với di sản văn hóa phải được tiến hành một cách cẩn trọng, không thể tùy tiện lại càng không thể thương mại hóa di sản.
Mặt khác, cũng không thể không lưu ý đến việc sau khi cố công lập hồ sơ để trình xét di sản, được phong tặng rồi thì lại coi như thế là xong. Không ít di sản văn hóa phi vật thể tiếng thì to nhưng trên thực tế rất ít có hoạt động trong cộng đồng, vì thế cũng không được cộng đồng tôn trọng. Xuân thu nhị kỳ, năm mới đến hay là lễ hội mới mang ra trình diễn thì liệu đó có phải là phát huy giá trị di sản hay không?
Cắn răng phá nhà cổ Đường Lâm Đầu tháng 12 này, bà Kiều Thị Thảo (thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã thuê cả một hiệp ... |
Điểm mặt các di sản ở Việt Nam được UNESCO vinh danh Việt Nam hiện có 23 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và thiên nhiên được UNESCO vinh danh; hàng vạn di tích ... |
Ngày đăng: 08:00 | 10/12/2017
/ Đại đoàn kết