Đa số ý kiến các nhà KTS, khoa học đều khẳng định không thể di dời sân bay Đà Nẵng lên bán đảo Sơn Trà.
Sân bay Đà Nẵng là linh hồn phát triển
Tại hội thảo Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP.Đà Nẵng do Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN tổ chức, ngày 8/9, ở TP.Đà Nẵng, KTS Trương Văn Quảng - Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN kiến nghị nên lấy một mỏm Sơn Trà để làm sân bay cho thành phố.
Theo ông, trên thế giới có nhiều mô hình sân bay xây dựng trên biển rất thành công như sân bay Kansai (Nhật Bản) xây dựng trên đảo nhân tạo 511ha trên vịnh Osaka, cách đất liền khoảng 5km. Hoặc sân bay Hồng Kông xây dựng bằng cách san bằng một quá núi, rồi dùng đất đá đó đắp nền lấn ra biển…
Nếu chọn vị trí ở mõm Sơn Trà, nghiên cứu kỹ thì có thể đáp ứng việc vừa di dời sân bay Đà Nẵng đến vị trí mới không xa lắm, vừa tổ chức được trung tâm tâm dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị…có đẳng cấp.
Trước kiến nghị trên, chia sẻ với Đất Việt, KTS Phan Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết: "Bản thân tôi có tham gia hội thảo trên, tại đây có nhiều ý kiến khác nhau về định hướng phát triển trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Trong đó, có một số chuyên gia cho rằng, để có đất làm đô thị thì di dời sân bay ra khỏi trung tâm là có thêm mấy trăm ha. Nhưng không ai lại di dời sân bay vì nếu không có sân bay thì làm sao trở thành trung tâm trung chuyển cho khách du lịch, sao phát triển kinh tế? Nhất là khi sân bay Đà Nẵng đang là một lợi thế phát triển nhiều mặt của thành phố".
Đề xuất lấy một mỏm núi Sơn Trà để xây dựng sân bay thành phố Đà Nẵng
Phân tích rõ thêm, theo vị KTS trên, từ trước đến nay, đã có những khẳng định phải bảo tồn nguyên vẹn giá trị thiên nhiên đặc thù của Đà Nẵng núi, sông, biển, đồng bằng.
Thời gian qua, chúng ta đã khai thác cạn kiệt các giá trị tài nguyên, tác động thiên nhiên quá mức. Biển đã xây dựng các resort, khai thác các bán đảo, các dãy núi bị xâm hại nghiêm trọng tiêu biểu là Sơn Trà...
Chúng ta đã từng kiến nghị thành phố phải chú ý vấn đề phát triển trong đó bảo tồn giá trị tự nhiên không sẽ phải trả giá và Sơn Trà là một nơi không được tác động.
Còn các vấn đề về tác động đến vịnh Đà Nẵng đều được kiến nghị loại bỏ vì vịnh rất nhỏ, có thể phát triển quần thể kiến trúc theo mặt chung của vịnh, nhưng tác động tới mặt biển, hệ sinh thái của vịnh là không được.
Và chắc chắn không có chuyện di dời sân bay thành phố, trong giai đoạn trước mắt từ nay tới 2045, sân bay Đà Nẵng vẫn là sân bay chính của thành phố, tác động phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất 18-20 triệu hành khách/năm.
Trong thời gian trên, song song tìm khu đất định hướng cho sân bay mới. Có 2 luồng ý kiến: di dời sân bay Đà Nẵng về sân bay Chu Lai (Quảng Nam) nhưng một số lại cho rằng nơi này thì quá xa, cách trung tâm thành phố 100km, nên cho dù phát triển đường cao tốc, phương tiện giao thông tốc độ cao đi nữa, thì vẫn hạn chế các nhà đầu tư đến Đà Nẵng.
Vì thời gian đi lại còn tắc đường, các trục trặc phát sinh, các thủ tục, máy bay chậm chuyến...nhà đầu tư họ sẽ không thể sử dụng thời gian như vậy.
Phương án 2 là khu vực Trãng Nhật, thời chế độ cũ, Nhật Bản đến xâm lược họ cũng tính toán đến địa điểm này, vị trí bằng phẳng, cách Đà Nẵng chỉ 20km đổ lại. Nếu trong tương lai có thể nghĩ tới địa điểm trên.
Phương án trên thì cũng khá hợp lý, giữa vùng Quảng Nam - Đà Nẵng tồn tại một sân bay Chu Lai cho nội địa và sân bay mới phù hợp phát triển vùng, các vùng phụ cận.
Chỉ nên cách trung tâm thành phố từ 50km đổ lại
Một góc độ khác được KTS Phan Đức Hải quan tâm, đó chính là, tất cả các ý tưởng lấn biển sẽ không được đồng tình, vì tác động tới nhiều khu chức năng khác như cảng biển, các khu du lịch.
"Tôi khẳng định từ nay đến 2045 vẫn phải tồn tại sân bay Đà Nẵng, phát triển đảm bảo nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa, với 18-20 triệu hành khách/năm. Nghiên cứu đất đai trong sân bay để khai thác, phát triển hiệu quả kinh tế thành phố.
Một góc sân bay Đà Nẵng. Ảnh VOV
Để sân bay tác động hiệu quả thì phải kết nối hệ thống giao thông hiện đại và nhiều tầng, giao thông công cộng sẽ đem tới hiệu quả phát triển kinh tế Đà Nẵng rất lớn.
Đồng thời, trong thời gian quy hoạch nên nghiên cứu vị trí xây cho thành phố sân bay lớn hơn. Theo nguyên lý sân bay nếu lấy Đà Nẵng làm trung tâm vùng thì không xa hơn 50km để thuận lợi cho du khách, người dân đến du lịch, làm việc tại đây.
Phải xác định để làm sân bay thì cần đến rất nhiều diện tích đất từ 800-1000ha đất, đương nhiên phải nghiên cứu vị trí không tránh khỏi đất dân cư, các khu đất chức năng khác.
Nhưng nhất định không phải là Sơn Trà, bởi vì ngoài sân bay còn đường xá, bãi xe, các công trình phụ trợ khác sẽ tác động đến rừng sinh thái Sơn Trà.
Di dời sân bay Đà Nẵng lên Sơn Trà: Rất không ổn!
Về cơ sở khoa học, cơ sở sinh thái, đề xuất làm sân bay Đà Nẵng trên bán đảo Sơn Trà là chuyện không thể, ... |
Di dời sân bay Đà Nẵng lên Sơn Trà: Không thể hiểu!
Việc di dời sân bay Đà Nẵng lên bán đảo Sơn Trà là ý tưởng điên rồ về mặt quy hoạch cũng như kỹ thuật ... |
Ngày đăng: 10:05 | 12/09/2018
/ http://baodatviet.vn