Cụm từ “Đi Bình Dương” nay đã thành phổ biến đối với người dân miệt Hậu Giang. Con không chịu học hành, mẹ đe “Tao cho mầy đi Bình Dương”; doanh nghiệp làm ăn trầy trật “Tôi chuẩn bị đi Bình Dương rồi chứ mần ăn chi”.
Khu công nghiệp Sóng Thần - Bình Dương thu hút rất nhiều lao động.
Chẳng biết cụm từ đi Bình Dương xuất hiện ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng lúc nào. Hỏi chẳng ai nhớ. Nhưng ai cũng trả lời rành mạch, rằng, từ khi làn sóng người dân miền Tây đi lao động tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Miền Đông đâu chỉ có Bình Dương, có cả Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh… Nhưng người dân gọi đi Bình Dương cho gọn.
Thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau trong 5 năm gần đây, trung bình hằng năm có đến 25.000 lao động bỏ xứ ra đi tìm việc ở các tỉnh miền Đông và TPHCM. Tại vùng quê được xem là trù phú của miền Tây có nơi đi cả gia đình.
Một anh bạn từ đất Huế vào Miền tây tỏ ra rất lạ lùng khi tại Ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, thanh niên trai tráng trong xóm rủ nhau đi Bình Dương lao động. Anh hỏi một người lớn tuổi trong xóm “Rứa ở ni không có việc làm sao mừ đi mô xa vậy”. Cô chủ nhà ngẩn ngơ hỏi tôi: “Cậu ấy từ nước Huế mới vào đây à?”. Anh bạn thắc mắc: “Nước Huế là nước gì thế anh?”. Tôi chẳng biết giải thích sao cho bạn hiểu nguồn cơn của từ “Nước Huế”, đành ậm ờ: “Thì tỉ như người ta đi lao động ở các tỉnh miền Đông và TPHCM mà cứ nói là đi Bình Dương vậy”.
Bình Dương giờ là “đất hứa” của người lao động. Nơi đây có mặt hầu hết người lao động trong cả nước, dĩ nhiên không thiếu dân miền Tây.
Miền Tây bây giờ không còn trù phú như trước nữa. Nhà nhà đối mặt với những rủi ro thời tiết, bao nhiêu người phá sản vì nuôi tôm sú, cá tra; nơi thiệt hại nặng nề bởi những cơn “bão khô” đi qua. Không đến mức bi quan, nhưng người trẻ ở những làng quê tìm việc ngày càng khó. Vậy thì “Đi Bình Dương”.
Nhưng câu cửa miệng ấy giờ còn đẻ thêm nhiều nghĩa khác. Hôm về quê, bà chị ruột mắng con: “Biếng học, chắc tao cho mày đi Bình Dương quá”. Tôi bảo: “Sao chị gọi con bằng mày, tao vậy”. Chị cười.
Buổi ngồi với các doanh nghiệp Bạc Liêu hỏi chuyện làm ăn. Một anh kinh doanh bất động sản chép miệng “khá cái gì, sắp đi Bình Dương đây”. Cả bàn cười ran. Có tiếng thở dài: “Đang biến đổi khí hậu, doanh nghiệp è lưng làm kè cống, điện gió, ông mà ngồi tán gẫu với chúng tôi hoài, có khi ông cũng dễ đi Bình Dương quá”.
Riêng gì nông dân, người trẻ ở những vùng quê, ngay cả doanh nghiệp, thậm chí cả viên chức, nhà báo, ở mảnh đất này đều có nguy cơ “Đi Bình Dương” như chơi...
Đi Bình Dương rồi liệu có bình yên?
Hàng loạt nạn nhân “kêu cứu” vì bị lừa đi xuất khẩu lao động Đã có 20 người lao động (NLĐ) tại địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ký đơn tập thể “kêu cứu” gửi đến Báo Lao ... |
Khi công chức lương thấp hơn công nhân “Nhìn lương mà tủi thân mình” - là chia sẻ của nhiều cán bộ công chức nhà nước ở TPHCM khi được hỏi về tiền ... |
Ngày đăng: 09:00 | 14/12/2017
/ Lao động