Hiệu phó Đinh Văn Tiến khẳng định không có chuyện trường từ chối trung tâm thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục.
Ngày 2/12, GS Đinh Văn Tiến, Hiệu phó Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo "đưa thông tin không chính xác" về việc trường không hợp tác để các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định và xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng.
Khoảng tháng 4/2017, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Đà Nẵng) điện thoại cho Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trao đổi về việc kiểm định. Tuy nhiên, theo Hiệu phó Tiến, thời điểm này trường đang thẩm định nội bộ nên chưa thể thực hiện đánh giá bên ngoài ngay.
Mặt khác, trung tâm kiểm định mà Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội muốn mời là Đại học Quốc gia Hà Nội. Đơn vị này, theo đánh giá của trường là "có chất lượng, uy tín hơn" và 10 năm trước từng giúp Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kiểm định chất lượng giáo dục.
| |
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Bá Đô. |
Sau khi gửi công văn trả lời tới Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng, tháng 6/2017 Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tiếp tục gửi công văn đến Bộ Giáo dục và Đào tạo để "nói rõ sự tình". Văn bản này nêu rõ trường "sẽ mời tổ chức đánh giá ngoài vào năm 2018", theo tiêu chuẩn mới Bộ đề ra ở Thông tư 12.
Hiệu phó Đinh Văn Tiến cho biết thêm, tháng 9 vừa qua đã làm việc với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội và gửi văn bản đề nghị họ thẩm định, xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng cho trường vào tháng 6/2018.
"Trong khi trường muốn nâng cao chất lượng kiểm định và hoàn toàn có quyền lựa chọn đơn vị kiểm định uy tín trong và ngoài nước thì Bộ Giáo dục lại đưa ra một thông báo không chính xác và thiếu tính xây dựng", GS Tiến chia sẻ.
Trước đó ngày 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông báo có 208 đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017. 24 cơ sở giáo dục đại học khác do được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15/4 nên được miễn thẩm định.
"Cá biệt có hai cơ sở giáo dục đại học là trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trường Đại học Tôn Đức Thắng không hợp tác để các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng", thông báo nêu.
Ngày 1/12, đại diện Đại học Tôn Đức Thắng đã bác bỏ kết luận này và lý giải "đã lựa chọn đơn vị kiểm định nước ngoài".
Ngày 27/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học năm 2017, thời hạn đến 30/6. Kết quả thẩm định là dữ liệu quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan, như: người học, nhà trường và cơ quan quản lý tham khảo. Bốn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Đà Nẵng) và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia TP HCM). Nội dung kiểm định gồm: diện tích đất, sàn xây dựng; thư viện, trung tâm học liệu; quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu. |
Không phân biệt bằng tại chức - bằng chính quy: Kiểm soát thế nào? Theo dự thảo Luật giáo dục ĐH sửa đổi, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, tới đây, các trường ĐH sẽ chỉ cấp ... |
Lương giáo viên hiện nay cao nhất gần 11 triệu đồng/tháng Theo báo cáo thực hiện chính sách tiền lương mới nhất của Bộ GDĐT, tổng thu nhập bình quân của giáo viên tại các cơ ... |
12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ: Chỉ để làm thương hiệu... Bất cứ trường Đại học nào muốn xây dựng thương hiệu cũng phải có đầu tư, đặc biệt về yếu tố con người, đào tạo ... |
Ngày đăng: 13:00 | 02/12/2017
/ VnExpress