Đề xuất cho cán bộ, công chức làm việc ở nhà được đưa ra khi thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, vậy những người ở địa phương này nói gì?

Cán bộ công chức Cục Thuế TP.HCM đang hướng dẫn người dân làm thủ tục ẢNH: Đ.N.T

Tại TP.HCM hiện có khoảng 120.000 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. 322 xã, phường, thị trấn của TP.HCM mỗi đơn vị bình quân có 40 công chức. Rất nhiều lãnh đạo các đơn vị đều cho rằng "khó khả thi" và có thể dẫn đến rối loạn trong hoạt động giải quyết thủ tục hành chính của người dân nếu cho công chức làm việc tại nhà.

Lý do, hầu hết tại các đơn vị, mỗi vị trí việc làm chỉ có một người, nếu ở nhà thì công việc hành chính không thể nào "chạy được". Đặc biệt, theo chủ trương chung, biên chế từ nay đến năm 2021 sẽ giảm 10%, đến khi đó mỗi đơn vị chỉ còn từ 32 - 34 công chức, làm việc theo hướng kiêm nhiệm (một người phụ trách làm nhiều việc), nếu vắng mặt ở cơ quan thì việc tiếp dân, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính khó kham nổi.

Ông Phạm Bảo Toàn, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND P.4 (Q.Phú Nhuận), chia sẻ: "Chính quyền cơ sở liên quan trực tiếp đến người dân, gần dân nhất nên trong nhiều vấn đề, nếu có phát sinh việc gì, chính quyền cơ sở thường là nơi tiếp dân đầu tiên, lắng nghe, giải quyết đầu tiên. Do vậy, thực tế bây giờ mỗi vị trí công việc chỉ có một công chức phụ trách, nếu vắng người đó rất là kẹt". Theo ông Toàn, chỉ khi nào chính quyền điện tử thật sự hoàn thiện trong vận hành tổ chức bộ máy, giảm tối đa việc quản lý kiểu hồ sơ giấy tờ như bây giờ, lúc đó mới có thể điều chỉnh phù hợp.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 19.11, ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc thường trực Sở Nội vụ, Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM, nói thẳng: "Trong điều kiện bây giờ, không thể nào cho phép công chức ở nhà làm việc". "Việc quản lý công chức của mình bây giờ còn nhiều bất cập, việc đánh giá theo định tính vẫn còn là một vấn nạn trong không ít cơ quan đơn vị. Công chức đến cơ quan làm việc mà còn quản lý không được hết, huống chi cho ở nhà. Cũng vì thiếu cơ chế quản lý khoa học nên việc kiểm soát hiệu quả, năng suất làm việc của công chức còn có vấn đề. Có tình trạng công chức đã đến cơ quan mà cứ trốn tránh ra ngoài hút thuốc, uống cà phê, khi lãnh đạo hỏi thì chống chế bảo là đi họp, có việc này nọ ở ngoài. Như vậy, nếu cho ở nhà làm việc thì kiểm soát, quản lý bằng cách nào, bởi nếu lỏng lẻo thì còn trì trệ nữa", ông Trung nhìn nhận.

Theo ông Lê Hoài Trung, thực ra các nước có nền hành chính hiện đại có thể cho viên chức nhà nước ở nhà làm việc mà vẫn đảm bảo hiệu quả rất cao, bộ máy vận hành trôi chảy. "Họ làm được như vậy vì họ đã hoàn thiện chính quyền điện tử, liên thông liên kết tốt, có cơ chế và công cụ kiểm soát chặt chẽ, ý thức viên chức tuân thủ quy định, trách nhiệm công việc cao, đánh giá hiệu quả giải quyết công việc bằng định lượng...", ông Trung nói. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng việc thay đổi lề lối làm việc của công chức bây giờ cần thiết phải tính toán triệt để nhằm có lộ trình cụ thể để triển khai, áp dụng trên thực tế. "Còn trong điều kiện quản lý bằng hồ sơ giấy tờ chiếm phần lớn như hiện nay thì đừng có kỳ vọng gì vào việc cho công chức ở nhà làm việc", ông Trung “chốt” lại.

Công chức các nước làm việc ra sao ?

Tính đến năm 2015, Mỹ đã có gần nửa triệu công chức liên bang được phép làm việc từ xa sau khi Tổng thống Barack Obama ký thông qua luật Gia tăng làm việc từ xa vào năm 2010. Tháng 6.2014, Anh cho phép mọi lao động đều có quyền đăng ký làm việc theo giờ giấc linh hoạt (bao gồm làm ở nhà). Còn tại Thụy Điển, các cơ quan ban ngành cấp quốc gia và địa phương có thể điều đình làm việc bán thời gian hoặc làm tại nhà. Tại Singapore, từ tháng 10.2017 chính phủ khuyến khích công bộc lẫn giới tư nhân áp dụng rộng rãi chính sách làm việc linh hoạt, như làm việc từ xa.

Công chức làm việc ở nhà, được không?

Đề xuất cho cán bộ, công chức làm việc ở nhà và tuần chỉ đến cơ quan 1 - 2 ngày đã dấy lên làn ...

Đề xuất cho cán bộ làm việc ở nhà, đến cơ quan 1-2 ngày/tuần

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng nhiều lĩnh vực cán bộ, công viên chức Nhà nước có thể chỉ ...

https://thanhnien.vn/thoi-su/den-co-quan-con-quan-ly-khong-duoc-het-huong-chi-cho-o-nha-901748.html

Ngày đăng: 10:20 | 20/11/2017

/ Thanh niên