Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn nếu đồng bọn của những kẻ “tù tại gia” đến giải cứu hoặc thủ tiêu ngay tại gia đình thì rất khó giải quyết những hệ luỵ sau đó.
Trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều.
Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) – Phó ban Dân nguyện đánh giá đề xuất này là một ý tưởng hay nhưng cần được nghiên cứu thấu đáo để tránh rất nhiều hệ luỵ có thể xảy ra.
Dại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).
- Sự khác nhau giữa “tù tại gia” và án treo là gì, thưa ông?
Tù mới là hình phạt, còn án treo không phải là hình phạt. Án treo có nghĩa là có một bản án đưa ra để cho người đó không phải chấp hành hình phạt tù giam, có điều kiện.
“Tù tại gia” có nghĩa là người đó vẫn phải tù giam nhưng địa điểm không phải trại giam mà bị giam tại gia đình.
“Tù tại gia” đã được Trung Quốc áp dụng. Ở đó có phòng giam, cũi để giam người tù tại nhà, giao cho người trong gia đình phải có trách nhiệm trông nom dưới sự giám sát của chính quyền. Đây là hình thức để giảm tải cho các trại tạm giam, trại giam của Nhà nước.
Thứ hai, việc này để chính bản thân gia đình phải có trách nhiệm đối với thành viên. Thứ ba, việc này tạo điều kiện cho gia đình không phải đi thăm nom, người nhà của phạm nhân chăm sóc phạm nhân luôn.
- Đề xuất của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc có phải là mới không, thưa ông?
Đề xuất này không phải đề xuất mới. Việc này đã được đưa ra bàn thảo trong quá trình thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Những vấn đề này các cơ quan tham mưu cũng đã đề cập đến. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản. Vì thế, cần phải có sự nghiên cứu sâu sắc cả những vấn đề trong nước và kinh nghiệm của nước ngoài. Nếu không, việc thực thi rất khó.
Nếu đối tượng có đồng bọn đến giải cứu hoặc thủ tiêu tại gia đình thì sao?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
- Vì sao việc thực thi rất khó, thưa ông?
Bởi nếu anh không có điều kiện cụ thể, gia đình tù nhân để xổng thì sao? Chìa khóa anh có thể cầm nhưng người ta phá khóa thì sao?
Thứ hai, đối tượng nào thì nên cho “tù tại gia”? Nếu đối tượng có đồng bọn đến giải cứu hoặc thủ tiêu tại gia đình thì sao? Chúng ta có thể thấy rất khó để xử lý vấn đề này.
Muốn áp dụng cách này cần có đề tài nghiên cứu khoa học, lấy ý kiến của nhiều nhà chuyên gia, khoa học thậm chí lấy ý kiến của người dân để đánh giá tác động, thậm chí lấy ý kiến cả những người đang thụ án tù xem quan điểm của người ta như thế nào, có mong muốn thế không.
Bởi ở trong trại người ta còn được học tập, giáo dục, học nghề, vậy ở đây người ta có được học nghề không?
Như vậy ở đây có nhiều vấn đề, không chỉ một câu nói mà thành một đạo luật được.
- Kinh nghiệm của các nước áp dụng “tù tại gia” thế nào, thưa ông?
Hiện nay tôi chỉ biết Trung Quốc có câu chuyện này vì đây là nước có lượng tù nhân lớn và muốn giảm chi phí của Nhà nước. Nhưng không phải mọi đối tượng được thi hành phương án đó, người ta cũng phân loại một số đối tượng nhất định. Đối tượng mắc tội nhẹ thì người ta mới cho đi tù như thế. Thứ hai là những đối tượng không nguy hiểm mới cho về nhà.
- Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không phù hợp với Việt Nam, bởi rất dễ tạo ra cuộc chạy đua để xin thoát tội thông qua việc “tù tại gia”?
Cái này rất khó, “tù tại gia” được mặt này nhưng không được mặt khác. Bởi có những gia đình không muốn chăm sóc thì sao? Không muốn nhận người này thì sao. Nhưng tôi nghĩ tình máu mủ bao giờ cũng vẫn hơn.
Vấn đề thứ hai, anh giảm tải cho khu vực Nhà nước nhưng lại đẩy vào gia đình. Bình thường việc quản lý người bị xử phạt là việc của Nhà nước, tại sao lại đẩy cho người nhà.
Nhà nước có cấp tiền cho gia đình đó không hay bắt gia đình tự chi trả. Nếu gia đình người ta xin thì lại là câu chuyện khác, còn gia đình người ta không xin anh có làm được phòng riêng để cho người đó không, quá trình quản lý thế nào, ai là người đánh giá người đó chấp hành hay không chấp hành tốt hình phạt.
Như vậy đây là một vấn đề rất lớn để tổ chức thi hành án hình sự, phải hết sức thận trọng, dù đây là đề xuất hay, phải nghiên cứu sâu sắc. Vì vậy, có những đề tài chúng ta nói ra thì được nhưng khi đưa vào thực thi thì phải dừng vì nảy sinh nhiều vấn đề.
- Những bức xúc xã hội có thể xảy ra thông qua việc “tù tại gia”, thưa ông?
Câu chuyện đó còn nhỏ hơn rất nhiều so với vấn đề tôi nói. Ví dụ trách nhiệm của Nhà nước đến đâu, việc đánh giá người đó đến đâu là cả vấn đề lớn. Câu chuyện cạnh tranh gia đình này với gia đình khác là còn đằng sau. Chúng ta bàn câu chuyện phía trước là những người thi hành đã. Còn câu chuyện các gia đình đương nhiên nảy sinh, sẽ có nghi kị rồi tố cáo nhưng còn là đằng sau.
Quan trọng nhất chúng ta phải xác định trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước đến đâu, của gia đình đến đâu. Phải chăng chúng ta đang đẩy toàn bộ trách nhiệm của Nhà nước cho gia đình? Giải quyết vấn đề này như thế nào? Khó chứ.
- Tỷ lệ phạm nhân, phân loại tội phạm được “tù tại gia” cũng rất khó xác định, thưa ông?
Câu chuyện này lại liên quan đến sự phân loại, mà phân loại lại là một đề tài lớn. Ví dụ có loại dưới 4 năm đã là tù treo rồi. Vậy anh lấy đến đâu? Thông thường trên 5 năm là tội rất nguy hiểm rồi. Anh giải quyết như thế nào? Thậm chí anh không biết phía đằng sau là gì nữa! Đối với một người anh cho người ta đi tù vì tội này nhưng biết đâu dính một tội khác.
Nếu lúc đó đồng bọn tấn công giải cứu hoặc giết chết thì ai là người chịu trách nhiệm. Chỉ cần một vấn đề thôi đã là một đề tài lớn vì liên quan đến quyền con người, trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của gia đình.
Ngoài ra còn việc cải tạo họ như thế nào? Tù đâu chỉ là giam. Có phải hàng ngày anh phải đến giảng cho họ, cải tạo họ không? Đến từng nhà à? Ai làm được? Đây là một câu chuyện Nhà nước. Một câu chuyện cực kỳ nghiêm túc.
- Vấn đề này nên đặt ra như nào trong công tác lập pháp?
Trước khi muốn lập pháp phải có đề tài nghiên cứu khoa học, đánh giá cơ sở có khoa học, có lý luận, có thực tiễn, có vận dụng kinh nghiệm nước ngoài, thậm chí xem xét về mặt lộ trình, xem xét các điều kiện kinh tế xã hội có áp dụng được không? Anh có quy định đó nhưng không đủ điều kiện kinh tế xã hội áp dụng vào đâu? Thậm chí việc này đã chuẩn bị tâm lý cho gia đình chưa, cho làng xóm chưa. Đối với một số cộng đồng dân tộc có chấp nhận một người tù trong gia đình không?
Chỉ cần một việc đó thôi đã có thể quy định thành một đạo luật rồi. Để làm một đạo luật mất rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu tất cả cơ sở.
Chúng ta có thể bắt đầu bằng nghiên cứu chứ không bắt đầu bằng thử nghiệm được. Sau khi có nghiên cứu xong mới có quy định, nếu có quy định thì mới có thể phải thử nghiệm trước, thử nghiệm xong đánh giá thì mới quyết định được. Tôi nghĩ rằng đó là một câu chuyện dài.
Bộ trưởng Công an: Sẽ nghiên cứu đề xuất "đi tù tại gia"
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết ông ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội và sẽ nghiên cứu đề xuất cho đi ... |
Bộ trưởng Tô Lâm và tướng Công an nói gì về đề xuất tù tại gia?
Trước đề xuất đại biểu Quốc hội về “tù tại gia” để giảm tải cho các trại giam, sáng nay (13.11) PV Dân Việt có ... |
Bộ trưởng Công an nói về đề xuất hình thức tù tại gia
Trả lời báo chí bên hành lang QH sáng nay về đề xuất của Tổng Kiểm toán Nhà nước áp dụng hình thức "tù tại ... |
Bộ Công an sẽ nghiên cứu đề xuất "tù tại gia"
Đại biểu Quốc hội cho rằng những người phạm tội nhẹ có thể cho quản thúc tại nhà để giảm bớt gánh nặng cho xã ... |
Ngày đăng: 08:19 | 15/11/2018
/