Theo dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, Thủ tướng chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành sau sắp xếp.

Ngày 6/5, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (dự thảo Nghị quyết) được công bố để lấy ý kiến Nhân dân.

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo Nghị quyết gồm có 2 điều. Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Theo Điều 2 của dự thảo Nghị quyết, khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ 1/7, các đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước sẽ kết thúc hoạt động.

Khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; không bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành sau sắp xếp.

Thay vào đó, căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành sau sắp xếp

"Thủ tướng chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành sau sắp xếp", dự thảo Nghị quyết nêu rõ.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp; Thường trực HĐND cấp xã chỉ định Ủy viên UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Chỉ thực hiện trong năm 2025

Theo Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, quy định trên nhằm kịp thời thể chế hóa Kết luận số 150 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

Ủy ban đề nghị trong dự thảo nghị quyết có điều khoản chuyển tiếp (khoản 3 Điều 2) quy định việc chỉ định các chức danh của HĐND, UBND và trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026 khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện.

Lý do của việc cần áp dụng cơ chế này trước hết là do tính chất hết sức đặc biệt của việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này.

Ngoài quy mô rất lớn, mang tính toàn quốc của việc nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chúng ta còn kết hợp thực hiện chủ trương lớn của Đảng về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

"Trong điều kiện tổ chức bộ máy có sự thay đổi, biến động lớn như vậy, thời gian còn lại của nhiệm kỳ HĐND chỉ còn rất ngắn, đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được tập hợp từ nhiều đơn vị hành chính trước đó khó có điều kiện nhận biết, đánh giá chính xác về năng lực của đội ngũ cán bộ sau sắp xếp", Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 giải thích.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt cán bộ đang công tác ở cấp huyện đến làm việc ở cơ quan mới tại cấp tỉnh, cấp xã, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, thì việc áp dụng cơ chế chỉ đinh đối với người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy hình thức là chỉ định nhưng công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự vẫn phải được tiến hành hết sức chặt chẽ và do cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện theo đúng quy định của Đảng. Cơ chế này chỉ thực hiện trong năm 2025 để phục vụ việc sắp xếp các đơn vị hành chính lần này gắn với nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp (về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện).

Sau bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và các năm tiếp theo tiếp tục thực hiện bầu nhân sự bình thường theo đúng quy định hiện hành, HĐND sẽ bầu các chức danh của HĐND và UBND.

https://vtcnews.vn/de-xuat-thu-tuong-chi-dinh-chu-tich-cac-tinh-thanh-pho-sau-sap-nhap-ar941645.html

Ngày đăng: 09:25 | 06/05/2025

Anh Văn / VTC News