Đề xuất tăng phí ở 37 dự án BOT của bộ GTVT được thông tin mới đây đang vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của dư luận. ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng cho rằng việc thu phí này không thuyết phục nếu nói chủ đầu tư gặp khó khăn.
Những ngày qua, thông tin bộ GTVT đã có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng tình trạng sụt giảm doanh thu của hàng chục dự án BOT và đề xuất tăng phí ở 37 dự án BOT trên cả nước đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Đề xuất tăng phí 37 dự án BOT gây tranh cãi nhiều chiều. |
Đề xuất này được đưa ra nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của dư luận.
Chia sẻ về đề xuất tăng phí 37 dự án BOT, ĐBQH Hoàng Văn Cường bày tỏ: “Quan điểm của tôi là không phải chủ dự án, nhà đầu tư gặp phải rủi ro mà đề xuất giải pháp là tăng phí. Việc tăng phí phải nằm trong kế hoạch, phương án đầu tư, nằm trong lộ trình mà đã được cam kết từ trước như: Tổng đầu tư bao nhiêu, lượng phương tiện đi lại thế nào? Doanh thu trong quá trình vận hành ra sao?
Nếu đảm bảo những điều kiện đó, thì lộ trình tăng phí cũng sẽ phải được cam kết từ trước. Do vậy, nếu như việc tăng phí này nằm trong lộ trình từ khi bắt tay vào xây dựng dự án và đã được tính toán, công khai thì có thể chấp nhận. Còn nói vì chủ đầu tư có thể gặp khó khăn, dự án có thể bị đổ bể, dòng tài chính không cân đối được mà chúng ta tăng phí, điều này tôi cho rằng không thuyết phục”.
ĐBQH Hoàng Văn Cường phân tích các yếu tố nên hay không nên tăng phí BOT. |
Phân tích thêm về điều kiện tăng phí BOT, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Nếu trong quá trình thiết kế ban đầu, đưa ra các điều kiện khi nào tăng phí ví dụ như 3 năm một lần, trong điều kiện nào thì được tăng phí. Ví dụ đánh giá tổng nguồn thu có đảm bảo hay không? Có đúng theo thiết kế hay không?... Đánh giá thêm về chất lượng dự án. Nếu những điều kiện ấy đều thoả đáng thì lộ trình tăng phí là phù hợp. Nhưng, ngược lại, nếu đánh giá những phần trên không thoả đáng mà chỉ nhìn vào việc tăng phí thì có lẽ nó khó có thể thuyết phục”.
Từ những phân tích trên, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng nếu kiểm tra, minh bạch thông tin để thấy những dự án chúng ta đang làm đúng lộ trình tăng phí, quản lý một cách công khai, minh bạch luồng tài chính và tất cả những yếu tố trên đều đảm bảo điều kiện tăng phí thì cần tăng.
Nhưng, ngược lại khi chưa làm rõ nguồn thông tin để xem quản lý dòng tiền, luồng tài chính ra sao… có cần thiết phải tăng phí ngay hay không mà lại quyết định tăng phí thì dư luận rất khó nghe.
Lãi hưởng, thua lỗ đổ cho người dân? Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh, Nguyên Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh: “Bản thân tôi cũng cảm thấy rất băn khoăn khi nhận được thông tin bộ GTVT có đề xuất tăng phí tại 37 dự án BOT. Đây là vấn đề lớn cần sự chung tay của các cơ quan Nhà nước và chủ đầu tư để đưa ra số liệu chính xác, cụ thể của từng dự án BOT từ đó đưa ra kết luận khách quan nhất. Nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi trên chủ yếu là do cách mà bộ GTVT ký kết các điều khoản với chủ đầu tư trong hợp đồng BOT không phù hợp, đi ngược lại với nguyên tắc lời ăn lỗ chịu trong kinh tế thị trường. Ai làm sai thì người đó phải chịu, các nhà đầu tư cũng phải chịu rủi ro với Nhà nước chứ không thể có chuyện để xảy ra thua lỗ rồi đẩy khó khăn cho Nhà nước và người dân. Ở đây là do anh đầu tư không đúng hướng, tính toán không đầy đủ nên bây giờ lỗ thì phải chịu, đừng bắt Nhà nước, người dân chịu trách nhiệm về khoản lỗ mà anh gây ra. Làm gì có chuyện khi làm ăn có lãi thì anh hưởng hết còn thua lỗ thì lại đổ lên đầu người dân”. |
Nhóm PV Quốc hội
Vị trí 37 dự án BOT được đề nghị tăng phí
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến việc tăng phí 37 dự án BOT đã tới hạn theo lộ trình, với mức tăng ... |
Đề xuất tăng phí 37 dự án BOT: Sao có chuyện lời thì ăn, lỗ lại đẩy cho dân?
Ông Nguyễn Văn Thanh - Nguyên Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hợp đồng bộ GTVT ký kết với ... |
Ngày đăng: 09:20 | 11/06/2019
/ Người Đưa Tin