Ông Nguyễn Văn Thanh - Nguyên Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hợp đồng bộ GTVT ký kết với chủ đầu tư dự án BOT là không phù hợp, đi ngược lại với nguyên tắc lời ăn lỗ chịu trong kinh tế thị trường.
Mới đây, bộ GTVT đã có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng tình trạng sụt giảm doanh thu của hàng chục dự án BOT và đề xuất tăng phí ở 37 dự án BOT trên cả nước.
Ngay sau khi đề xuất trên của bộ GTVT đưa ra, đã có không ít ý kiến trái chiều cho rằng đề xuất trên là không hợp lý, tại sao người sử dụng phải trả tiền nhiều hơn trong khi chất lượng các công trình này đang ngày một đi xuống? Đề xuất của bộ GTVT phải chăng đang bắt người dân phải chịu những khoản thua lỗ mà chủ đầu tư dự án BOT gây ra? Việc kí kết các điều khoản trong hợp đồng BOT phải chăng đang ngầm phá vỡ nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu” trong nền kinh tế thị trường?...
Sáng 9/6, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thanh - Nguyên Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Bản thân tôi cũng cảm thấy rất băn khoăn khi nhận được thông tin bộ GTVT có đề xuất tăng phí tại 37 dự án BOT. Đây là vấn đề lớn cần sự chung tay của các cơ quan Nhà nước và chủ đầu tư để đưa ra số liệu chính xác, cụ thể của từng dự án BOT từ đó đưa ra kết luận khách quan nhất”.
Bộ GTVT đã có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng tình trạng sụt giảm doanh thu của hàng chục dự án BOT và đề xuất tăng phí ở 37 dự án BOT trên cả nước. |
Ông Thanh cũng cho hay: “Nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi trên chủ yếu là do cách mà bộ GTVT ký kết các điều khoản với chủ đầu tư trong hợp đồng BOT không phù hợp, đi ngược lại với nguyên tắc lời ăn lỗ chịu trong kinh tế thị trường.
Ai làm sai thì người đó phải chịu, các nhà đầu tư cũng phải chịu rủi ro với Nhà nước chứ không thể có chuyện để xảy ra thua lỗ rồi đẩy khó khăn cho Nhà nước và người dân. Ở đây là do anh đầu tư không đúng hướng, tính toán không đầy đủ nên bây giờ lỗ thì phải chịu, đừng bắt Nhà nước, người dân chịu trách nhiệm về khoản lỗ mà anh gây ra”.
“Làm gì có chuyện khi làm ăn có lãi thì anh hưởng hết còn thua lỗ thì lại đổ lên đầu người dân”, ông Thanh nhấn mạnh.
Trước đó, ông Nguyễn Hữu Hiểu, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cũng phát biểu: “Nguyên tắc thị trường chưa được tôn trọng khi thực hiện hợp đồng BOT. Khi đã thỏa thuận thì cả hai bên Nhà nước và nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro và đây là nguyên tắc cần tuân thủ nghiêm ngặt. Trường hợp mức tăng trưởng cao hơn dự báo, nhà đầu tư sẽ có lãi lớn hơn dự kiến, ngược lại khi đã chấp nhận ký hợp đồng, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận lỗ nếu như trong thời kỳ kinh doanh có biến động bất lợi cho nhà đầu tư”.
Cùng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: “Đây là vấn đề KT-XH chứ không chỉ đơn thuần về khía cạnh kinh tế, phải xử lý xong bất cập của BOT mới nên bàn đến chuyện tăng hay không tăng phí theo lộ trình.
Đồng thời, phải xem lại hợp đồng BOT giữa cơ quan đại diện Nhà nước có thẩm quyền, trực tiếp là bộ GTVT, thỏa thuận như thế nào thì làm đúng như thế và làm hết trách nhiệm của mình.
Nếu trong hợp đồng BOT không có điều khoản Nhà nước đảm bảo nguồn thu thì nhà đầu tư lời ăn lỗ chịu, không kêu ai được và đề nghị của phía bộ GTVT vẫn chỉ là đề nghị mà thôi. Ngược lại, nếu trong hợp đồng có điều khoản đảm bảo nguồn thu cho nhà đầu tư thì khi nguồn thu không đạt yêu cầu, ngân sách Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ".
Vị này cũng cho rằng: “Xung quanh quản lý đầu tư, xây dựng BOT còn nhiều vấn đề phải giải quyết như đặt vị trí không đúng, người sử dụng đường bộ không có lựa chọn, đường cũ nâng cấp thu phí bằng đường mới đầu tư, mức thu phí đã phản ánh đúng thực tế hay chưa, hợp đồng BOT dựa trên giá trị dự án có chính xác không?... Chính vì thế phải giải quyết được những khúc mắc trên trước khi tính đến chuyện tăng phí”.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ 2 phương án: Phương án thứ nhất tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Để tránh sốc khi tăng phí đồng loạt hàng chục dự án BOT, bộ GTVT sẽ đàm phán trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án BOT có sụt giảm doanh thu lớn.
Phương án 2, bộ GTVT đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 phải lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022. Với phương án này, bộ cho biết sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ 9 dự án nhằm tránh bị đổ bể.
Nguyễn Lâm
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tăng phí 37 dự án BOT
Trong số 37 dự án BOT đề xuất tăng phí, có 25 dự án doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính ... |
37 dự án BOT phải tăng phí, dân đi ra đường nộp thêm ngàn tỷ
37 dự án phải tăng phí từ 12-18% theo lộ trình cam kết trong hợp đồng, nếu không tăng phí BOT đúng lộ trình thì ... |
Ngày đăng: 16:16 | 09/06/2019
/ Người Đưa Tin