“Hơn 20 năm không thực hiện được Nghị quyết Trung ương Đảng là xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp, các đơn vị có liên quan cần tự nhìn lại mình xem đã làm hết trách nhiệm chưa? Ngay từ đầu đã “gạt đi” thì làm sao có cố gắng và quyết tâm để làm một việc mà sẽ mang lại tiến bộ lớn” - GS-VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nói.
Giờ lên lớp của cô trò một trường THPT tại Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Các cơ quan đã tích cực chưa?
Thưa GS-VS Đào Trọng Thi, sau khi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính có ý kiến không ủng hộ đề xuất xếp lương giáo viên ở bậc cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp quy định trong Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, tất cả các ý kiến cho rằng, quy định như vậy là không cần thiết là đang trái với Nghị quyết của Đảng. Mà điều này không chỉ mới được đề ra mà đã được đề ra hơn 20 năm qua. Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (năm 1996) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá khẳng định giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh: “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định”.
Suốt 20 năm qua, trong các văn kiện của Đảng luôn kiên trì khẳng định nội dung đó. Tại Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 một lần nữa cũng đã nhắc lại nội dung này: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Nghị quyết của Đảng đã cân nhắc kỹ và rất thận trọng khi đưa nội dung này chứ không chỉ nêu ra cho có tinh thần. Tuy nhiên, đúng là việc chúng ta chuẩn bị đủ điều kiện trong đó có nguồn lực về tài chính thì phải xem xét rất khoa học và cẩn trọng. Bởi bất cứ một chính sách chế độ được nâng lên trong đội ngũ giáo viên bao giờ cũng ảnh hưởng rất lớn bởi đội ngũ rất đông đảo. Chỉ cần tăng lương một chút thôi cũng dẫn đến yêu cầu về tập trung tài chính rất mạnh mẽ.
Nghị quyết của Đảng là đường lối, phương hướng và cần có thời gian để thực hiện, bởi vậy, có độ trễ. Nhưng tôi rất ngạc nhiên bởi cả một quan điểm khẳng định hơn 20 năm mà vẫn không chuẩn bị được thì các cơ quan có trách nhiệm thực hiện đường lối đó đã thực sự tích cực chuẩn bị và thấm nhuần quan điểm của Đảng chưa?
Vẫn cần đưa vào luật
Vậy theo ông, giữa khó khăn về tài chính, nguồn lực với nhu cầu thực tế. Chúng ta cần giải quyết như thế nào?
- Luật đề ra mà không đi vào cuộc sống, không thực hiện được thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, Nghị quyết của Đảng thì vẫn cần thực hiện. Bên cạnh việc đề xuất về lương, đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS, nếu làm được thì cũng là một bước tiến lớn và cũng đòi hỏi về nguồn lực tài chính. Nếu thực hiện được cả 2 việc này thì quá tốt nhưng nếu vì chuẩn bị chưa chín muồi thì nên cân nhắc tiến độ như thế nào cho phù hợp.
Trong trường hợp phải lựa chọn trong 2 chính sách đó thì vấn đề lương của giáo viên mang tính chất cấp bách và thời sự hơn. Nếu không giải quyết được chế độ chính sách sẽ không tạo được động lực cho đổi mới của giáo dục. Ai là lực lượng chủ chốt cho đổi mới giáo dục, chính là giáo viên. Chúng ta đang đòi hỏi giáo viên làm rất nhiều thứ, đáp ứng yêu cầu rất cao nhưng lại không chăm lo, quan tâm cho họ thì có hợp lý hay không?
Cái khó là lực lượng GV đông quá, nếu như tăng lương cho GV thì có nghĩa là “miếng bánh” ngân sách dành cho giáo dục sẽ rất lớn. Mà cấp thêm thì không thể. Chỉ có thể nghĩ đến bớt các phần khác đi. Thế thì, một người bảo là ủng hộ ưu đãi GV thì tôi tin không mấy ai từ chối. Nhưng nếu bảo cắt 1 phần lương của họ đi để ủng hộ cho GV thì khó lắm. Lúc ấy, lại ảnh hưởng đến quyền lợi của ngành, nghề khác. Tuy nhiên, lương của công chức, viên chức hiện nay như nhau nhưng thu nhập GV thấp nhất bởi đại đa số họ không có thu nhập nào khác ngoài lương.
Tôi luôn quan niệm ủng hộ cho GV không phải chỉ trực tiếp cho một bộ phận lao động mà còn là ủng hộ, chăm lo cho con em của mình, cho chất lượng giáo dục. Nếu xã hội nhận thức sâu sắc được như vậy thì sẽ không có ai suy bì.
Khó nhưng chúng ta có nên từ bỏ không, thưa GS?
Tôi cũng công nhận việc này là khó. Nếu như sau khi phân tích khoa học với tinh thần xây dựng và vì con em chúng ta mà vẫn không huy động đủ nguồn lực thì chúng ta phải cân nhắc đến lộ trình và thứ tự ưu tiên, cái nào làm trước, cái nào làm sau. Nếu mình không cố gắng và không quyết tâm thì sẵn sàng từ bỏ chính sách và “đầu hàng” trước một việc làm sẽ mang lại tiến bộ lớn.
Cách giải quyết là vẫn đưa vào Luật nhưng với việc đặt tiến độ từng bước thực hiện, chứ đâu phải cứ quy định là phải làm ngay. Chúng ta thể chế hóa Nghị quyết của Đảng thành luật bằng việc đưa mức độ ưu tiên cho lương giáo viên được xếp cao nhất trong thang bảng lương. Còn cao nhất như thế nào, bao giờ bắt đầu thực hiện thì còn tùy thuộc điều kiện. Nhưng bảo không nên làm hay không đưa vào luật như vậy thì lại không bao giờ làm được. Tôi nhấn mạnh lại điều kiện quan trọng nhất là Nghị quyết của Đảng cần được Nhà nước thể chế hóa bằng pháp luật để yêu cầu cả xã hội phải thực hiện.
- Xin cảm ơn GS!
Ý kiến của Bộ Tài chính: Ngày 4.11.2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã thông qua Nghị quyết số 29 -NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó có nội dung lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy vậy, hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá hệ thống thang bảng lương, phụ cấp đối với từng ngành, lĩnh vực, khu vực. Vì vậy, đề nghị Bộ GDĐT làm việc với Bộ Nội vụ để trình Chính phủ, trình Quốc hội phương án tổng thể về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo để đảm bảo sự tương quan, thống nhất về tiền lương, phụ cấp với các ngành, nghề khác trong giai đoạn tới. Ý kiến phản hồi của Bộ GDĐT: Theo Bộ GDĐT, việc bộ đề xuất tăng lương cho giáo viên là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, Ban chỉ đạo Trung ương về nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đang xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ xây dựng phương án tổng thể về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo; sẽ làm việc với Bộ Nội vụ về vấn đề này, làm sao đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà giáo. |
Rút đề xuất tăng lương giáo viên khỏi dự án Luật Giáo dục
Bộ Tài chính và Nội vụ không đồng tình với đề xuất tăng lương giáo viên do lo ngại phá vỡ chế độ tiền lương ... |
Quan điểm của Bộ GDĐT khi đề xuất tăng lương giáo viên không được ủng hộ
Sau khi Bộ Nội vụ có ý kiến không ủng hộ đề xuất tăng lương giáo viên quy định trong Dự án Luật sửa đổi, ... |
Bỏ đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS trong Luật Giáo dục
Hai đề xuất mang tính đột phá của Bộ GDĐT trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ... |
Ngày đăng: 08:12 | 15/03/2018
/ https://laodong.vn