Sau công tác thanh tra lĩnh vực đào tạo lái xe và nhận thấy nhiều bất cập, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chính thức trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe. Bộ GTVT đã đưa ra một loạt đề xuất liên quan đến giáo viên, điều kiện xe tập lái, thời gian dạy lái xe…

Ngày 11/12, trao đổi nhanh với phóng viên Báo CAND, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe, tiêu chuẩn về giáo viên dạy lái xe ôtô (gồm cả dạy lý thuyết và thực hành) mới nhất vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ, một số quy định đã được sửa lại, thay vì hạ chuẩn theo dự thảo lấy ý kiến hồi tháng 9 vừa qua.

1.jpg -0
Sẽ thay đổi chương trình đào tạo lái xe theo hướng thời gian dạy không quá 3 tháng. Ảnh minh họa: CTV.

Cụ thể, dự thảo mới chỉ sửa đổi chung về tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe: "Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp". Với đề xuất mới như trên, về cơ bản, tiêu chuẩn của giáo viên dạy lái xe phải có bằng trung cấp nghề phù hợp với nghề lái xe. Do học lái xe được xác định là học nghề trình độ sơ cấp, nên theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu giáo viên dạy phải có trình độ trung cấp trở lên.

Ông Lương Duyên Thống chia sẻ thêm, xét về bản chất, học lái xe ôtô cũng chỉ là học nghề. Trong khi đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép giáo viên có trình độ trung cấp hoặc công nhân có kỹ năng nghề bậc cao, từ bậc 3 trở lên.

Ngoài quy định trên, dự thảo mới cũng quy định, giáo viên dạy thực hành sẽ bị thu hồi giấy phép khi có hành vi gian lận trong tập huấn và kiểm tra để được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe; vi phạm về tiêu chuẩn giáo viên; giấy bị tẩy xóa, sửa chữa; cho người khác thuê, mượn để sử dụng hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ để xảy ra tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên.

5.jpg -0
Sẽ thay đổi chương trình đào tạo lái xe theo hướng thời gian dạy không quá 3 tháng. Ảnh minh họa: CTV.

Ngoài quy định trên, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định xe tập lái hạng B (gồm B1, B2 và FB) có niên hạn không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất); xe tập lái hạng C, FC, D, E, FD và FE áp dụng tương tự niên hạn với xe vận tải khách và hàng hiện hành (xe chở khách không quá 20 năm, xe chở hàng không quá 25 năm). Giải pháp này, theo Bộ GTVT, nhằm đảm bảo tính đồng nhất, đảm bảo an toàn cho học viên và người tham gia giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe.

Trong khi đó, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với quy định niên hạn xe. Vì việc phải thay thế hàng loạt xe tập lái, xe sát hạch lái xe có thể làm tăng chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Trước đó, thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, nhiều Sở GTVT phản ánh xe tập lái quá cũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng không có căn cứ để thay xe mới. Học viên cũng không muốn học trên xe quá cũ; ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện bài thi sát hạch của học viên. Ngoài ra, đào tạo lái xe cũng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tần suất hoạt động lớn nên việc quy định niên hạn là phù hợp… Qua thống kê, số lượng xe tập lái trên 20 năm có khoảng 6.000 chiếc, chiếm 14% trong tổng số xe hạng B, gây ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch.

"Vì vậy, dự thảo nghị định đưa ra lộ trình áp dụng quy định niên hạn đối với xe tập lái, xe sát hạch là 3 năm kể từ ngày Nghị định mới được ban hành…", đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

https://cand.com.vn/Giao-thong/de-xuat-nhieu-quy-dinh-moi-trong-dao-tao-lai-xe-i716704/

Ngày đăng: 14:01 | 12/12/2023

Đặng Nhật / CAND