Bộ Công Thương đề xuất các quy định mới liên quan đến căn cứ lập và điều chỉnh giá điện, thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường và điều hành giá điện , bù chéo giá điện trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang được lấy ý kiến.
Xem xét đề xuất cải cách nhiều nội dung liên quan đến giá điện |
Tại hội thảo mới diễn ra về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương thông tin về một số nội dung mới liên quan đến giá điện.
Cụ thể, về chính sách giá điện, dự thảo kế thừa những nguyên tắc đang được quy định tại Luật Điện lực và tiếp tục bổ sung chính sách phù hợp theo hướng giá điện đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực.
Bên cạnh đó, bổ sung chính sách giá điện đảm bảo khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.
Về căn cứ lập và điều chỉnh giá điện, tờ trình của Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, việc lập và điều chỉnh giá điện được căn cứ trên báo cáo tài chính, dữ liệu chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán của các đơn vị điện lực. Để luật hóa yêu cầu về số liệu lập và điều chỉnh giá điện đối với các đơn vị điện lực, cần thiết bổ sung các nội dung này tại Luật.
Về thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường và điều hành giá điện, theo cơ quan soạn thảo, thực tế thực hiện việc điều hành giá điện như hiện nay (Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cụ thể đã phân cấp thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ tùy thuộc vào mức độ điều chỉnh giá bán lẻ điện), đã tạo hành lang pháp lý cho việc tính toán và điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước để đảm bảo kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính minh bạch và linh hoạt trong quá trình triển khai thi hành.
Tuy nhiên, điện là loại hàng hóa thiết yếu nên việc điều chỉnh giá điện chịu nhiều sức ép của dư luận và có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế vĩ mô.
“Việc điều hành giá bán lẻ điện, quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện cần được xem xét và đánh giá một cách tổng thể trên tất cả các lĩnh vực. Việc điều hành giá bán lẻ điện thực tế các năm qua đều được họp thảo luận và quyết định thông qua các cuộc họp Thường trực Chính phủ”- Tờ trình nêu.
Để đảm bảo sự phù hợp với các quy định pháp luật khác, đảm bảo sự thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải xem xét sửa đổi thẩm quyền trong việc ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được quy định tại Luật Điện lực hiện hành theo hướng Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền điều chỉnh giá điện theo từng mức điều chỉnh giá.
Tương tự, về vấn đề bù chéo, dự thảo Luật mới cần thiết bổ sung quy định chính sách về việc giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giữa các vùng miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần thiết sửa đổi quy định giá điện nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia để đáp ứng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đảm bảo an ninh quốc gia tại các khu vực biên giới, hải đảo và chính sách an sinh xã hội cho khu vực khó khăn, kinh tế thấp.
Liên quan đến việc điều hành giá điện, tại tọa đàm mới đây về cơ chế để thu hút đầu tư vào ngành điện, các chuyên gia cũng cho rằng, cần thiết phải có giá điện hợp lý, công khai, minh bạch.
Đại diện Công ty Canon Việt Nam đánh giá, giá điện tại Việt Nam thay đổi thường xuyên theo chiều hướng luôn tăng gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh vốn cần ổn định và đảm bảo tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Thực tế hiện nay, công ty Điện lực thường xuyên báo lỗ do các chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng. Tuy nhiên, việc sử dụng các chi phí này có hợp lý hay không, cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm toán các chi phí này; và sản xuất kinh doanh có được cải tiến, nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí hay không; nỗ lực cho việc giảm tổn thất điện năng có được thực hiện thường xuyên, triệt để hay không, cần phải có những quy định rõ ràng hơn cho ngành điện”- đại diện Canon nói.
Từ đánh giá trên, Canon Việt Nam đề xuất cần quy định về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; Quy định rõ nhưng cơ quan Nhà nước nào có trách nhiệm thường xuyên thực hiện kiểm toán và tư vấn quản trị, giám sát kiểm tra trong ngành điện, nhằm giúp hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả và đảm bảo được giá điện ổn định, cạnh tranh.
Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp này cũng kiến nghị Việt Nam có trách nhiệm phân phối điện đủ và ổn định, phục vụ sản xuất, cũng như có giải pháp tiết kiệm điện năng hiệu quả hơn.
https://www.anninhthudo.vn/de-xuat-nhieu-cai-cach-moi-lien-quan-den-gia-dien-post587274.antd
Ngày đăng: 13:39 | 26/08/2024
V. Hằng / ANTD