Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đề xuất thành lập Tổ công tác xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa đề xuất UBND TP.HCM thành lập Tổ công tác xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, nhằm tìm giải pháp đột phá hoàn thành hệ thống metro dài 220km từ nay đến năm 2035.

Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM có 8 tuyến, dài hơn 220km, tổng mức đầu tư khoảng hơn 25 tỷ USD (hơn 591.000 tỷ đồng).

Đến nay, TP.HCM mới triển khai được 2 tuyến là metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài gần 20km, dự kiến hoàn thành cuối năm nay và metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương) dài 11km, dự kiến hoàn thành năm 2032.

Như vậy, thời gian thực hiện của tuyến metro số 1 khoảng 16 năm và tuyến metro số 2 khoảng 22 năm.

img-bgt-2021-7079831c51cb8195d8da-1688831208-width989height681
Quy hoạch hệ thống đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ họa: Tư vấn Tedi South.

Theo MAUR, sau 20 năm từ khi triển khai nghiên cứu, phát triển các dự án đường sắt đô thị, đến nay TP.HCM vẫn chưa có tuyến đường sắt đô thị nào chính thức vận hành thương mại.

Việc TP.HCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200km) trong 12 năm là một thách thức rất lớn.

Nếu tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong thời gian qua thì không thể thực hiện được mục tiêu tại Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.

Do đó, MAUR đề xuất lập tổ công tác để tập trung hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Tổ công tác này dự kiến có 14 thành viên do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường làm Tổ phó; 12 thành viên còn lại là lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài 220km cùng 3 tuyến Tramway, Monorail.

Ngoài tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, metro số 2 Bến Thành - Tham Lương dự kiến được khởi công vào năm 2025, các tuyến còn lại chưa được triển khai, xây dựng.

Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại; đồng bộ.

Đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam; các hành lang vận tải chính đông - tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.

Ngày đăng: 08:36 | 09/07/2023

Thư Trần / Báo Giao thông