Ban chỉ đạo nhất trí, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện biện pháp cách ly xã hội như Chỉ thị 16 thêm ít nhất 1 tuần tại các tỉnh, thành phố nằm trong Nhóm nguy cơ cao để phòng, chống dịch COVID-19.
Sáng nay (15.4), Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có phiên họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, nhờ các biện pháp quyết liệt, dịch bệnh tại Việt Nam đang được kiểm soát. Trong đó, có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cách ly xã hội.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đưa ra nhận định, thực tế dịch bệnh bên ngoài còn dài, do vậy, chỉ khi nào tình hình dịch bệnh trên thế giới hạ nhiệt, hay có thuốc đặc trị và có vaccine thì dịch trong nước mới hết.
Liên quan tới việc hết ngày 15.4 khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực, Ban Chỉ đạo đưa ra đề xuất kiến nghị Thủ tướng dựa trên các nghiên cứu sẽ phân các địa phương theo 3 nhóm và yêu cầu các địa phương cập nhật thông tin, tình hình dịch bệnh linh hoạt hằng ngày.
Các nhóm bao gồm: Nhóm nguy cơ cao; Có nguy cơ và Nguy cơ thấp, dựa trên các tiêu chí đã được tính toán cân nhắc.
Những tiêu chí được xác định cụ thể như đầu mối giao thông, mật độ di chuyển, có nhiều người qua lại biên giới, các địa phương có tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, mật độ dân cư, mật độ các nhà máy xí nghiệp tập trung...
Ban chỉ đạo nhất trí, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện biện pháp cách ly xã hội như Chỉ thị 16 thêm ít nhất 1 tuần tại các tỉnh, thành phố nằm trong Nhóm nguy cơ cao và dựa trên tình hình dịch bệnh để có hành động tiếp theo.
Ban chỉ đạo cũng nhất trí yêu cầu bắt buộc với tất cả các địa phương trên cả nước dù ở nhóm nguy cơ nào cũng phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, đảm bảo vệ sinh dịch tễ đã hướng dẫn. Một số loại hình hoạt động kinh doanh, vui chơi giải trí chưa cho phép hoạt động trở lại.
Căn cứ vào yêu cầu bắt buộc chung này, tùy điều kiện và theo mức độ đánh giá nguy cơ của từng địa phương, lãnh đạo tỉnh, thành phố có thẩm quyền và trách nhiệm để quy định các biện pháp bổ sung, nhằm đảm bảo vừa kiểm soát dịch bệnh vừa đảm bảo hoạt động kinh tế xã hội.
Với các sự kiện phục vụ cho mục đích phát triển chính trị, kinh tế và xã hội trên địa bàn theo yêu cầu của chính quyền và trong trường hợp thật cần thiết phải tổ chức, sẽ được tổ chức theo hướng dẫn y tế để đảm bảo an toàn.
Với các địa phương Có nguy cơ và Có Nguy cơ thấp, một số hoạt động sản xuất kinh doanh nên cho phép thực hiện với điều kiện đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn dịch tễ. Tùy vào mức độ, nguy cơ của từng địa phương sẽ có những giới hạn đi lại cụ thể. Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải dựa trên những tiêu chí này tiếp tục có quy định cụ thể.
Với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài, Ban Chỉ đạo đề nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện các biện pháp từ trước đến nay.
Có 4 hoạt động lớn khác biệt giữa 3 nhóm vừa nêu, đó là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu: hạn chế và khuyến cáo. Việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ: đóng cửa; hạn chế; khuyến cáo. Việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng: Tạm dừng; hạn chế; khuyến cáo. Việc tụ tập đông người: Không quá 2 người; không quá 10 người; không quá 20 người.
Tại Việt Nam, cho đến sáng 15.4 ghi nhận thêm 1 ca mới mắc COVID-19 là người thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh (Hà Nội) từng tiếp xúc với 3 ca mắc COVID-19 trước đó. Như vậy, tổng số ca mắc lên 267 trường hợp. Trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,9%, 107 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,1%.
Đề xuất giải pháp thực hiện cách ly xã hội sau ngày 15/4
Nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia giúp Ban Chỉ đạo quốc gia hoàn thiện phương án kiến nghị với Thủ tướng về việc ... |
Vì sao Bộ Y tế đề xuất kéo dài thời gian giãn cách xã hội?
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID - 19 chiều 6.4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất Thủ ... |
Ngày đăng: 15:47 | 15/04/2020
/ laodong.vn