Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc giảm tốc độ xuống 30km/h không phải là yếu tố chính có thể kéo giảm tai nạn, thậm chí còn gây ùn tắc giao thông.
Mới đây, tại hội thảo trực tuyến quản lý các yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất cần phải có giải pháp quản lý chặt tốc độ phương tiện, trong đó có thể giảm tốc độ tối đa trong khu đông dân cư từ 50km/h hiện nay xuống 30km/h để kéo giảm tai nạn giao thông.
Đề xuất này sau khi được đưa ra lập tức trở thành chủ đề tranh luận của nhiều người. Trong đó, không ít tài xế cho rằng giảm tốc độ phương tiện xuống còn 30km/h như vậy sẽ chẳng khác gì đi bộ.
Bàn luận về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên (Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội) cho rằng, vấn đề về quy định tốc độ trong khu vực đông dân cư phải căn cứ vào hạ tầng giao thông của đô thị.
Nếu hạ tầng giao thông được đầu tư tốt thì không những không cần giảm tốc độ khi tham gia giao thông mà còn có thể tăng tốc độ lưu thông trong khu vực nội thành.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, hạ tốc độ đến mấy mà ý thức tham gia giao thông không tốt thì vẫn xảy ra tai nạn. |
"Tôi cho rằng, ý tưởng xuất phát từ việc tốc độ hiện nay chạy nhanh không an toàn giao thông cũng là một nguyện vọng của các chuyên gia. Nhưng đất nước mình là đất nước phát triển theo xu hướng tiến lên, cần nâng cao tốc độ để đảm bảo lưu thông hàng hóa, người dân đi lại thuận lợi.
Do đó, tôi cho rằng chúng ta phải nâng cấp cầu đường, tăng cường biển báo để nâng cao ý thức người dân, nâng cao tốc độ", ông Liên nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đưa ra ví dụ, ở các khu vực nội thành tại đất nước Singapore có làn đường quy định tốc phải từ 80km/h. Nếu ai đi dưới 80km/h thì phải tránh sang làn đường bên cạnh với tốc độ thấp hơn để đảm bảo lưu thông cho các phương tiện khác.
Từ đó, có thể thấy việc nâng cao tốc độ lưu thông sẽ giúp người dân ý thức hơn về việc tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông. Đây là kết quả của việc hạ tầng giao thông của các tuyến đường trong đô thị được đầu tư.
Ông Bùi Danh Liên cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng: "Nếu tăng tốc độ trung bình 1km/h có thể dẫn đến gia tăng 4-5% số vụ tai nạn giao thông. Ngược lại nếu giảm 5% tốc độ bình quân, có thể giảm đến 30% số vụ tai nạn giao nghiêm trọng. Tốc độ bình quân 80km/h, khả năng gây ra tai nạn giao thông cao hơn nhiều so với tốc độ 50km/h".
Theo ông Liên, đây là khảo sát có tính chất duy ý chí, tính toán theo số học. Bởi tai nạn giao thông hiện nay có nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do ý thức của những người tham gia giao thông.
Trong các nguyên nhân gây tai nạn có tình trạng các lái xe sử dụng ma túy, xe máy đi vào làn đường dành cho xe ô tô, tài xế sử dụng điện thoại trong khi đang lái xe với tốc độ cao, người tham gia giao thông không tuân thủ đúng quy định của đèn tín hiệu và biển chỉ dẫn...
"Có thể tai nạn giao thông vì vượt quá tốc độ nhưng hạ tốc độ đến mấy mà ý thức tham gia giao thông không tốt thì vẫn xảy ra tai nạn. Một người lùi xe ra đường chỉ với tốc độ 5-10km/h nhưng do người này không quan sát mà bất cẩn vẫn xảy ra tai nạn nghiêm trọng", ông Liên dẫn chứng.
Vị chuyên gia cho rằng, thậm chí, việc giảm tốc độ làm tình trạng ùn tắc giao thông tăng lên vì lưu thông không thông thoát. Tại các ngã ba, ngã tư nhiều đèn tín hiệu giao thông mà di chuyển với tốc độ chậm thì sẽ xảy ra ùn tắc.
Do đó, ông Liên đề nghị cần phải xem xét thật kỹ lưỡng đối với đề xuất giảm tốc độ phương tiện trong khu đông dân cư xuống 30km/h để tránh làm ảnh hướng đến việc lưu thông của các phương tiện. Đồng thời, các cơ quan cần phải tăng cường việc nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông để hạn chế tối đa tai nạn.
QUANG TUYỀN
Ngày đăng: 15:00 | 12/08/2021
/ vtc.vn