Tại tọa đàm “Phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu” do Báo Công Thương tổ chức ngày 23/3, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, để giảm phụ thuộc vào xăng, chúng ta cần có một chiến lược như chuyển mạnh sang sử dụng vận tải đường sông, đồng thời đẩy mạnh sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo để giảm bớt sử dụng xăng dầu. Đồng thời, cần phải có những biện pháp tốt hơn để sử dụng năng lượng sinh học bởi hiện đất nước của chúng ta có rất nhiều tiềm năng.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay, xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Trong khi, giá xăng chịu tác động biến động rất lớn trên thế giới, tất cả các nước đều phải gánh chịu.

Từ việc giá xăng dầu tăng cao, đã có đề nghị của các nước OPEC ở Trung Đông tăng thêm sản lượng, tuy nhiên, các nước không tăng vì giá hiện nay cao, các nước cũng không có năng lực để tăng bây giờ.

xang-1.jpeg -0

Nên cải thiện việc sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng hiện nay.

Do đó, chúng ta không nên có ảo tưởng OPEC sẽ tìm cách giảm giá cho chúng ta. Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, đặc biệt cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia để đảm bảo sự an toàn về năng lượng và cho hoạt động của kinh tế. Đơn cử, khi khủng hoảng xăng dầu xảy ra, Tổng thống Mỹ đã trích 60 triệu thùng dầu trong quỹ dự trữ của Mỹ để tung ra thị trường, giải quyết nhu cầu của nước Mỹ.

Theo đó, để giảm phụ thuộc vào xăng, chúng ta cần có một chiến lược như chuyển mạnh sang sử dụng vận tải đường sông, đồng thời đẩy mạnh sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo để giảm bớt sử dụng xăng dầu.

Đồng thời, cần phải có những biện pháp tốt hơn để sử dụng năng lượng sinh học bởi hiện đất nước của chúng ta có rất nhiều tiềm năng. “Bên cạnh đó, về việc điều chỉnh giá cả, hiện nay chúng ta vẫn giữ điều chỉnh giá cả 10 ngày, theo tôi, nên điều chỉnh trong vòng 2 ngày. Bởi vì khoảng chênh lệch giữa giá thị trường và giá trong nước chênh lệch xa quá.

Chúng ta nên thích nghi với tình hình thực tế. Bởi trong tình hình hiện nay, diễn biến trên thị trường thế giới, mọi người cập nhật chỉ trong vòng mấy giây, trong khi chúng ta phải chờ 10 ngày mới điều chỉnh. Do đó, theo tôi, ngoài việc phải có sự cải cách về mặt quản lý nhà nước, chúng ta cần vận dụng tốt hơn nữa công nghệ thông tin, kinh tế số để cập nhật một cách linh hoạt hơn nữa trong điều kiện đã thay đổi trên thế giới hiện nay”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, trước diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nếu trong nước giá không được tăng thì doanh nghiệp thiệt, giá tăng thì người dân vất vả. “Chúng ta cần linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu.

Theo đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu đem lại 2 lợi ích. Thứ nhất là tạo tâm lý cho các thương nhân đầu mối khi nhập khẩu xăng dầu, tránh trường hợp các đầu mối cứ nhập hàng về thì giá lại tăng và người ta bị lỗ như vừa qua; Việc rút ngắn thời gian điều hành giá có thể giúp các cửa hàng kinh doanh an tâm, thời gian lỗ được rút ngắn. Thứ hai, tạo tâm lý cho người tiêu dùng, giá tăng ở mức độ người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: “Khi chúng ta xác định Luật Giá vẫn còn tồn tại, xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá và khi vẫn đặt mục tiêu kiểm soát giá xăng dầu, và bình ổn giá, mà bình ổn cần có thời gian, giữ trong một giai đoạn để thị trường ổn định, hỗ trợ mục tiêu kiểm soát CPI và người dân thì bình ổn đó trước đây là từ 35 ngày xuống 30 ngày và 15 ngày phải xuống 10 ngày, thậm chí còn mạnh dạn đề xuất xuống 7 ngày”.

Về thời gian điều hành giá, ông Trần Duy Đông cho biết, Nghị định 95 đã có cơ chế, khi giá xăng dầu biến động, ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế xã hội, liên Bộ báo cáo Chính phủ xem xét thời điểm điều hành phù hợp. Khi tham mưu Chính phủ, Bộ Công Thương đã báo cáo về điều hành giá nhưng phải có ý kiến của Bộ Tài chính, chứ Bộ Công Thương không quyết định được.

Theo ông Trần Duy Đông, việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, ở đây là doanh nghiệp sử dụng, sản xuất và kinh doanh xăng dầu. Về dài hơi, chúng ta phải tính tới tính công cụ thuế linh hoạt hơn, tính tới bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơi với môi trường. Thậm chí trong cơ cấu về xăng, có đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu ethanol, khi giá các loại nhiên liệu sinh học đang thấp so với nhiên liệu hóa thạch...

Phan Đức

Giá xăng giảm hơn 600 đồng mỗi lít Giá xăng giảm hơn 600 đồng mỗi lít
Bộ trưởng Công Thương: "Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ đáp ứng được 5-7 ngày" Bộ trưởng Công Thương: "Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ đáp ứng được 5-7 ngày"
Giá xăng dầu sẽ điều chỉnh giảm? Giá xăng dầu sẽ điều chỉnh giảm?

Ngày đăng: 09:18 | 24/03/2022

/ cand.com.vn