Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) lên tiếng cho rằng có thể cân nhắc cho phép các địa phương áp dụng phụ thu trên một số sắc thuế. Thế nhưng, với đại diện doanh nghiệp và giới chuyên gia, đây là đề xuất có nhiều cái dở và thậm chí sẽ tạo nên làn sóng gây rúng động các thành phố lớn.

Thông lệ quốc tế?

Bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới đã nhắc tới đề xuất này và coi đây là một trong những giải pháp nhằm giúp các địa phương chủ động nguồn thu. Kiến nghị trên là một phần trong báo cáo chi tiêu công tại Việt Nam vừa được Bộ Tài chính và WB công bố.

Cụ thể, đại diện WB đề xuất, cho phép các địa phương, nhất là những nơi có tiềm năng tăng trưởng cao áp dụng “một cách thận trọng” phụ thu trên các sắc thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nói kỹ hơn về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, đây chính là kiến nghị được thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng nêu lên và phía cơ quan chức năng hiện mới tổng hợp lại.

Về quan điểm của mình, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá, đây là kiến nghị phù hợp với khuôn khổ pháp luật và không trái Hiến pháp.

Ông cũng dẫn thông lệ quốc tế cho rằng, các địa phương trọng điểm kinh tế có thể được giao quyền với một số khoản thu miễn sao đảm bảo không cản trợ sự lưu thông, tự do hàng hóa.

“Ví dụ một số nước cho địa phương thu thêm thuế thu nhập cá nhân với một số đối tượng,” lãnh đạo Bộ Tài chính.

Lắp ráp sản phẩm tại Công ty Samsung Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)


Tương tự, ông cho rằng, với những lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp lớn, ngoài khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, một số địa phương ở các nước có thể ấn định thêm một tỷ lệ khoảng 3-5%.

“Về luật pháp thì đề xuất của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp, còn thẩm quyền quyết định là Quốc hội,” Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

“Dễ tạo ra sự phân biệt”

Nói kỹ hơn về chính sách tương tự tại nước khác, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính thừa nhận, đúng là một số quốc gia liên bang như Mỹ áp dụng quy định như vậy. Nghĩa là, ngoài mức thuế liên bang, theo ông, tùy mỗi bang lại có mức thuế riêng.

Ông Thịnh lấy ví dụ về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ nếu theo mức liên bang là hơn 30%. Tuy nhiên, tùy mỗi bang, hội đồng của bang sẽ quyết định mức thu thêm. Bởi vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ theo ông tính bình quân lên tới gần 40%.

Nêu lên ví dụ là vậy nhưng quay trở lại với Việt Nam, vị chuyên gia này tỏ ra thận trọng.

“Tất nhiên về nguyên tắc thì có quốc gia làm thế nhưng vấn đề quan trọng là ta làm thì sẽ như thế nào và các địa phương sẽ ra sao. Ta phải đặt trong bối cảnh của ta không phải liên bang,” ông Thịnh lên tiếng.

Ông cũng tỏ ra lo lắng: “Nếu không khéo trong xem xét, lý giải thì cuối cùng có thể gây nên mất đoàn kết trong nội bộ các địa phương và chính sách thuế.”

Cái "dở" khác, theo ông Thịnh là quy định trên dễ tạo ra sự phân biệt và làm tính liên kết của nền kinh tế bị yếu đi.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng có cái nhìn phần nào như vậy.

Theo ông, đề xuất trên nếu được áp dụng sẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa các địa phương, thậm chí là tạo nên cuộc đua, giống như cuộc đua về ưu đãi thuế trước đó giữa các nơi. Ông nhấn mạnh: "Một số nước có thể cho phép như Canada nhưng với Việt Nam, có nhiều điểm cần làm rõ."

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Có sợ làn sóng ra đi?

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn quản lý doanh nghiệp NTB (Hà Nội) thẳng thắn, nếu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất phụ thu thuế, sẽ có làn sóng đi khỏi những thành phố này.

“Lúc đó tôi mở chi nhánh ở Hà Nội và chuyển trụ sở ra các tỉnh khác, rất đơn giản, như thế Hà Nội mất tất cả thuế,” vị đại diện doanh nghiệp này lên tiếng.

Với những doanh nghiệp nhỏ, ông Bình cho rằng, việc này có thể tốn kém thêm chi phí nên chưa chắc sẽ tính chuyện chuyển đi nhưng với đơn vị có doanh thu lớn thì “ngay lập tức sẽ đi chỗ khác.”

Sự ra đi theo ông không chỉ với doanh nghiệp nội mà ngay cả với doanh nghiệp nước ngoài, làn sóng di chuyển cũng xuất hiện.

Theo ông, ở thành phố lớn có lợi thế về hạ tầng nhưng nếu một năm doanh nghiệp có thể mất thêm tiền tỷ vì các loại thuế phụ thu thì “tội gì họ không mở văn phòng điều hành ở chỗ khác.”

“Doanh nghiệp bé như chúng tôi nếu lợi nhuận khá lên cũng sẽ chuyển trụ sở đi chỗ khác ngay,” đại diện công ty NTB nói.

Từ đó, ông đặt ra nghi vấn về việc, năng lực cạnh tranh của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có “vấn đề.”

“Lúc đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rung chuyển ngay, làm như thế là tự mình siết mình,” ông Nguyễn Thanh Bình nêu quan điểm.

Riêng với thuế thu nhập doanh nghiệp, theo ông Bình, mức nền thuế không nên phân biệt nhiều và vẫn nên chỉ để 2 mức ưu đãi và phổ thông. Với một số tỉnh, theo ông, đúng là có thể có ưu đãi nhưng tại các thành phố lớn, mức thuế nên như nhau.

Ngày đăng: 19:57 | 11/10/2017

/ Theo Vietnamplus