Theo lời người dân ở xã Đa Lộc, nhiều đoạn, mặt bê tông của đê xuất hiện vết nứt to kéo dài 400- 500m, chiều rộng vết nứt càng ngày càng lớn.
Liên quan đến thông tin đê trăm tỷ nát tươm sau chưa đầy 2 năm bàn giao, chiều ngày 17/6, trao đổi với báo Đất Việt, lãnh đạo UBND huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) xác nhận và cho biết, việc này huyện đã báo cáo với tỉnh và giờ đang thuê các đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá, xác định nguyên nhân có những vứt nứt trên đê.
"Việc này phải chờ các cơ quan chức năng của tỉnh xuống kiểm tra, quan trắc nhiều lần và theo dõi mới kết luận được nguyên nhân những vết nứt trên đê là do đâu.
Từ khi trên tuyến đê xuất hiện những vết nứt thì huyện đã cho kiểm tra và có các biện pháp khắc phục như kiểm tra hiện trường, lập biên bản nhiều lần, yêu cầu các nhà thầu phải có các biện pháp kỹ thuật khác như khoan cắt, sử dụng vật liệu chuyên dụng để trám các vết nứt, đồng thời ngăn không cho xe tải trọng lớn chạy vào khu vực đó", lãnh đạo UBND huyện Hậu Lộc cho biết.
Theo vị lãnh đạo này, hiện chưa thể kết luận những vết nứt đó là do thời tiết nắng nóng thất thường hay nguyên vật liệu kém chất lượng bởi cả tuyến đê chắn sóng ven biển dài gần 5 km đi qua các xã Minh Lộc, Đa Lộc, Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc mà chỉ có hơn 1km đê qua địa bàn xã Đa Lộc bị nứt.
"Tuy nhiên theo phỏng đoán ban đầu, đoạn đê bị nứt khả năng là do nền đất ở đó kém bởi khi thi công, tại vị trí đó là một con đê đất rất nhỏ, một bên là biển, một bên là hơn 100 ha đất nuôi trồng thủy sản", lãnh đạo huyện Hậu Lộc cho biết thêm.
Nói về việc này, cùng ngày, bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc cũng cho rằng, huyện đã làm việc với nhà thầu; các bên thi công cam kết sẽ xử lý và sửa chữa lại những điểm hư hỏng.
"Trước hết nhà thầu phải khắc phục sự cố và chuẩn bị sẵn các phương án phòng chống thiên tai. UBND xã cũng đã vào cuộc, ngăn các xe có tải trọng lớn không được ra vào.
Hiện nay, một số đoạn xuất hiện vết nứt, nhà thầu đã áp dụng các giải pháp khắc phục. Những đoạn bị sụt lún nghiêm trọng thì phải đào lên, thay thế bằng bê tông mới.
Hiện mới chỉ có 1 nhà thầu vào cuộc, nhà thầu còn lại chúng tôi đang đốc thúc để tiến hành sửa chữa", bà Liên cho hay.
Trước đó, năm 2009, người dân các xã Đa Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc vui mừng khi UBND huyện Hậu Lộc làm chủ đầu tư xây dựng tuyến đê quai chắn sóng có tổng mức đầu tư hơn 143 tỷ đồng.
Đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn (có trụ sở tại Ninh Bình) và Công ty TNHH xây dựng Phúc Thành (có trụ sở tại Thanh Hóa). Đến đầu năm 2017, toàn bộ tuyến đê được bàn giao và đưa vào sử dụng.
Thế nhưng, khi bàn giao được 1 năm thì tuyến đê bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu xuống cấp. Nhiều đoạn đê, nhất là đoạn đi qua địa bàn xã Đa Lộc gần như bị tách làm đôi với một vết nứt lớn ở giữa, kéo dài hàng trăm mét. Những vết rạn nứt vẫn không có dấu hiệu dừng lại, mặt đê nhiều đoạn nát tươm.
“Không biết họ thi công kiểu gì mà nghe nói đổ cả trăm tỷ đồng xuống đó, mới được vài năm đã nứt toác như thế? Nhiều đoạn, mặt bê tông của đê xuất hiện vết nứt to kéo dài 400- 500m, chiều rộng vết nứt càng ngày càng lớn và vẫn đang tiếp tục nứt thêm.
Trên những tuyến đê này, nếu có thì chỉ là những xe chở thức ăn cho tôm tải trọng nhỏ. Nếu đổ cho xe vượt quá tải trọng đi vào gây hỏng đê là không đúng. Thực tế này không những ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông hằng ngày mà còn khiến dân chúng tôi mất ăn, mất ngủ, lo lắng khi mùa mưa lũ đã cận kề” - một người dân Đa Lộc xót xa.
Ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho rằng: “Đoạn đê bị nứt nghiêm trọng kéo dài gần 500m là do Công ty TNHH xây dựng Phúc Thành có trụ sở tại Thanh Hóa thi công. Việc nhiều đoạn đê bị nứt toác như vậy có thể do nền đất yếu hoặc trong quá trình thi công không được lu lèn cẩn thận”.
Cũng theo lời ông Đỉnh, thời điểm vừa được bàn giao tuyến đê đã xuất hiện việc rạn nứt trên bề mặt, sau đó đã được đơn vị thi công đổ một lớp bê tông mới lên trên lớp mặt bê tông cũ có độ dày khoảng 5cm.
“Dù đơn vị thi công đã có động thái khắc phục sự cố nhưng chừng đó vẫn chưa đủ vì có thể do nền đất cũ rất yếu nên đất bị sụt lún khiến lớp bê tông trên mặt đê bị rạn nứt.
Trong khi đó xã đã phải nghiêm cấm các xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đê nhưng mặt đê vẫn xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều lần xã họp, tiếp xúc cử tri đã báo cáo với cấp trên. Huyện cùng với các nhà thầu đang tìm biện pháp để khắc phục sự cố”.
Trước tình hình này, Sở NN&PTNT Thanh Hóa gửi văn bản yêu cầu UBND huyện Hậu Lộc báo cáo kết quả kiểm tra và hướng xử lý việc nứt mặt đê biển.
Kè đê trăm tỷ đồng ven sông Mã có nguy cơ bị cuốn trôi
Bờ hữu sông Mã gần chân cầu Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) đang bị sạt lở, nhiều mảng bê tông bị xé nát, sụt sâu ... |
Ngày đăng: 09:57 | 18/06/2019
/ http://baodatviet.vn