"Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc thì cơ quan công an sẽ vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân để có kết luận cuối cùng, làm cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan", luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Vào khoảng 12h30 ngày 5/2, nhóm học sinh trường Tiểu học Hộ Độ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đứng xem rán xúc xích bán tại gian hàng hội chợ xuân do nhà trường tổ chức. Bất ngờ bình ga đột ngột phát nổ khiến 7 em học sinh gồm: Lê Đình Toại (6 tuổi), Trần Đình Thiêm (6 tuổi), Trần Đình Đàm Vĩnh (7 tuổi), Phan Bảo Toàn (7 tuổi), Phan Hoàng Bảo Ngọc (7 tuổi), Lê Doãn Minh Nam (6 tuổi), Nguyễn Lê Hải Đăng (7 tuổi) ở gần đó bị bỏng nặng.
Ngay sau đó, các em được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng bỏng ở phần mặt, tay và cháy sém tóc trên đầu.
Vụ nổ khiến 7 em học sinh bị bỏng nặng ở phần mặt.
Trưa ngày 5/2, cháu Nguyễn Lê Hải Đăng (7 tuổi) đã phải chuyển ra Viện Bỏng quốc gia ở Hà Nội để tiếp tục điều trị. Nguyễn Lê Hải Đăng là cháu bị bỏng nặng nhất trong số 7 cháu gặp nạn, vết thương đã ảnh hưởng đến vùng mắt. Các cháu còn lại hiện vẫn đang được ê-kíp y bác sĩ của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục theo dõi và chăm sóc.
Sau vụ nổ kinh hoàng, câu hỏi dư luận đặt ra là: Để xảy ra vụ nổ, trách nhiệm thuộc về ai? Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay: "Vụ việc nổ khí ga xảy ra tại trường tiểu học Hộ Độ khiến 7 em học sinh bị bỏng nặng là một vụ việc thương tâm, gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý và sức khỏe của các em học sinh và gia đình các em. Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc thì cơ quan công an sẽ vào cuộc, xác minh làm rõ nguyên nhân để có kết luận cuối cùng, làm cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan".
Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, theo quy định pháp luật thì phương tiện giao thông, súc vật, khí gas, chất độc, chất cháy... là những "nguồn nguy hiểm cao độ". Người nào sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại, việc bồi thường sẽ đặt ra ngay cả khi người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
"1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại".
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Theo đó, Điều 590, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
"- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định".
Vị Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp nhấn mạnh: Trường học là tổ chức có tư cách pháp nhân, vì vậy nếu người gây ra thiệt hại cho các em học sinh là cán bộ, giáo viên hoặc nhân viên của trường này thì nhà trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 597, Bộ luật Dân sự.
Cụ thể: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật". Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, công người chăm sóc và khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương tối thiểu.
Trong trường hợp kết luận của cơ quan công an xác định vụ việc xảy ra không phải là ngoài sự kiểm soát của con người (con người không thể lường trước được) mà có lỗi vô ý của cán bộ, nhân viên nào đó của nhà trường thì người có lỗi vô ý này có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Vô ý gây thương tích theo quy định tại Điều 138, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể hình phạt được quy định tại Điều 138:
"1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a) Đối với 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội đối với 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm".
"Vì vậy, để xác định trách nhiệm trách nhiệm pháp lý thì phải làm rõ ai là người có trách nhiệm bảo quản, sử dụng khí ga đó. Tiếp tới là xác định lỗi của người sử dụng khí ga. Nếu người sử dụng khí ga có lỗi, kể cả lỗi vô ý gây thiệt hại tới sức khỏe của các học sinh thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 138 hoặc Điều 139, Bộ luật Hình sự 2015. Còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước tiên sẽ đặt ra với nhà trường, sau đó mới xét tới trách nhiệm của người gây ra thiệt hại (nếu có)", luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Nổ bình gas tại trường tiểu học, bảy học sinh bỏng nặng
Đứng xem bố mẹ rán xúc xích bán tại hội chợ xuân, nhóm học sinh trường Tiểu học Hộ Độ (Hà Tĩnh) bỏng nặng khi ... |
Chủ doanh nghiệp tử vong khi đang ngủ do rò rỉ bình gas
Bình gas rò rỉ gây ra vụ cháy khiến người đàn ông tử vong, 2 người khác bị thương khi đang ngủ say. Công an ... |
Ngày đăng: 10:23 | 06/02/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn