Cho rằng án sơ thẩm đánh giá đúng tính chất, tuyên đúng tội, VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của 6 người trong vụ án ở Đồng Tâm.
Sáng 9/3, bản luận tội được đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội công bố trong ngày thứ hai xét đơn kháng cáo của 6 người trong vụ án giết người, chống người thi hành công vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Trong gần 30 phút VKS đọc luận tội, 6 bị cáo đứng cúi người giữa các cảnh sát bảo vệ, tay chắp phía trước.
VKS đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng khi tập hợp lôi kéo họ hàng, người dân cùng chống người thi hành công vụ. "Hành vi dùng bom xăng, lựu đạn giết ba công an đã phạm tội giết người với tình tiết có tổ chức, giết nhiều người, giết người đang thi hành công vụ... Đề nghị HĐXX giữ nguyên án sơ thẩm với 6 bị cáo", công tố viên nói.
Bị cáo Lê Đình Công (đứng thứ hai, hàng đầu, từ trái sang phải). Ảnh: TTXVN |
Theo đó, bị cáo Lê Đình Công (án sơ thẩm tuyên tử hình) là chủ mưu, thường xuyên chủ trì các cuộc họp tại nhà bố đẻ là ông Lê Đình Kình (đã chết) để kích động người tham gia chống đối lực lượng chức năng. Tại cuộc họp ngày 1/1/2020, bị cáo Công phát video trực tiếp tuyên bố "không bắt bất kỳ thằng nào nữa, nếu không tiêu diệt được 300-500 công an sẽ không nhìn mặt đồng bào cả nước".
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Công thay đổi kháng cáo thành kêu oan, cho rằng không phạm tội, không phải chủ mưu. Bị cáo sau đó lại đổi thành kháng cáo như ban đầu là xin giảm nhẹ hình phạt.
"Công ăn năn hối cải nhưng với tính chất phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, là nguyên nhân chính khiến ba cảnh sát hy sinh nên không có căn cứ giảm nhẹ", VKS nêu quan điểm.
Lê Đình Chức (em trai cùng bố khác mẹ với bị cáo Công, án sơ thẩm tuyên tử hình) và Lê Đình Doanh (con trai bị cáo Công, án sơ thẩm tuyên chung thân) bị cáo buộc tham gia các cuộc họp bàn ở nhà ông Kình, tiếp nhận chủ trương tấn công cảnh sát. Bị cáo Doanh cùng Chức đã gạt xăng xuống hố, châm lửa đốt khiến ba cảnh sát hy sinh.
Cơ quan công tố đánh giá Chức khai báo chưa thành khẩn, chưa nhận thức rõ được hành vi phạm tội. Bị cáo Doanh có nhiều tiền án, tiền sự, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, lẽ ra phải tử hình. Bị cáo Doanh có bố (bị cáo Công) và chú ruột (bị cáo Chức) đã bị tử hình nên toà sơ thẩm thực hiện chính sách nhân đạo tuyên án chung thân. Tại phiên phúc thẩm, cả hai bị cáo không được ghi nhận có các tình tiết giảm nhẹ mới.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu tại phiên phúc thẩm. Ảnh: TTXVN |
VKS cáo buộc bị cáo Bùi Viết Hiểu (án sơ thẩm tuyên 16 năm tù) chứng kiến giao đất đồng Sênh, biết rõ nguồn gốc đất nhưng cùng với ông Kình "cố tình xuyên tạc". Ông Hiểu cùng các đồng phạm đã ghi hình, phát trực tiếp khoe có 200 lít xăng để đe doạ công an, tuyên bố khi công an vào sẽ ném bom xăng, lựu đạn chống đối.
Nguyễn Quốc Tiến (án sơ thẩm tuyên 13 năm tù) bị cáo buộc trực tiếp mua 10 quả lựu đạn theo chỉ đạo của Công, làm bom xăng. Rạng sáng 9/1/2020, Tiến cùng nhiều người ném bom xăng vào công an. Dù không trực tiếp gây ra cái chết cho ba cảnh sát nhưng Tiến có vai trò giúp sức.
5 bị cáo nêu trên nằm trong nhóm 6 người bị tòa sơ thẩm tuyên phạm tội Giết người vớivai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội và trực tiếp phạm tội.
Bùi Thị Nối (án sơ thẩm tuyên 6 năm tù) là bị cáo duy nhất trong nhóm phạm tội Chống người thi hành công vụ có đơn kháng cáo. Tại phần xét hỏi, bà Nối liên tục vung tay, lớn tiếng nói không phạm tội.
VKS cho hay, bà Nối kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nhưng quá trình xét xử phúc thẩm đã nhận thức được hành vi. Bà thừa nhận đã cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi tấn công cảnh sát bằng các vật dụng nguy hiểm. "Bị cáo Nối phạm tội tích cực nhưng khai báo chưa thành khẩn", VKS luận tội.
Bà Bùi Thị Nối. Ảnh: TTXVN |
Là người đầu tiên tự tranh luận, bị cáo Công chắp tay phía trước, đứng quay người về phía VKS, lớn giọng nói không đồng tình với bản luận tội. "Bị cáo khẳng định không tham gia bàn bạc hay giao nhiệm vụ trong ba cuộc họp ở nhà ông Kình. VKS cáo buộc bị cáo giữ vai trò chủ mưu là không đúng nên mong HĐXX xem xét", bị cáo Công nói.
Theo bản án sơ thẩm, khu đất ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội được kết luận là đất quốc phòng. Từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (đã chết) cùng bị cáo Hiểu, Công, Tuyển và nhiều người đã lập "tổ đồng thuận" với mục đích kích động người dân, chiếm lại đất để chia nhau.
Cuối năm 2019, khi Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng có kế hoạch xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, ông Kình chỉ đạo Công bàn bạc với thành viên "tổ đồng thuận" mua lựu đạn, chuẩn bị vũ khí để "tấn công, tiêu diệt" công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
Bản án nêu, rạng sáng 9/1/2020, khi lực lượng công an có vũ trang được lệnh đến cổng làng, thành viên "tổ đồng thuận" và nhiều bị cáo đồng loạt chống đối khiến ba cảnh sát bị chọc rơi xuống hố, đổ xăng thiêu chết.
Vụ án ở Đồng Tâm: Tuyên án tử hình hai bị cáo |
Xét xử vụ án tại Đồng Tâm: Nghiêm trị mọi hành vi vi phạm pháp luật |
Ngày đăng: 14:23 | 09/03/2021
/ vnexpress.net