Thanh tra Chính phủ cho rằng, kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe.

Tại kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp của Thanh tra Chính phủ đối với Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, theo quy định tại quy trình cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe, thành phần hồ sơ có yêu cầu giấy khám sức khỏe của người lái xe, trong đó có chỉ định “xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở”.

Theo Thanh tra Chính phủ, kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe.

“Do vậy, việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn tại thời điểm khám sức khỏe của người đề nghị cấp giấy phép lái xe là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi làm thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe”, kết luận Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Tại kết luận, Thanh tra Chính phủ dẫn báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, từ tháng 1/2021 - 1/2023, toàn ngành giao thông vận tải cấp hơn 9,9 triệu giấy phép lái xe các loại.

Tính đơn giá hơn 35.000 đồng/xét nghiệm, thì chi phí người dân bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý khi khám sức khỏe để cấp bằng lái xe khoảng 350 tỷ đồng.

 
Thanh tra Chính phủ yêu cầu bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn với khám sức khỏe thi cấp bằng lái xe

Thanh tra Chính phủ yêu cầu bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn với khám sức khỏe thi cấp bằng lái xe

Từ phân tích nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe tại Thông tư 24 (năm 2015).

Trong đó bỏ chỉ định “xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở” để đơn giản hóa, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi thực hiện cấp, cấp đổi giấy phép lái xe.

Qua kiểm tra xác suất một số hồ sơ tại Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Chính phủ còn nhận thấy các đơn vị nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân và xem xét hồ sơ nhưng sau nhiều ngày mới làm thủ tục tiếp nhận, chậm cập nhật thông tin lên hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp nhận hồ sơ về thỏa thuận nội dung liên quan đến đường thủy nội địa của một số tổ chức, cá nhân, trong đó có thông tin, số liệu chưa rõ nhưng công chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân, tổ chức làm rõ trước khi cấp thỏa thuận.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam còn cấp giấy phép vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia cho phương tiện đối với một số doanh nghiệp trước ngày thẩm định hồ sơ.

Cục Hàng hải Việt Nam nhận hồ sơ trực tiếp của một công ty nhưng sau 10 tháng mới làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ. Trong thời gian chưa tiếp nhận hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành khảo sát, xem xét hồ sơ của doanh nghiệp, nhưng nội dung khảo sát, xác minh không lập thành hồ sơ, lưu thông tin vào cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin một cửa điện tử và lưu tại cơ quan theo quy định…

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm nêu tại phần kết luận thanh tra.

Trong đó, Bộ GTVT tập trung kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với việc tham mưu, ban hành thêm thủ tục hành chính không được giao nhiệm vụ trong luật; xây dựng, ban hành, công bố một số thủ tục hành chính có nội dung gây phiền hà, bất tiện, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp; việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính quá hạn, sai quy định gây phiền hà, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

https://www.anninhthudo.vn/de-nghi-bo-xet-nghiem-nong-do-con-voi-nguoi-kham-suc-khoe-lai-xe-post592886.antd

Ngày đăng: 09:43 | 18/10/2024

Ngân Tuyền / anninhthudo.vn