Dù số lượng câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT 2025 giảm so với hiện nay nhưng lại xuất hiện thêm hai dạng trắc nghiệm mới: đúng/sai và đáp án trả lời ngắn.
Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh sẽ thi hai môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn và hai môn tự chọn. Để giúp học sinh, giáo viên thuận tiện trong việc ôn thi, Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh hoạ các môn.
Đề minh hoạ thi tốt nghiệp 2025 thêm nhiều câu 'lạ' để ngăn học vẹt, khoanh bừa?
Học sinh không thể khoanh bừa
Cô Nguyễn Thanh Thuý, giáo viên trường THPT Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, đề minh hoạ môn Toán thi tốt nghiệp THPT 2025 có sự thay đổi đáng kể về số lượng câu hỏi giảm từ 50 câu xuống còn 22 câu với 3 dạng thức trắc nghiệm:
- Dạng thức 1 (3 điểm): trắc nghiệm 4 lựa chọn quen thuộc gồm 12 câu ở mức độ nhận biết nhanh các khái niệm, định nghĩa và công thức.
- Dạng thức 2 (4 điểm): gồm 4 câu, mỗi câu có 4 ý và buộc phải trả lời những ý đó đúng hay sai. Như vậy, dạng thức này đòi hỏi học sinh phải trả lời 16 ý và thể hiện sự thông hiểu thấu đáo các kiến thức đã học trong chương trình.
- Dạng thức 3 (3 điểm): gồm 6 câu vận dụng kiến thức tổng quát để giải và cũng là dạng đổi mới được cho dưới dạng tự luận nhưng chỉ cần nêu lên kết quả cuối cùng trong từng câu.
Theo cô Thuý, sở dĩ ít câu hỏi như vậy vì Bộ GD&ĐT có thêm dạng thức câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn nhưng đòi hỏi học sinh phải tư duy như hình thức tự luận.
Nữ giáo viên đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT đổi mới dạng thức câu hỏi và đáp án trắc nghiệm. Nhóm câu hỏi mới đáp ứng rất tốt mục tiêu của Chương trình phổ thông mới về phát triển năng lực tư duy và lập luận trong toán học. "Đặc biệt với dạng câu hỏi trả lời ngắn (6 câu cuối cùng) bắt buộc học sinh phải biết cách giải quyết vấn đề, không còn tư duy khoanh bừa hay dùng mẹo để giải toán như trước đây", cô Thuý nhận xét.
Ngăn học vẹt, đoán đề
Với cấu trúc, đề minh hoạ môn Ngữ văn, thầy Hoàng Lê Tuấn Anh, giáo viên trường THPT Mỹ Hoà Hưng (An Giang) ủng hộ với cấu trúc đề thi mới "sẽ hạn chế tối đa việc học sinh học tủ, học theo văn mẫu".
Cụ thể, phần đọc hiểu có 5 câu hỏi theo 3 mức độ: 2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu, 1 câu vận dụng. Phần viết (tạo lập văn bản) cũng chia thành 2 phần: nghị luận văn học và nghị luận xã hội nhưng có sự đảo ngược so với đề kiểu cũ là viết đoạn nghị luận văn học và viết bài nghị luận xã hội.
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2025 có sự điều chỉnh lớn so với hiện nay.
Ở phần viết, nghị luận văn học có sự giảm sâu về điểm số (chỉ còn 2 điểm) vì đã có phần kiểm tra kiến thức văn học ở đọc hiểu và yêu cầu phần này cũng bám vào đặc trưng thể loại trong một tác phẩm cụ thể. Phần nghị luận xã hội chỉ cần học sinh có nhận thức về các vấn đề xã hội và kỹ năng viết thì dễ dàng giải quyết được yêu cầu của đề.
"Việc tăng điểm ở phần thi đọc hiểu và nghị luận xã hội giúp giảm tối đa việc đoán đề, học tủ của thí sinh. Đồng thời, dạng thức đề mới buộc học sinh phải học chăm chỉ để hiểu bản chất thay vì học vẹt như trước đây", thầy Tuấn Anh nhận định.
Trong quá trình học, nếu đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc tiếp cận, đọc - hiểu thể loại văn học, rèn luyện kĩ năng viết, học sinh không khó để đạt được 7,0 - 7,25 điểm.
Mặc dù một số ngữ liệu đề Văn nằm ngoài sách giáo khoa nhưng vấn đề được hỏi và nội dung văn bản không khó, câu hỏi không đi sâu khai thác các giá trị nghệ thuật, đặc sắc của văn bản hay yêu cầu so sánh mở rộng.
Đây sẽ là bước đệm, để học sinh dần quen với việc đánh giá, kiểm tra mới và tự định hướng lại quá trình học tập của mình ngay từ bây giờ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), đề thi tốt nghiệp THPT 2025 thay đổi hình thức, cấu trúc, định dạng để phù hợp với định hướng đánh giá năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng tới.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 có thêm hai định dạng trắc nghiệm mới gồm: trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn.
Lý giải về thay đổi này, đại diện Bộ GD&ĐT cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ. Do vậy, định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực.
Hiện, trừ Ngữ văn, đề thi các môn còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm chọn một trong bốn phương án. Do đó, Bộ GD&ĐT nghiên cứu thêm một số dạng thức trắc nghiệm mới, các câu hỏi mở yêu cầu câu trả lời ngắn, nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh. Mỗi dạng thức đề thi đều có ưu nhược điểm, Bộ GD&ĐT đã tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi.
Đại diện Bộ GD&ĐT chia sẻ thêm, đề thi minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh.
Kết quả thử nghiệm cấu trúc định dạng đề thi đã được tiến hành phân tích theo lý thuyết khảo thí cổ điển và hiện đại theo khuyến nghị của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa kỳ (ETS).
Ngày đăng: 08:32 | 02/01/2024
Hà Cường / VTC News