Ngành công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, nhưng hiện vẫn còn ở trong giai đoạn sơ khai, vừa yếu về năng lực, vừa thiếu về công nghệ.

Đây là những thách thức không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Vì vậy, đòi hỏi một chiến lược quốc gia thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ phục vụ khai thác, chế biến hiệu quả nguồn đất hiếm, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

dat-hiem.jpg
Mỏ đất hiếm Đông Pao tại huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu).

Năng lực yếu, công nghệ thiếu

Những năm gần đây, đất hiếm trở nên “nóng” bởi nhu cầu ứng dụng vào các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực như sản xuất điện gió, ô tô điện, chất bán dẫn...

Ngay từ năm 1958, Việt Nam đã triển khai các hoạt động tìm kiếm, nghiên cứu về trữ lượng đất hiếm, và cho đến nay đã phát hiện ra 5 mỏ có quy mô lớn tại khu vực Tây Bắc, gồm: Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (tỉnh Lai Châu), Mường Hum (tỉnh Lào Cai) và Yên Phú (tỉnh Yên Bái)…

Dù đã thăm dò, đánh giá trữ lượng từ lâu nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhà máy chế biến từ tinh quặng đất hiếm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) Hoàng Anh Sơn đánh giá, hầu hết các hoạt động nghiên cứu công nghệ xử lý chế biến quặng đất hiếm chủ yếu diễn ra trong quy mô phòng thí nghiệm hoặc pilot, chưa có công nghệ nào áp dụng vào thực tế.

Nguyên nhân chính là do đầu tư cho khoa học công nghệ lĩnh vực này chưa đủ và không tập trung. Các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự quyết tâm đầu tư, chưa đặt ra chiến lược nghiên cứu và tiếp cận công nghệ chế biến quặng đất hiếm một cách thực sự quyết liệt. Bên cạnh đó, các quốc gia có công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm lại giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ.

Nhận thức được những hạn chế của ngành công nghiệp đất hiếm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18-7-2023 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tổng sản lượng khai thác đất hiếm giai đoạn 2021-2030 sẽ đạt 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm; giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 2,1 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao, Yên Phú; đầu tư mới 3-4 dự án khai thác tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai...

Tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư

Để khai thác có hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên đất hiếm Việt Nam phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đồng thời bảo đảm khai thác, tận thu triệt để các khoáng sản đi kèm cũng như bảo đảm môi trường, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu Hoàng Anh Sơn cho rằng, cần điều tra, khảo sát đánh giá trữ lượng, giá trị của các thành phần nguyên tố đất hiếm trong các mỏ đất hiếm đã cấp phép để có định hướng khai thác, chế biến và ứng dụng hiệu quả đất hiếm Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ, hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh về đất hiếm trên cơ sở nòng cốt là các viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tập hợp đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại đáp ứng yêu cầu nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm.

Ông Hoàng Anh Sơn cũng đề xuất các cấp ban hành cơ chế, chính sách riêng để phát triển công nghiệp đất hiếm phù hợp với tiềm năng, vị trí vai trò, trong đó cần có cơ chế gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, phát triển công nghệ và triển khai sản xuất, chế biến sâu cũng như cơ chế chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, chế biến sâu đất hiếm kèm theo điều khoản về chuyển giao công nghệ, nhất là các doanh nghiệp từ các quốc gia có nền công nghiệp đất hiếm phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ...

Trên thực tế, khai thác, chế biến đất hiếm được cho là có tác động xấu đến môi trường, môi sinh. Do đặc điểm phân bố các mỏ đất hiếm tại Việt Nam trên địa hình cao ở Tây Bắc, đầu nguồn nhiều con sông lớn nên việc đánh giá tác động môi trường và lựa chọn các đối tác có công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại là vô cùng quan trọng. Có nghĩa là, cần triển khai xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến, đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu đất hiếm ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam phải có chính sách chế biến sâu và không xuất thô khoáng sản này. Để nâng cao sản lượng khai thác đất hiếm, Việt Nam phải phát triển được ngành bán dẫn của nội địa, tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có. Khi đó, Việt Nam sẽ chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu một cách hợp lý, hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững.

https://hanoimoi.vn/de-khai-thac-che-bien-dat-hiem-hieu-qua-672752.html

Ngày đăng: 08:03 | 23/07/2024

Thu Hằng / HNM.com.vn