Những tranh chấp, tham vọng chủ quyền phi pháp, quân sự hóa… vẫn tiếp diễn tại Biển Đông, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Thế nên, tại tất cả các diễn đàn khu vực hay quốc tế một khi đề cập tới vấn đề Biển Đông đều đề cao luật pháp quốc tế trong việc xử lý, giải quyết các tranh chấp ở vùng biển chiến lược này.

Quan tâm và lo ngại trước những căng thẳng ở Biển Đông

Thời gian vừa qua đã liên tiếp diễn ra hội thảo, hội nghị ở khu vực và thế giới liên quan tới vấn đề Biển Đông. Trong đó, mới nhất là Hội thảo khoa học có chủ đề “Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam” với sự tham dự của đông đảo học giả và những người yêu biển đảo Việt Nam, diễn ra tại tại Thủ đô Paris của Pháp ngày 10 và 11-6. Nhân dịp này, một cuộc gặp gỡ giữa những kiều bào từng đi thăm Trường Sa đã được tổ chức cùng với triển lãm ảnh và hiện vật về quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam này.

Đề cao luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông  ảnh 1

Hội thảo khoa học chủ đề về Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Pháp ngày 10 và 11-6

 Chia sẻ về ý nghĩa và mục đích tổ chức hội thảo, bà Cao Hồng Vinh, Trưởng Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam, cho biết, Hội thảo “Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam” là dịp thu thập tài liệu, cập nhật, trao đổi những thông tin mới nhất về tình hình Biển Đông thời gian qua. Thông qua hội thảo, những Việt kiều đã đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, cũng như những người yêu biển đảo Việt Nam, có cơ hội kết nối với nhau, cùng nhau tổ chức các hoạt động hướng về biển đảo Việt Nam. Ban tổ chức mong muốn, đây sẽ là hoạt động thường niên của Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam.

Được tổ chức theo sáng kiến của Ban liên lạc người Việt tại châu Âu vì biển đảo Việt Nam, Hội thảo “Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam” nhận được 14 tham luận của các học giả, là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu về châu Á, Biển Đông, các nhà kinh tế học, nhà giáo dục, từ các nước châu Âu (Ba Lan, Đức, Pháp, Italy, CH Czech, Ukraine), Canada và Việt Nam. Các tham luận tập trung đề cập nhiều góc nhìn về Biển Đông và vấn đề về chủ quyền biển đảo Việt Nam, xét trên các góc độ lịch sử, văn hóa, chính trị và pháp lý. Tình hình trên Biển Đông, những giải pháp để xử lý tranh chấp và những phương án phát triển kinh tế biển cũng được các diễn giả đề cập đến.

Trước đó, Hội nghị thường niên lần thứ 20 của Viện Luật châu Á (ASLI) với chủ đề “Tính toàn diện và đa dạng của luật pháp châu Á” được tổ chức tại Đại học Quốc gia Singapore trong 2 ngày 31-5 và 1-6 với sự tham gia của hơn 600 đại biểu đại diện cho các tổ chức và chuyên gia luật pháp hàng đầu của châu lục và quốc tế. Đáng chú ý, tại phiên thảo luận về Biển Đông, các học giả đã chia sẻ quan điểm về các chủ đề nóng và đang đặt ra thách thức đối với luật pháp quốc tế, cũng như sự nỗ lực giải quyết đến từ các quốc gia liên quan như thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU), vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực Đông Nam Á…

Các tham luận tại hội nghị đánh giá, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa dân số thế giới, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhiều tuyến đường biển quan trọng, có ý nghĩa hết sức to lớn đối với thương mại toàn cầu và ngày càng trở thành khu vực quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới thế kỷ 21. Tuy nhiên, những tranh chấp chủ quyền dai dẳng, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông, cùng các xung đột tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn và không dễ giải quyết.

Hội thảo “Biển Đông: Một không gian đa chiều trước những thách thức toàn cầu” do Viện nghiên cứu Địa chính trị Ứng dụng (EGA) của Pháp chủ trì tổ chức tại trụ sở Thượng viện Pháp ở Thủ đô Paris vào hạ tuần tháng 5 vừa qua. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 120 người, trong đó có một số thượng nghị sỹ, chuyên viên Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ của Pháp, các chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, chiến lược quân sự, chính sách quốc phòng và nghiên cứu sinh…

Phải tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Các hội nghị và hội thảo trên diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, căng thẳng. Mới đây, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của UNCLOS năm 1982.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối, yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút ngay tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã mở phi pháp một nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền và quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - quần đảo mà có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Những hành động xâm phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, gây căng thẳng tình hình ở Biển Đông, theo giới quan sát, xuất phát từ đòi hòi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc. Trung Quốc đã đơn phương đòi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” (còn gọi là “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò chín đoạn”). Tuy nhiên, Tòa trọng tài thường trực (PCA) trong phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines vào ngày 12-7-2016 đã bác bỏ yêu sách không có cơ sở pháp lý này.

Thực tế cho thấy, những hành động gây căng thẳng, gây hấn, đe dọa… để đòi chủ quyền phi lý và phi pháp là mối đe dọa không chỉ với tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn, xung đột, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác trong khu vực. Chỉ có đối thoại, giải quyết mọi tranh chấp, va chạm trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, bản công ước được xem là hiến pháp của đại dương, mới giúp giảm căng thẳng, thúc đẩy ổn định và hợp tác ở Biển Đông cũng như trong khu vực.

Điều này một lần nữa được khẳng định tại hai hội nghị và hội thảo vừa diễn ra. Tại hội thảo “Tính toàn diện và đa dạng của luật pháp châu Á”, các chuyên gia quốc tế đều khẳng định, UNCLOS năm 1982 và phán quyết tháng 7-2016 của Tòa trọng tài PCA là những cơ sở pháp lý vững chắc nhất và quan trọng nhất cho việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông; đồng thời cho rằng, các quốc gia trong khu vực Biển Đông cần kiềm chế hành động, tôn trọng luật pháp quốc tế, nỗ lực cùng nhau giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982, đẩy nhanh quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại hội thảo “Biển Đông: Một không gian đa chiều trước những thách thức toàn cầu”, Chủ tịch Viện nghiên cứu Địa chính trị ứng dụng của Pháp Alexandre Negrus nhấn mạnh, các tranh chấp, căng thẳng ở Biển Đông là một trong những vấn đề phức tạp, dễ bùng nổ thành một điểm nóng của thế giới hiện nay. Bởi vậy, hội thảo muốn cung cấp thêm các thông tin về luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS năm 1982, góp phần làm giảm bớt nguy cơ căng thẳng. Các ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, sự cần thiết phải tôn trọng và thực thi UNCLOS năm 1982, cam kết của các nước trong khu vực như DOC.

https://www.anninhthudo.vn/de-cao-luat-phap-quoc-te-trong-giai-quyet-van-de-bien-dong-post542664.antd

Ngày đăng: 10:43 | 13/06/2023

Hoàng Hà / ANTD