Các đại biểu Quốc hội đồng thuận với dự thảo của Bộ GD&ĐT trả lại quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên, các trường, tránh được tình trạng lợi ích nhóm.
Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo thông tư trao lại quyền chọn sách cho các nhà trường, giáo viên thay vì phụ thuốc vào UBND tỉnh, thành phố như hiện nay. Động thái này nhận được sự ủng hộ lớn từ nhiều phía, cả các chuyên gia, các giáo viên, lãnh đạo các trường và các nhà quản lý giáo dục.
5 năm học 3 lần thay đổi quy định
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới đưa vào thực tiễn. Thông tư số 01 của Bộ GD&ĐT khi đó trao quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên và các trường.
Bộ GD&ĐT quy định mỗi trường thành lập một hội đồng chọn sách giáo khoa dưới sự điều hành của hiệu trưởng. Hội đồng có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục.
Các giáo viên thảo luận và bàn về sách giáo khoa. (Ảnh minh hoạ: M.K)
Sang đến năm học thứ 2 (năm học 2021 - 2022) Bộ GD&ĐT lại ban hành Thông tư số 25 thay thế Thông tư 01 về chọn sách giáo khoa. Theo đó, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập.
Lý giải việc quyết định đổi quyền lựa chọn sách giáo khoa, khi ấy đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, từ ngày 1.7.2020, luật Giáo dục (sửa đổi) mới có hiệu lực thi hành với quy định "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn" (điểm c khoản 1 điều 32).
Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới để áp dụng cho năm học 2020 - 2021 phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trong tháng 5/2020 để các nhà xuất bản có sách giáo khoa được chọn tổ chức in ấn, phát hành… kịp cho khai giảng năm học vào tháng 9/2020.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá: "Quy định lựa chọn sách giáo khoa phổ thông tại Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh".
Thậm chí, có đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại có "lợi ích nhóm" hoặc tình trạng "đi đêm" trong quá trình chọn sách giáo khoa...
Đoàn giám sát đã đề nghị Bộ GD&ĐT đánh giá có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không. Sự cần thiết sửa đổi quy định để thực hiện thống nhất việc lựa chọn sách giáo khoa và giao cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong việc lựa chọn sách giáo khoa, hướng tới để quyền lựa chọn sách giáo khoa là của học sinh, giáo viên, phụ huynh.
Đến giữa cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT lại ra dự thảo thông tư trao trả quyền lựa chọn sách giáo khoa về các thầy cô, nhà trường thay vì UBND cấp tỉnh như Thông tư 25. Chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng và giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở.
Như vậy, nếu thông tư này được ban hành, trong vòng 5 năm học từ 2020 đến 2024 tới đây, Bộ GD&ĐT đã 3 lần thay đổi việc lựa chọn sách giáo khoa ở các trường phổ thông.
Ngăn tình trạng đi đêm, lợi ích nhóm
Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An) nhận định, dự thảo thông tư đã đi rất đúng, trúng, phù hợp với tâm tư và mong muốn của đội ngũ giáo viên, nhà trường. Việc giao cho nhà trường, giáo viên chọn bộ sách giáo khoa nào để làm học liệu trong quá trình dạy là đúng bởi chính họ mới biết bộ sách nào phù hợp với học sinh của mình.
Ông Thành cũng đánh giá, dự thảo thông tư mới khắc phục những bất cập trong chọn sách mà lâu nay dư luận nói đến một cách hiệu quả. “Việc cho các trường được chọn sách giáo khoa cũng chính là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chọn sách và giảm sự tác động của đội ngũ quản lý đến việc chọn sách,” ông Thành chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.
Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc giao quyền chọn sách cho UBND tỉnh, thành phố như trước đây là chưa phù hợp. Cùng một tỉnh nhưng điều kiện về cơ sở vật chất, nặng lực, trình độ của học sinh và giáo viên là khác nhau giữa khu vực miền núi, nông thôn và thành phố. Thậm chí trong cùng một thành phố cũng vẫn có những trường chất lượng tốt hơn, trường chất lượng chưa tốt bằng.
Vì vậy, để các trường tự lựa chọn sách giáo khoa cho mình là phù hợp vì trường sẽ hiểu rõ học sinh và giáo viên của trường mình để lựa chọn bộ sách phù hợp nhất.
Bên cạnh việc các trường sẽ chọn sách giáo khoa sát với yêu cầu thực tiễn của cơ sở, bà Nga cho rằng việc giao quyền chọn sách cho các trường còn tránh được lợi ích nhóm trong lựa chọn sách giáo khoa.
Phân tích cụ thể hơn, bà Nga cho biết, hiện có nhiều bộ sách giáo khoa trên thị trường nên giữa các đơn vị xuất bản đương nhiên phải có sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Tuy nhiên cần lường trước tình huống không cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng mà bằng các hình thức "đi đêm, chạy chọt" khác.
Theo nữ đại biểu, nếu giao quyền cho UBND cấp tỉnh thực hiện chọn sách giáo khoa thì cả nước chỉ có hơn 60 hội đồng chọn sách. Giả sử có lợi ích nhóm trong chọn sách giáo khoa thì thực hiện rất dễ.
Thế nhưng nếu trao quyền cho cho các cơ sở giáo thì không một tổ chức cá nhân nào có thể tác động được đến quyết định chọn sách của tất cả trường. Từ đó sẽ tránh được nguy cơ lạm dụng việc chọn sách để trục lợi cá nhân. "Vì vậy, tôi cho rằng quy định giao các trường chọn sách là hợp lý và tháo gỡ được nhiều bất cập”, bà Nga nói.
Giáo viên là người hiểu nhất
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định, việc Bộ GD&ĐT dự kiến trao quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường là sự tiếp thu, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ đội ngũ nhà giáo.
Ông khẳng định việc giao quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường là phù hợp vì mỗi trường có điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, năng lực học sinh khác nhau. Giáo viên, nhà trường phải căn cứ trên các điều kiện thực tiễn đó để chọn bộ sách phù hợp.
Bên cạnh đó, việc trao quyền tự quyết cho các nhà trường cũng giúp nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở đao tạo, cho các giáo viên.
“Điều này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế bởi người giáo viên tùy theo học sinh và năng lực bản thân thạm chí có thể sử dụng không chỉ một mà nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, các học liệu ngoài sách giáo khoa để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu ra, từ đó kích thích sự năng động, sáng tạo của nhà giáo”, thầy Bình nhận định.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đồng tình với dự kiến trả lại quyền chọn sách cho giáo viên, nhà trường. "Hơn ai hết, giáo viên là người đứng lớp dạy học sẽ hiểu sách nào hay, phù hợp, đồng thời việc này giảm thiểu được cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản, đảm bảo việc chọn sách khách quan, minh bạch hơn trước đây", ông nhấn mạnh.
Ngày đăng: 08:26 | 25/10/2023
HÀ CƯỜNG / VTC News