Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, việc đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế, dẫn đến nhiều trở ngại ngăn cản các đơn vị tự chủ.

"Đầu tư cho giáo dục để phát triển trí lực và đầu tư cho y tế để đảm bảo sinh lực dường như còn rất mờ nhạt trong số liệu về đầu tư công", đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV sáng 5/11. Đây là phiên thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Đại biểu Hoàng Văn Cường dẫn chứng số liệu báo cáo về đầu tư phát triển ngân sách cho các bộ, cơ quan trung ương theo từng lĩnh vực. Cụ thể, năm 2024 trong tổng số vốn khoảng 120.000 tỷ đồng, Bộ Y tế được phân bổ khoảng 1.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 1%. Bộ GD&ĐT được phân bổ 1.500 tỷ, chiếm 1,2%. Dự toán năm 2025, tổng ngân sách là 148.000 tỷ đồng, Bộ Y tế được 3%, Bộ GD&ĐT 1,9%.

"Trong phương án phân bổ dự phòng ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 và tăng vốn, tăng nguồn thu của năm 2022, tổng số vốn khoảng 50.000 tỷ thì cả 2 lĩnh vực là y tế, giáo dục không thấy có tên ở trong các chương trình đầu tư này. Với mức phân bổ vốn thấp như thế, đương nhiên các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, các trường đại học thuộc Bộ GD&ĐT không có nguồn vốn để đầu tư cho phát triển", đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

 

"Nếu bệnh viện tự chủ thì trong chi phí dịch vụ của họ lại cộng thêm những khoản chi mà không đúng cấu thành về chi phí y tế", ông Cường phân tích. Ví dụ bệnh viện đa khoa và Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, các đơn vị có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhưng lại đối mặt với nỗi lo ngoài chuyên môn khám, chữa bệnh, liên quan đến đầu tư.

Điều trăn trở của lãnh đạo các bệnh viện này không phải là vấn đề kỹ thuật, cũng không lo về việc mua sắm thuốc hay thiết bị y tế mà điều khó khăn nhất, lo lắng nhất là làm thế nào để trả được lãi suất 11% vốn vay để đầu tư xây dựng cơ sở.

Nếu như chỉ tính khấu hao, tính đầu tư và chi thường xuyên thì bệnh viện không lo gì trong giá thành và dịch vụ y tế. Bây giờ cộng thêm phần trả vốn vay và trả lãi ngân hàng, chi phí dịch vụ đội lên rất cao, bệnh nhân không thể chịu được. "Điều vô lý là người bệnh đi khám, chữa bệnh thì không chỉ trả chi phí dịch vụ về y tế mà trả cả lãi suất của ngân hàng", ông nói.

"Nếu chúng ta thực hiện cơ chế tự chủ mà cứ để cho các trường đại học, các bệnh viện tự lo, tự xoay xở, tự trả như thế thì không khác gì cơ chế tự chủ thị trường chứ không còn là định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, tôi đề nghị cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu", ông Cường nói.

Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, vấn đề này cũng xảy ra ở các trường đại học. Nếu trường phải đi vay tiền để đầu tư xây dựng, phải trả lãi suất ngân hàng, chi phí đào tạo sẽ rất cao do phải gánh cả chi phí đầu tư cơ bản ban đầu cộng với lãi suất ngân hàng. Đây cũng là một trong những trở ngại với các bệnh viện và trường học khi thực hiện tự chủ.

 https://vtcnews.vn/dbqh-ngan-sach-dau-tu-y-te-thap-benh-nhan-phai-cong-ca-lai-suat-ngan-hang-ar905659.html

Ngày đăng: 15:47 | 05/11/2024

Minh Anh / VTC News