ĐBQH cho rằng, việc xác định giá đất rất khó khăn, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ, đừng để người dân giàu lên vì đất, chết cũng vì đất, rơi vào lao lý cũng vì đất.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng nay 3/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) nêu quan điểm, giá đất là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến quy hoạch, mục đích sử dụng. Có thể lúc này giá đất chỉ 1 triệu đồng nhưng khi thay đổi mục đích sử dụng, đất lại lên đến 1 tỉ đồng. Đại biểu cho rằng giá trị của đất và quyền sử dụng đất là hai khái niệm khác nhau. Việc sửa luật phải cân bằng giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Vấn đề này cần được đảm bảo hài hòa, không thiên về bên nào.

Do vậy, việc xác định giá đất dù rất khó khăn nhưng chúng ta cần xem xét và nghiên cứu kỹ vấn đề này để đảm bảo hài hoà về quyền lợi giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đừng vì lợi ích mà khiến có người giàu lên vì đất, chết cũng vì đất, rơi vào vòng lao lý cũng vì đất như một số vụ việc xảy ra trong thời gian qua”, ông Phàn nói.

ĐBQH: Đừng để giàu lên vì đất, chết vì đất, vướng vào lao lý cũng vì đất - 1

Đai biểu Trần Công Phàn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương).

Ông Phàn cho rằng, thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, yêu cầu phát triển của đất nước; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; Giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; Việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Luật Đất đai là dự án luật khó, khi sửa liên quan đến 112 luật khác nhau. Ngoài ra, đất là sở hữu toàn dân nhưng đại diện sở hữu lại là Nhà nước. Khi đã nói là sở hữu thì phải có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Tuy nhiên trong thực tế lại không như vậy khi quyết định vấn đề bán đất, đổi đất lại chỉ có vài người quyết.

“Bây giờ Nhà nước sở hữu cũng là thực hiện, thừa lệnh toàn dân chứ Nhà nước không được thay toàn dân. Phải làm rõ nội hàm này, cái nào toàn dân quyết định, cái gì toàn dân ủy quyền cho Nhà nước. Đồng thời cũng cần làm rõ Nhà nước đến cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã. Thực tế cấp xã cũng có thể bán đất, thay đổi đất”, ông Phàn nói và cho rằng cần tính toán và quy định rõ ràng, không dừng ở mức khẩu hiệu.

https://vtc.vn/dbqh-dung-de-giau-len-vi-dat-chet-vi-dat-vuong-vao-lao-ly-cung-vi-dat-ar711365.html

Ngày đăng: 23:17 | 03/11/2022

Phạm Duy / VTC News