Mỗi lần điểm tiếng Anh thấp, tôi lại chứng kiến truyền thông rung chuông báo động. Đi kèm là sự vò đầu, đấm ngực và những cái chỉ tay.
Mỗi lần điểm tiếng Anh thấp, tôi lại chứng kiến truyền thông rung chuông báo động. Đi kèm là sự vò đầu, đấm ngực và những cái chỉ tay.
Vừa đúng lúc, các nhà báo đã liên hệ với tôi để hỏi đánh giá của tôi về khả năng tiếng Anh của học sinh Việt Nam, đâu là những lý do dẫn tới kết quả thấp như vậy, và rằng các nhà giáo dục nên làm gì để có thể cải thiện tình hình.
Tôi nhớ lại, vào năm ngoái, khi chỉ số thông thạo tiếng Anh của tổ chức EF được công bố, phản ứng tương tự cũng xảy ra. Xếp hạng của Việt Nam tụt bậc từ "trung bình" xuống "thấp". Cụ thể, Việt Nam xếp hạng 41/88 vào năm 2018, đến năm 2019 tụt xuống 52/100. Báo cáo được chú thích một cách khó hiểu rằng Việt Nam "gặp một số khó khăn trong việc bắt kịp trình độ tiếng Anh ngày một tăng của toàn thế giới". Mặc dù chỉ số EF được sử dụng đo lường thành tựu tiếng Anh rộng khắp trên lãnh thổ, giá trị của nó vô cùng hạn chế bởi nó hướng tới xếp hạng các quốc gia theo trình độ các kỹ năng tiếng Anh trung bình của thí sinh tham gia thi, bao gồm các học sinh của tổ chức này.
Quả thật không ngạc nhiên, học sinh tại TP HCM đạt kết quả trung bình môn tiếng Anh cao nhất với 5,85 điểm trong kỳ thi cuối cấp ba năm 2020, kế theo sau là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hà Nội, một thành phố lớn khác, xếp hạng bốn, theo sau là Nam Định và Hải Phòng. Sự tương phản giữa thành thị và nông thôn được thể hiện rõ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm tiếng Anh. Một số tỉnh thành ở phía bắc như Hoà Bình, Sơn La và Hà Giang có điểm số thấp nhất.
Nói cách khác, năng lực của học sinh không chỉ phụ thuộc vào cách giảng dạy tiếng Anh của nhà trường mà có cả sự đóng góp của những hoạt động bên ngoài trường học như điều kiện học với gia sư, các trung tâm tiếng Anh tư thục, các hỗ trợ từ Internet, bao gồm các dịch vụ giải trí trực tuyến và các chương trình học ngôn ngữ ngắn hạn.
Thử lùi lại một bước, đánh giá một cách thấu đáo về tình trạng giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam và điều hướng lại cuộc tranh luận. Bên cạnh những hạn chế về đề thi tốt nghiệp như phần thi chỉ có ngữ pháp và kỹ năng đọc hiểu, một câu hỏi quan trọng hơn: việc yêu cầu học sinh học tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ nước ngoài khác mà chỉ tập trung vào những phần trên liệu thực sự có ý nghĩa sư phạm hay xã hội không?
Dựa vào kinh nghiệm của mình ở trong nước và khu vực, tôi có tin tốt dành cho bạn. So với các nước châu Á khác với tiềm năng lớn về kinh tế, giáo dục như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, Việt Nam được đánh giá khá cao về mặt bằng tiếng Anh. Các đồng nghiệp quốc tế của tôi khi tới Việt Nam hay tiếp xúc trực tuyến với học sinh trước và trong đại dịch Covid-19 đã bày tỏ sự ấn tượng của họ với tôi về khả năng tiếng Anh của nhiều người trẻ. Họ nói rất ấn tượng và được truyền cảm hứng bởi chất lượng tổng thể của trình độ tiếng Anh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Các em có động lực rõ ràng và đầu tư nỗ lực cao vào việc học tiếng Anh và các ngoại ngữ khác.
Từ năm 2005, tôi đã nhận thấy khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của nhóm người trẻ tuổi ngày càng gia tăng, và bây giờ nó tiến triển khích lệ kể cả ở nhóm học sinh ngoài các thành phố lớn. Ví dụ, sinh viên tham dự hội chợ giáo dục ở Đà Nẵng, Hải Phòng và Nha Trang có trình độ tiếng Anh tốt hơn nhiều so với chỉ 5 năm trước. Họ giờ đây có thể nói chuyện trực tiếp với đại diện các tổ chức giáo dục nước ngoài chứ không phải thông qua phiên dịch như trước. Thay bằng việc tuôn ra những chỉ trích không xác đáng, sao lại không dành những lời khen đúng lúc? Việt Nam xứng đáng được khen ngợi bởi thành tựu này.
Tất nhiên, tiếng Anh cũng như nhiều ngôn ngữ nước ngoài khác còn nhiều cơ hội để khỏa lấp thêm về phương pháp giảng dạy cũng như cách thức đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh. Quan trọng nhất, học sinh ở đây có đam mê và động lực học. Cái còn thiếu là những cơ hội ý nghĩa cả trong và ngoài giờ học, điều đó lại phụ thuộc vào nơi sinh sống cũng như khả năng chi trả của từng gia đình.
Thay vì lôi kết quả thi tiếng Anh ra làm tiêu điểm cho sự chỉ trích từ năm này sang năm khác, tại sao ta không bắt đầu bằng một câu hỏi vô cùng quan trọng rằng thực sự Việt Nam có cần yêu cầu bắt buộc học tiếng Anh từ lớp ba trở đi hay không? Có bao nhiêu người trẻ tuổi thực sự cần có tiếng Anh? Thực tế của nền kinh tế cho thấy, không phải tất cả người Việt Nam đều cần thành thạo tiếng Anh. Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ nước ngoài thông dụng nhất, người trẻ cũng đang theo học nhiều ngôn ngữ quan trọng khác như ngôn ngữ của các quốc gia tây Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha.
Việc thông thạo tiếng nước ngoài là không bắt buộc cho tới khi bạn bắt đầu đi làm. Nào, thử suy nghĩ về điều đó một chút. Những người đi làm sẽ cần các nhóm kỹ năng làm việc khác nhau, phụ thuộc vào yêu cầu của công việc. Việc sử dụng tiếng Anh dựa trên khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) được định nghĩa từ cấp độ "có khả năng giao tiếp trong các tình huống xã hội, du lịch và trong công việc không cụ thể", tới trình độ C1 - "có thể sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả hoặc nâng cao" rồi tới trình độ C2 là "thành thạo". Song có nhiều bạn trẻ muốn học một ngôn ngữ khác đơn thuần do các mục tiêu cá nhân.
Quay lại quan điểm về giáo dục nhà trường, tại sao Việt Nam không để tiếng Anh như một môn tự chọn giữa các môn ngoại ngữ và chúng đều dành cho bất kể học sinh nào có hứng thú học vì bất kỳ lý do gì? Điều đó tôi tin sẽ tạo ra cơ hội để giảng dạy ngoại ngữ với hiệu quả cao hơn, ở cả kênh trực tuyến và trực tiếp, tại thành thị cũng như nông thôn, đồng thời khích lệ học sinh học tập hơn.
Cách tiếp cận "súng ngắn" hiện nay tạo nên các áp lực không cần thiết lên học sinh, phụ huynh, giáo viên và như ta thấy, nó không hiệu quả và không đạt các kỳ vọng. Có lẽ việc đầu tiên của hệ thống giáo dục là sắp xếp lại các thứ tự ưu tiên và phân bổ nguồn tài nguyên hợp lý, hợp tình.
Mark A. Ashwill
Ngày đăng: 08:33 | 08/09/2020
/ vnexpress.net